Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) được thực hiện hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, kết quả giải ngân vốn của Chương trình còn thấp, chưa bảo đảm tiến độ.
Năm 2024, tổng kế hoạch vốn Trung ương và ngân sách tỉnh bố trí thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh là 390,3 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển gồm cả vốn ODA 317,1 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 73,2 tỷ đồng. Riêng vốn chuyển nguồn từ các năm 2022, 2023 sang năm 2024 khoảng 73,2 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này được tỉnh phân bổ từ đầu năm cho các địa phương để triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM.
Theo đó, huyện Lục Ngạn được phân bổ 31,8 tỷ đồng triển khai Chương trình xây dựng NTM, đến nay huyện giải ngân gần 11 tỷ đồng, đạt 31,78% kế hoạch vốn. Để hoàn thành sớm mục tiêu xây dựng NTM năm 2024 theo kế hoạch đề ra, huyện đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã Nam Dương và xã Giáp Sơn đạt chuẩn NTM nâng cao; xã Tân Sơn đạt chuẩn NTM; 03 thôn đạt NTM kiểu mẫu và 05 thôn đạt NTM.
Huyện Lục Nam được phân bổ hơn 42,3 tỷ đồng, ngoài việc phân bổ vốn để triển khai công trình đường giao thông, kênh mương nội đồng, xây nhà văn hóa, phòng học, nâng cấp, tu sửa một số trạm y tế… huyện tập trung cao cho công tác chỉ đạo thôn Phú Yên 3 (xã Tam Dị), thôn Vườn (xã Đan Hội) xây dựng các phương án thực hiện thôn kiểu mẫu. Đồng thời đôn đốc xã Yên Sơn hoàn thiện các tiêu chí và hồ sơ chứng minh tiêu chí xã NTM nâng cao năm 2024. Đến nay, huyện giải ngân được gần 17 tỷ đồng, đạt 39,47% kế hoạch vốn giao.
Với mục tiêu thực hiện xây dựng NTM đạt hiệu quả cao nhất, các địa phương trong tỉnh đã huy động, sử dụng lồng ghép các nguồn vốn khác và quán triệt chỉ đạo, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ, đảm bảo đúng theo quy định. Ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, các địa phương cũng ban hành cơ chế thực hiện chương trình, bố trí ngân sách hỗ trợ các xã, phấn đấu hoàn thiện mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, huyện Lục Nam hỗ trợ 2,5 tỷ đồng/xã NTM, 2 – 4,5 tỷ đồng/xã NTM nâng cao; huyện Lạng Giang hỗ trợ 2 tỷ đồng/xã NTM nâng cao; huyện Lục Ngạn hỗ trợ 2,5 – 3,5 tỷ đồng/xã NTM và 1,6 – 2,5 tỷ đồng/xã NTM nâng cao;…
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Kho bạc Nhà nước, tính đến ngày 15/8/2024, nguồn vốn đầu tư giải ngân thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh đạt tỷ lệ 49%. Kế hoạch của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh đưa ra đến cuối năm 2024, mục tiêu toàn tỉnh phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM, 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 79 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 12 thôn đạt chuẩn NTM tại các xã đặc biệt khó khăn. Đến nay, mới có 3/79 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt 3,8% kế hoạch năm, chưa có thôn đạt chuẩn thôn NTM tại các xã đặc biệt khó khăn và chưa có xã được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng cao, kiểu mẫu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Minh Quý cho biết, tiến độ thực hiện công trình và hoàn thiện các tiêu chí NTM, nâng cao, kiểu mẫu tại các xã còn chậm, một số xã dự kiến khó hoàn thành công tác trình hồ sơ đề nghị thẩm định theo thời gian quy định. Nguyên nhân một phần do Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 với yêu cầu cao hơn, nhiều chỉ tiêu, tiêu chí thời gian ngắn rất khó hoàn thành, các Bộ, ngành Trung ương ban hành hướng dẫn chưa đồng bộ; nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí chậm, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai tại địa phương.
Tại hội nghị bàn các giải pháp thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản các tháng cuối năm 2024, đại diện lãnh đạo các địa phương cho biết, để đạt được các tiêu chí xã NTM, nhất là xã NTM nâng cao cần rất nhiều nguồn lực. Việc huy động nguồn lực để thực Chương trình còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn là nguồn vốn trực tiếp từ Chương trình. Trong khi ngân sách phân bổ từ cấp trên hạn chế, nguồn thu ngân sách của các xã chủ yếu đến từ nguồn tiền sử dụng đất.
Nhiều năm nay, một số địa phương nguồn thu từ đất gặp khó khăn do không chuyển đổi được mục đích sử dụng đất hoặc thị trường bất động sản trầm lắng. Công tác thu hồi đất để giải phóng mặt bằng, giao đất còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, giải ngân vốn xây dựng các công trình. Kinh phí đối ứng của nhân dân chủ yếu vẫn là hiến đất và ngày công lao động.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các chương trình chuyên đề tại các địa phương đến nay còn gặp nhiều khó khăn do các nội dung thực hiện mới, trong khi các văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa cụ thể, làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn.
Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu kế hoạch thực hiện Chương trình NTM năm 2024 và giai đoạn 2021-2025, ngày 19/8/2024, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 4578/UBND-NN yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo, khẩn trương phân bổ nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai, thi công hoàn thành các hạng mục công trình hạ tầng đáp ứng yêu cầu đạt chỉ tiêu, tiêu chí NTM; chủ động lồng ghép và huy động các nguồn lực khác để triển khai tổ chức thực hiện hoàn thành theo kế hoạch.
Thực hiện tốt công tác lập kế hoạch, phân bổ vốn kịp thời, đúng quy định và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn thực hiện Chương trình. Ưu tiên tập trung nguồn lực để hỗ trợ các xã đạt chuẩn NTM, xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu, huyện NTM nâng cao, huyện NTM.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tích cực, chủ động thực hiện nhiều giải pháp huy động, đa dạng hóa các nguồn lực để thực hiện xây dựng NTM; cân đối, bố trí ngân sách địa phương thực hiện chương trình; đồng thời lồng ghép hiệu quả các nguồn lực của các Chương trình MTQG và Chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân tự nguyện đóng góp, tài trợ nguồn lực để thực hiện Chương trình, đảm bảo không huy động quá sức dân và tránh để phát sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản của Chương trình.
Việc giải ngân vốn không chỉ có ý nghĩa về mặt tài chính, ngân sách mà còn là yếu tố quan trọng để chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư phát triển những năm tiếp theo. Vì thế, các địa phương thụ hưởng chương trình cần ưu tiên bố trí cán bộ, kịp thời giải quyết, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục về đầu tư xây dựng; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình khi có khối lượng, tránh tình trạng dồn vào cuối năm./.
Nguyễn Miền
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/-ay-manh-giai-ngan-von-chuong-trinh-xay-dung-nong-thon-moi