BẮC GIANG – Nhờ cơ chế hỗ trợ, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa. Qua đó, từng bước góp phần thay đổi diện mạo, tạo “đòn bẩy” giảm nghèo nhanh, bền vững.
Thêm nhiều công trình mới
Trước đây, cơ sở vật chất của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Lục Nam thiếu thốn, xuống cấp. Dù chỉ có hơn 200 học sinh song do không gian chật nên các em không có khu vui chơi, luyện tập thể thao; nhiều phòng ở bị thấm, dột… Cơ sở vật chất không bảo đảm, chất lượng chăm sóc, giáo dục của nhà trường cũng bị ảnh hưởng phần nào. Khắc phục khó khăn này, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, năm 2021, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện phối hợp với nhà thầu khởi công, xây dựng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện với tổng kinh phí 53,7 tỷ đồng.
Ngầm Bến Nhạn, xã Đại Sơn (Sơn Động) hoàn thành góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. |
Theo đó trên diện tích gần 12,9 nghìn m2 của Trường Tiểu học và THCS thị trấn Lục Nam (cũ), nhà thầu xây mới 30 phòng ở nội trú, 16 phòng học cùng nhà ăn, phòng quản lý học sinh, bộ môn, nhà sinh hoạt giáo dục dân tộc, sân bóng đá, bóng chuyền… Thầy giáo Hoàng Đăng Viên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngay trong năm học đầu về trường mới (năm học 2022-2023), chất lượng giáo dục của nhà trường được nâng lên một bước, tỷ lệ học sinh khá, giỏi chiếm hơn 60%. Đặc biệt có 58 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, tăng gấp đôi so với năm học 2021-2022. Đó là những tín hiệu vui để giáo viên và học sinh nhà trường tiếp tục nỗ lực, cố gắng đạt những thành tích cao hơn”.
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh bố trí hơn 794 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 328 công trình giao thông, thuỷ lợi, giáo dục, nhà văn hoá và duy tu, bảo dưỡng 233 công trình khác. Cùng đó, bố trí hơn 272 tỷ đồng xây mới, cải tạo, nâng cấp 9 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. |
Nhằm trợ lực cho các địa phương, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh bố trí hơn 794 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 328 công trình giao thông, thuỷ lợi, giáo dục, nhà văn hoá và duy tu, bảo dưỡng 233 công trình khác. Cùng đó, bố trí hơn 272 tỷ đồng xây mới, cải tạo, nâng cấp 9 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Đến nay, hầu hết công trình được bố trí vốn trong năm 2022, 2023 đều đã khởi công xây dựng, nhiều công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH địa phương.
Ghi nhận tại huyện Sơn Động, từ năm 2022 đến nay, các địa phương trong huyện đã khởi công xây dựng 61 công trình được phân bổ vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi. Trong đó, 33 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng. Cùng thời gian này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện hoàn thành 27/36 ngầm dân sinh từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đồng Bài, xã An Lạc Lã Văn Tuấn nói: “Trước đây mỗi khi sinh hoạt chi bộ hay họp dân, chúng tôi đều phải tổ chức tại nhà của đồng chí Bí thư chi bộ hoặc mượn phòng tại điểm lẻ của trường tiểu học. Nay nhà văn hoá thôn được đầu tư xây mới, địa phương sẽ có điều kiện tổ chức nhiều hoạt động, chất lượng thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH sẽ nâng lên”.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án
Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, các công trình, dự án được triển khai đã mang đến diện mạo mới cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Cụ thể, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm 2,35% so với năm 2021 và dự kiến năm nay sẽ giảm 2,5% so với năm 2022. Cùng đó, có 4 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn gồm: Trường Giang, Vô Tranh, Bình Sơn và Lục Sơn (cùng huyện Lục Nam). Mặc dù vậy, qua đánh giá tỷ lệ giải ngân vốn các dự án còn thấp. Đối với nguồn vốn năm 2022 chuyển sang năm nay, các địa phương mới giải ngân đạt 51,2%.
Riêng vốn phân bổ năm nay, hiện mới giải ngân đạt 30,1% kế hoạch. Nguyên nhân là do một số nội dung mới có hướng dẫn cụ thể, các chủ đầu tư đang trong quá trình hoàn thiện dự án, trình thẩm định, phê duyệt để tổ chức thực hiện. Một số dự án không bố trí vốn giải phóng mặt bằng nên quá trình thực hiện còn chậm do phải tuyên truyền, vận động người dân hiến đất. Một số dự án có tổng mức đầu tư lớn, trong khi mới khởi công, đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu nên khối lượng thanh toán chưa nhiều.
Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai các dự án, Ban Dân tộc tỉnh vừa đề nghị Sở Giao thông – Vận tải bổ sung mẫu thiết kế phù hợp với giao thông nông thôn, có hướng dẫn lập dự toán cụ thể cho đường từng loại, hoặc hao phí vật liệu, máy, nhân công để chủ đầu tư cấp xã áp dụng (hiện nay chỉ có mẫu thiết kế đường 3,5 m); Sở Nông nghiệp và PTNT bổ sung thiết kế mẫu kiên cố hóa kênh mương; Sở Xây dựng có văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng đối với các dự án theo cơ chế đặc thù để thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh.
Với trách nhiệm của mình, từ tháng 8, UBND các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế duy trì kiểm điểm công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các dự án. Đối với các dự án đã mở thầu, UBND các huyện yêu cầu cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, giải ngân vốn, những dự án đã có mặt bằng cần bàn giao sớm cho nhà thầu thi công. Với các dự án chưa xong mặt bằng, cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp đẩy nhanh tiến độ, tập trung điều chỉnh thiết kế hướng tuyến, nắn tuyến đối với các dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Trái ngọt từ “vườn cây giảm nghèo”
BẮC GIANG – Phong trào tặng “vườn cây giảm nghèo” đang được các cấp hội, đoàn thể trên địa bàn huyện Tân Yên nhân rộng, tạo động lực cho nhiều hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn vươn lên.
Tự lực vươn lên, giảm nghèo bền vững
BẮC GIANG – Bằng nhiều hình thức hỗ trợ, các cấp ngành, chính quyền và tổ chức chính trị – xã hội trong tỉnh đã tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.
Bình Sơn: Năng động chuyển nghề, giảm nghèo bền vững
(BGĐT) – Những năm gần đây, xã Bình Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) chuyển mình mạnh mẽ nhờ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người dân vay vốn tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập. Nhiều chỉ tiêu phát triển KT- XH sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 vượt kế hoạch đề ra, xã xuất hiện những mô hình sản xuất thu nhập cao.
tin tức bắc giang, bắc giang, đầu tư hạ tầng, thiết yếu, chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển, tiến độ xây dựng, giải ngân vốn, hỗ trợ giảm nghèo, công trình hạ tầng, đồng bào, dân tộc thiểu số