Chiều tối 2/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước năm 2024. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với đầu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Chủ tịch UBND, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và lãnh đạo 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Mai Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị tỉnh; đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh.
Phát biểu định hướng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Hội nghị được tổ chức sau 1 năm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển và sau 3 tháng triển khai kết quả Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32.
Thủ tướng nêu rõ, đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng là 3 động lực tăng trưởng truyền thống cần làm mới, cùng với các động lực mới cần thúc đẩy là kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu đặt ra là phải phát triển nhanh và bền vững, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần, phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội, văn hóa, môi trường.
Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục kết hợp hài hòa, hợp lý hiệu quả sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, giữa nội lực và ngoại lực, phát huy tối đa tiềm lực đất nước để phát triển, trên quan điểm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”; hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đối tác.
Thủ tướng gợi mở một số nội dung để các đại biểu thảo luận, đồng thời nhấn mạnh tinh thần “3 cùng”: Cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển. Đồng thời, phải giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, kiên trì, không quá say sưa với thắng lợi khi thuận lợi; không hoang mang, dao động khi gặp khó khăn, thách thức; tuân thủ và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước phù hợp với tình hình.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, triển khai Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, công tác ngoại giao kinh tế đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, mở ra các hướng đi mới, mang tính đột phá, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Năm 2023, công tác ngoại giao kinh tế đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả. Quan hệ đối tác tiếp tục được mở rộng và khuôn khổ quan hệ với 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện được củng cố, nâng tầm, nâng cấp. Từ đầu năm 2023 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 4 đối tác chủ chốt gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia.
Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tăng cường xúc tiến, quảng bá, đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại. Lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành tích cực gặp gỡ các tập đoàn nước ngoài để vận động đầu tư chất lượng cao, phát triển kinh tế xanh, thúc đẩy giải quyết vướng mắc để bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi. Tăng cường hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp tham gia các hoạt động đối ngoại, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến, kết nối các đối tác quốc tế, qua đó, mở rộng thị trường, vận động đầu tư FDI chất lượng cao, thu hút ODA thế hệ mới. Hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế được đẩy mạnh sâu rộng, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, gắn với thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế.
Các hoạt động ngoại giao kinh tế đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta cả năm 2023 đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng 28 tỷ USD, nhiều nhất từ trước tới nay; thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Năm 2024, trước những diễn biến phức tạp của nền kinh tế thế giới, Bộ Ngoại giao đề xuất 5 nhiệm vụ trọng tâm của công tác ngoại giao kinh tế, gồm: Triển khai quyết liệt các cam kết, thỏa thuận đã đạt được nhằm tận dụng tối đa việc nâng tầm, nâng cấp, mở rộng quan hệ với các đối tác; tăng tốc thúc đẩy làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế, nâng cao vị thế đất nước, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, cân bằng và hài hòa trong ứng xử quốc tế; nâng cao sự nhạy bén và chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu, điều hành kinh tế – xã hội của Chính phủ; đổi mới mạnh mẽ trong phối hợp triển khai ngoại giao kinh tế và tăng cường đầu tư nguồn lực triển khai ngoại giao kinh tế.
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các Đại sứ, Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài kiến nghị Chính phủ xem xét, có các cơ chế chính sách mới trong thu hút các dự án đầu tư lớn, mang tính đột phá như công nghệ AI, công nghệ xanh; đẩy nhanh quy trình giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các triển lãm quốc tế và đầu tư ra nước ngoài. Nghiên cứu, mở rộng đối tượng miễn thị thực, nâng tần suất các chuyến bay, nhất là vào mùa du lịch để thu hút du khách nước ngoài. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao của các doanh nghiệp.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mong muốn các bộ ngành Trung ương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả “3 phát huy” trong ngoại giao kinh tế, đó là phát huy thế và lực của đất nước trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài; phát huy sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại để đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, kết hợp với du lịch, giao lưu nhân dân; phát huy năng động, sáng tạo, linh hoạt, thông minh của con người Việt Nam để đa dạng hóa thị trường, kết nối với cung ứng, kết nối với sản xuất và phát huy tối đa yếu tố khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo lập nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Song song với đó là thực hiện 3 cùng: cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển, trên tinh thần “lợi ích hài hỏa, rủi ro chia sẻ”.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài phải tập trung vào thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm lớn. Thứ nhất là chương trình đối ngoại của các cấp, có chương trình, nội dung, kế hoạch cụ thể, đầu ra cụ thể; sau đó phải vào cuộc triển khai các công việc theo cam kết, thỏa thuận với đối tác. Thứ hai là tăng cường củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư) đồng thời bổ sung đẩy mạnh động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ,…). Thứ ba là phải khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước; khai thác tối đa các FTA đã ký kết. Thứ tư là đẩy mạnh huy động và khai thác nguồn lực của 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.
Biện pháp cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tích cực, chủ động chuyển tải thông điệp đến đối tác quốc tế về tinh thần cầu thị, lắng nghe của Đảng, Nhà nước, của các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp của nước ta với các đối tác nước ngoài. Đôn đốc triển khai thực hiện các thỏa thuận đã cam kết, ký kết trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 21 của Chính phủ, phải lượng hóa các nội dung thực hiện; đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết những vấn đề còn vướng mắc để kịp thời tháo gỡ.
Tăng cường củng cố quan hệ thương mại, đầu tư đối với các thị trường lớn, chủ chốt; hoạt động đa dạng hóa thị trường; chú trọng các thị trường tiềm năng như UAE, Trung Đông, Châu Phi… Tạo đột phá trong thu hút đầu tư ở lĩnh vực mới như bán dẫn, năng lượng sạch; thúc đẩy và đón tiếp chu đáo các đoàn doanh nghiệp, tập đoàn lớn từ nước ngoài vào Việt Nam. Nâng cao tính nhạy bén, kịp thời trong nghiên cứu, tham mưu chiến lược; làm việc có trọng tâm, trọng điểm để có thể nắm bắt xu thế, đáp ứng được những gì đối tác cần.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, ngoại giao kinh tế trong năm 2024 phải có đột phá với tinh thần đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong sách lược, thống nhất trong nhận thức và hành động; cơ hội phải nắm bắt; vướng mắc phải tháo gỡ; giải pháp phải đột phá, triển khai phải quyết liệt hiệu quả, bền vững./.
Dương Thủy