BẮC GIANG – Thời gian qua, Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp của tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số, đổi mới thủ tục hành chính tư pháp, bảo đảm công khai, minh bạch. Qua đó nâng cao tỷ lệ xét xử và chất lượng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến, TAND tỉnh là đơn vị tiên phong xét xử 3 phiên tòa trực tuyến đầu tiên của cả nước, trong đó có 1 phiên tòa trực tuyến toàn quốc. Được biết, khi chưa có Nghị quyết này của Quốc hội, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lãnh đạo TAND tỉnh đã đề xuất với Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh và lãnh đạo TAND Tối cao cho xét xử trực tuyến.
TAND TP Bắc Giang xét xử trực tuyến nối với điểm cầu TAND tỉnh và Trại Tạm giam Công an tỉnh. |
Đây là ý tưởng đột phá khi TAND Tối cao chưa có kế hoạch hoặc chỉ đạo. Hiện nay, hầu hết các ngày trong tuần, điểm cầu trung tâm tại TAND tỉnh đều có phiên tòa xét xử trực tuyến. Ngày 22/11, TAND TP Bắc Giang xét xử trực tuyến vụ án Nguyễn Văn Hùng (SN 1980), trú tại khu 10, thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) về tội “Tham ô tài sản”, điểm cầu trung tâm là TAND tỉnh, điểm cầu thành phần là tại Trại Tạm giam Công an tỉnh.
Ở phiên tòa này, lực lượng chức năng không phải dẫn giải bị cáo đến tòa án; việc bảo vệ phiên tòa dễ dàng hơn. Tương tự, ngày 1/12, TAND tỉnh xét xử trực tuyến một vụ án hành chính kết nối với điểm cầu UBND huyện Lục Nam. Thẩm phán Hà Văn Nâu, Phó Chánh tòa Hành chính (TAND tỉnh) cho biết: Xét xử trực tuyến rất thuận lợi, lãnh đạo cũng như các bộ phận chuyên môn của UBND huyện không phải di chuyển đến TAND tỉnh như trước đây.
Việc tham mưu cũng như truy vấn văn bản, tài liệu chứng cứ cần thiết cho việc xét xử có thể được giải quyết ngay, bảo đảm xét xử thuận lợi, tránh hoãn phiên tòa nhiều lần. Năm 2022, TAND hai cấp của tỉnh đã xét xử trực tuyến 222 vụ, đứng thứ 2 toàn quốc, được Chánh án TAND Tối cao tặng Bằng khen. Năm 2023, TAND hai cấp của tỉnh đã xét xử 574 vụ án trực tuyến.
Đồng chí Lương Xuân Lộc, Chánh án TAND tỉnh khẳng định: “Chúng tôi xác định việc xét xử trực tuyến là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án thông minh”. Việc chuyển từ xét xử trực tiếp sang xét xử trực tuyến là cần thiết, phù hợp với thực tiễn và được nhận định là xu thế trong thời kỳ chuyển đổi số; bảo đảm cho hoạt động tư pháp không bị chậm trễ; tiết kiệm chi phí xã hội”.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chánh án TAND Tối cao về triển khai áp dụng phần mềm trợ lý ảo, TAND hai cấp của tỉnh đã triển khai có hiệu quả phần mềm này. Với trợ lý ảo được thiết kế riêng cho ngành tư pháp, các thẩm phán tiết kiệm nhiều giờ làm việc và dễ dàng tham khảo ý kiến chuyên môn từ các đồng nghiệp trên cả nước. Phần mềm này là một bước tiến lớn, điểm sáng trong ứng dụng CNTT của hệ thống tòa án toàn quốc.
Thẩm phán Hoàng Thị Hải Hường, Chánh tòa Gia đình và Người chưa thành niên (TAND tỉnh) chia sẻ: “Cá nhân tôi và các thẩm phán khác của TAND hai cấp đều được cấp tài khoản trợ lý ảo. Ban đầu còn bỡ ngỡ nhưng khi đã sử dụng quen, ai cũng thấy hiệu quả. Phần mềm trợ lý ảo ngoài việc tra cứu văn bản, hướng dẫn pháp luật, tham khảo chuyên môn, áp dụng các án lệ… còn giúp mã hóa bản án, quyết định để đăng lên Cổng thông tin điện tử.
Trước đây một ngày chỉ mã hóa và đăng được 10 bản án, nay có trợ lý ảo việc đăng 10 bản án mất khoảng 30 phút và gần như thay thế nhu cầu tra cứu tài liệu giấy”. Đến nay đã có gần 60 nghìn lượt truy cập, gần 1.000 lượt bình luận trao đổi chuyên môn và 29.095 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đã được Thẩm phán TAND hai cấp của tỉnh công khai trên Cổng thông tin điện tử.
Việc số hóa hồ sơ vụ án đã giúp cho việc lưu trữ được thuận lợi, truy vấn, khai thác dữ liệu nhanh chóng, chính xác. Hệ thống phần mềm văn bản quản lý điều hành của TAND tỉnh được sử dụng hiệu quả trong công tác nhận và gửi các văn bản, tài liệu giữa nội bộ ngành và giữa ngành với các cơ quan, đơn vị khác. Việc thống kê, tổng hợp thực hiện chủ yếu bằng phương pháp điện tử và số liệu được cập nhật thường xuyên, liên tục hằng tuần giúp lãnh đạo cơ quan, đơn vị chủ động nắm bắt tình hình thụ lý, tiến độ giải quyết các, giám sát thực hiện thời hạn tố tụng của các thẩm phán, đánh giá chất lượng xét xử.
Cùng đó, Cổng thông tin điện tử của TAND tỉnh tích hợp nhiều ứng dụng giúp người dân, cơ quan tổ chức tiện liên hệ công việc như: Tra cứu kết quả giải quyết đơn trực tuyến, đăng ký, cấp sao bản án trích lục; thông báo tống đạt, xem các bản án, quyết định có hiệu lực đã được công bố.
Để tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của ngành, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, TAND hai cấp của tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang bị hệ thống xét xử trực tuyến tại các điểm cầu của 10 TAND cấp huyện. Hoàn thiện chức năng nộp đơn khởi kiện trực tuyến, xây dựng phần mềm phân án ngẫu nhiên. Tiếp tục bồi dưỡng cán bộ có chức danh tư pháp, đặc biệt là nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sử dụng trang thiết bị CNTT cho đội ngũ cán bộ, thẩm phán; giao chỉ tiêu hàng năm mỗi thẩm phán phải xét xử ít nhất 2 phiên tòa trực tuyến.
Chí Dũng – Tuấn Minh
Chuyển đổi số để kết nối cung – cầu lao động
BẮC GIANG – Bằng nhiều cách làm sáng tạo, nhất là ứng dụng chuyển đổi số trong công tác kết nối, tư vấn, giới thiệu, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã giúp nhiều lao động có việc làm ổn định, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho doanh nghiệp (DN).
Tạo bước đột phá từ chuyển đổi số
BẮC GIANG – Hôm qua là Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10 với chủ đề “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”. Cùng với cả nước, năm nay là năm thứ hai, Bắc Giang tổ chức Ngày Chuyển đổi số năm 2023 thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số và công dân số.
tin tức bắc giang, bắc giang, thủ tục hành chính tư pháp, Đẩy mạnh chuyển đổi số, phục vụ xét xử, phiên tòa trực tuyến, cải cách tư pháp, Tòa án nhân dân