BẮC GIANG – Chiều 2/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính,
Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ bảy
đánh giá kết quả triển khai công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Cùng dự có đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ; lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư.
Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang. Cùng dự có các thành viên BCĐ tỉnh.
Với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương- Bản lĩnh, linh hoạt – Đổi mới, sáng tạo – Kịp thời, hiệu quả”, công tác CCHC năm 2023 có chuyển biến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả nổi bật, đồng bộ ở các nội dung. Trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, quy trình, TTHC đang cản trở sự phục hồi, phát triển KT-XH.
Đồng chí Lê Ánh Dương chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang. |
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 144 quy định kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của 5 bộ, cơ quan. Các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 628 quy định kinh doanh tại 53 văn bản quy phạm pháp luật. Công tác xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được triển khai đồng bộ, quyết liệt, có nhiều mô hình tốt.
Các bộ, ngành, địa phương đã bám sát thực tiễn, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động, quyết tâm thực hiện 4.142 nhiệm vụ được giao; ban hành 5.586 văn bản chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC đã đề ra. Công tác thông tin, tuyên truyền và kiểm tra CCHC được triển khai thường xuyên, liên tục, đổi mới, sáng tạo…
Công tác CCHC năm 2023 vẫn còn tồn tại hạn chế như: Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ; một vài bộ, ngành chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo quy định, dẫn đến khó khăn cho tổ chức thực hiện tại địa phương; một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm.
Tại tỉnh Bắc Giang, công tác CCHC tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp. Các sở, ngành, địa phương thường xuyên rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết và đơn giản hóa thành phần hồ sơ của các TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ. Công tác số hóa được đẩy mạnh, kỷ luật, kỷ cương hành chính được duy trì. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến đạt cao. Năm 2023, tỉnh Bắc Giang thường xuyên duy trì vị trí trong nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước về chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đã phát biểu 18 ý kiến tham luận, đề xuất nhiều biện pháp thiết thực để nâng cao chất lượng công tác CCHC. Chia sẻ kinh nghiệm trong sắp xếp đơn vị hành chính, sáng kiến, giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm qua, nhiều văn bản, cơ chế, chính sách quan trọng đã được ban hành, góp phần tháo gỡ các nút thắt và thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình CCHC. Đồng chí ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân, đặc biệt là thành viên BCĐ đã tích cực triển khai công tác CCHC với nhiều kết quả tích cực. Thủ tướng Chính phủ quán triệt, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh CCHC trên cả 6 lĩnh vực.
Cụ thể: Cải cách thể chế phải tập trung tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho sản xuất, kinh doanh.
Cải cách TTHC phải tập trung cho đơn giản hóa TTHC, tăng cường phân cấp, phân quyền; giảm chi phí tuân thủ, chi phí đầu vào của người dân, doanh nghiệp.
Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước phải tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế nhưng phải cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.
Cải cách chế độ công vụ, tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng văn hóa công sở, đạo đức, trách nhiệm của người thực thi công vụ.
Trong cải cách tài chính công tập trung tăng thu, giảm chi thường xuyên; cơ cấu lại theo hướng tăng chi cho đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên; chống tiêu cực, tham nhũng.
Tập trung xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, công dân số, xã hội số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và thúc đẩy các hoạt động trên trông gian mạng; tập trung vào thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Tin, ảnh: Thu Thủy
Lục Nam: Đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư
BẮC GIANG – Nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển KT-XH, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn huyện Lục Nam (Bắc Giang) luôn tích cực chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp nhằm thu hút các nhà đầu tư thực hiện dự án, tạo nên diện mạo mới ở vùng quê “sông Lục, núi Huyền”.