BẮC GIANG – Bắc Giang có hơn 257 nghìn người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 14,6% dân số toàn tỉnh. Được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển KT – XH, đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh có thêm nguồn lực vươn lên, chung sức cùng cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, việc triển khai các chương trình, dự án, chính sách, đặc biệt là 3 chương trình mục tiêu quốc gia về: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực. Để tiếp tục trợ lực cho vùng khó khăn, tỉnh lồng ghép các nguồn vốn ưu tiên hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, thúc đẩy KT – XH phát triển.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vi Thanh Quyền giới thiệu về hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Yên Thế. |
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, tính đến tháng 11/2023, toàn tỉnh đã giải ngân gần 370 tỷ đồng vốn đã phân bổ, đạt 55 % kế hoạch; giải ngân vốn tín dụng chính sách gần 37 tỷ đồng. Nhờ vậy, vùng DTTS và miền núi được đầu tư 122 công trình mới về giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, nhiều tuyến đường giao thông được mở rộng, nâng cấp.
Điểm nhấn trên bức tranh KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi là nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, có sự liên kết hình thành chuỗi giá trị với những sản phẩm cho năng suất, chất lượng, có thương hiệu. Ở huyện Yên Thế đã hình thành vùng chuyên canh chè, gà đồi; tại Sơn Động có sản phẩm tiêu biểu đặc trưng mật ong, nấm lim; Lục Ngạn có vải thiều, mỳ Chũ, bưởi, cam; Lục Nam có na dai trái vụ cho năng suất, giá trị kinh tế cao.
Kinh tế lâm nghiệp ngày càng phát triển, đồng bào DTTS tích cực tham gia bảo vệ rừng và phát triển vùng gỗ nguyên liệu tập trung với quy mô lớn. Toàn tỉnh có 73 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Đến thời điểm này có 4 xã đặc biệt khó khăn là Trường Sơn, Bình Sơn, Vô Tranh, Lục Sơn (Lục Nam) đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia
Những năm gần đây, diện mạo nông thôn vùng DTTS và miền núi của tỉnh đã có những thay đổi theo hướng tích cực. Nhờ được cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng các cấp quan tâm, đồng bào vùng DTTS và miền núi của tỉnh được tiếp sức. Bà con chủ động học tập, lao động sản xuất, nỗ lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống.
Đường giao thông vùng đồng bào DTTS và miền núi được đầu tư. |
Qua các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiên tiến. Điển hình như Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thảo Mộc Linh, tổ dân phố Mậu, thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) đã liên kết với người dân cung cấp nguyên liệu đầu vào để chế biến sản phẩm gắn với lợi thế địa phương. Đến nay các sản phẩm: Mật ong Tây Yên Tử, măng mai, nấm lim xanh và rượu nấm lim xanh đã được công nhận đạt OCOP, trong đó mật ong được công nhận 4 sao, còn lại là 3 sao.
Gia đình ông Hoàng Văn Tư, nông dân ở xã Biên Sơn (Lục Ngạn) nhiều năm đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, T.Ư, có doanh thu 1,5-1,8 tỷ đồng/năm từ mô hình tổng hợp chăn nuôi, trồng cây ăn quả, kinh doanh. Gia đình ông tạo việc làm cho 6-8 lao động địa phương với mức từ 7-10 triệu đồng/người/tháng. Ông Trương Văn Thao, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Nghè Mản, xã Bình Sơn (Lục Nam) tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi…
Đồng bào DTTS huyện Sơn Động gìn giữ văn hóa truyền thống. |
Nhờ kết cấu hạ tầng KT – XH vùng DTTS và miền núi được đầu tư, nâng cấp nên chất lượng công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục và đào tạo cũng được nâng lên; đời sống đồng bào ngày càng cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc giảm 5,2%/năm, tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm 7,63%/năm; số xã đặc biệt khó khăn giảm từ 40 xã giai đoạn 2016-2020 xuống còn 28 xã giai đoạn 2021-2025. Sự phát triển ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng chung của tỉnh.
Tại hội nghị tôn vinh điển hình tiên tiến trong đồng bào DTTS tỉnh lần thứ Nhất năm 2023, 150 người DTTS tiêu biểu trên các lĩnh vực được Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khen thưởng. |
Cùng với cả nước, tỉnh Bắc Giang đang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh giai đoạn 2021-2030.
Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách của T.Ư và tỉnh đầu tư cho vùng DTTS nhằm phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng – an ninh.
Giải quyết tốt chính sách lao động, việc làm và nâng cao thu nhập của người dân; thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước. Chú trọng nhân rộng, biểu dương, khen thưởng điển hình tiên tiến là người lao động trực tiếp; qua đó động viên đồng bào phát huy nội lực, ý chí vươn lên phát triển KT – XH, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh
Sơn Động: Nhân rộng điển hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số
BẮC GIANG – Từ các nguồn lực hỗ trợ và ý chí tự lực vươn lên của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, nhiều tập thể, cá nhân ở huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã nỗ lực vượt khó, trở thành điển hình lao động, sản xuất giỏi, góp sức xây dựng đời sống no ấm, giảm nghèo bền vững.
Nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số
BẮC GIANG – Ngày 2/11, tại TP Bắc Giang, Ủy ban Dân tộc tổ chức hội thảo với chủ đề: Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong điều kiện mới khu vực Đông Bắc năm 2023. Đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì hội thảo.
Nhân lên những điển hình vùng dân tộc thiểu số
BẮC GIANG – Từ các phong trào thi đua, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến (ĐHTT) trên các lĩnh vực. Để lan toả trong cộng đồng, Ban Dân tộc tỉnh, các địa phương quan tâm bồi dưỡng, nhân rộng.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư, Đẩy mạnh thi đua, nhân rộng điển hình, dân tộc thiểu số, tôn vinh điển hình tiên tiến, xây dựng quê hương