(BGĐT) – Trước hiện trạng một số trường học tại TP Bắc Giang còn chật hẹp, thiếu đồng bộ, khó khăn khi tổ chức các hoạt động giáo dục, UBND TP đang tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp để khắc phục.
Phòng học chật hẹp, thiếu sân chơi
Được xây dựng từ nhiều năm trước, đến nay cơ sở vật chất Trường THCS Trần Nguyên Hãn đã chật hẹp, xuống cấp. Có hơn 700 học sinh song diện tích toàn trường chưa đầy 3 nghìn m2, chỉ đạt bình quân 4,2 m2/ học sinh. Tỷ lệ này chỉ đáp ứng ½ diện tích theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chị Nguyễn Thị Huệ, phường Trần Nguyên Hãn có con học lớp 8 tại trường phản ánh: “Mấy năm qua, các con phải học tập trong không gian chật chội do lớp đông mà phòng nhỏ hẹp. Những ngày nắng nóng, phòng không có máy điều hòa, các con ngồi học mà nhễ nhại mồ hôi”.
Theo lãnh đạo nhà trường, do xây dựng lâu năm, tường yếu và hệ thống dây diện cũ, quá tải nên không thể lắp máy điều hòa. Thiếu phòng học, phòng chức năng và các công trình phụ trợ như sân chơi, nhà đa năng nên khó khăn cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục.
Cơ sở vật chất Trường Tiểu học Dĩnh Kế vừa được nâng cấp khang trang. |
Trên địa bàn TP hiện có 53 trường học ở các bậc mầm non, tiểu học và THCS. Quá trình phát triển đô thị dẫn đến số lớp/trường, số học sinh/lớp tại nhiều trường tiểu học tăng, quá tải. Qua rà soát, có 4/20 trường mầm non, 8/16 trường tiểu học, 9/17 trường THCS chưa đạt diện tích theo quy định. Một số công trình đã xây dựng lâu năm, diện tích phòng học nhỏ hẹp trong khi có từ 40-45 học sinh/lớp nên không phù hợp tổ chức các hoạt động giáo dục hiện nay. Tại Trường THCS Hoàng Hoa Thám (phường Hoàng Văn Thụ), Trường THCS Song Mai… phải chuyển phòng chức năng làm phòng học. Đến giờ thí nghiệm, thực hành, giáo viên, học sinh tự khắc phục bằng cách mang dụng cụ, thiết bị dạy học từ nhà đến rồi lại mang về. Nhiều hoạt động ngoại khóa, rèn luyện thể chất khó tổ chức do sân trường nhỏ hẹp, không có bãi tập. Ở một số đơn vị khác, thiếu phòng chức năng ảnh hưởng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị dạy học thông minh. Đây cũng là khó khăn để duy trì kết quả xây dựng trường chuẩn quốc gia trong giai đoạn mới.
Thực hiện đề án nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo TP Bắc Giang giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, TP bố trí khoảng hai nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa nâng cấp cơ sở vật chất trường học và đầu tư các hoạt động giáo dục. |
Hiện nay, các trường tiểu học trên địa bàn đều tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Thầy cô và phụ huynh băn khoăn khi học sinh nằm ngủ trưa trên bàn học có kích thước ngắn, hẹp không phù hợp với thể trạng, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy việc đầu tư mở rộng diện tích phòng học hoặc xây dựng thêm phòng ngủ, trang bị thiết bị đáp ứng yêu cầu học sinh bán trú tại trường cũng là điều cần quan tâm.
Mở rộng trường lớp, hoàn thiện hạ tầng
Để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, hai năm học vừa qua, UBND TP đã xây dựng mới hơn 300 phòng học, phòng chức năng và các công trình phụ trợ đồng thời sửa chữa, cải tạo nhiều hạng mục với tổng kinh phí hơn 389 tỷ đồng. Nhiều trường học mới được xây dựng hiện đại như Trường THCS Tân Tiến, THCS Lý Tự Trọng của phường Đa Mai, các trường tiểu học: Ngô Sĩ Liên, Dĩnh Kế, Đồng Sơn… đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục trong tình hình mới.
Theo Chủ tịch UBND TP Đặng Đình Hoan, TP luôn quan tâm, ưu tiên nguồn lực phát triển giáo dục. Hằng năm, ngành chức năng và các phường, xã rà soát hiện trạng cơ sở vật chất trường học và có kế hoạch đầu tư xây dựng, nâng cấp. Khó khăn của một số trường học đã được UBND TP nắm bắt và đang tập trung giải quyết theo lộ trình cụ thể.
Thực hiện đề án nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo TP Bắc Giang giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, TP sẽ bố trí khoảng hai nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp và đầu tư cho các hoạt động giáo dục. Mục tiêu là xây dựng trường học tiên tiến, hiện đại, từng bước khắc phục tình trạng quá tải học sinh trên mỗi lớp, số lớp trên mỗi trường. Qua rà soát, với các trường chưa bảo đảm diện tích, TP có kế hoạch mở rộng, tách trường hoặc đầu tư xây dựng mới các công trình đồng thời tiếp tục bổ sung trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện đại, thông minh. Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng đội ngũ, đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục mũi nhọn. Phấn đấu đến năm 2025, tất cả trường học đã hoạt động đủ 5 năm đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, từ 30% trường học trở lên đạt mức độ 2, có ba trường được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 4.
Trường Mầm non Hoa Hồng, phường Thọ Xương đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp. |
UBND TP chỉ đạo tập trung tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng để từ nay đến năm 2025 sẽ chuyển địa điểm và xây mới 6 trường học với tổng diện tích gần 50 nghìn m2. Trong đó xây dựng Trường THCS Hoàng Hoa Thám và Trường Mầm non Hoa Sen, phường Hoàng Văn Thụ cạnh Công viên Hoàng Hoa Thám với đầy đủ phòng học, phòng chức năng, nhà đa năng và hạng mục phụ trợ. Chuyển địa điểm và xây mới Trường THCS Trần Phú về Trường Chính trị tỉnh (cũ). Đơn vị chức năng TP và phường cũng đang phối hợp thực hiện các thủ tục để tiếp nhận 5 nghìn m2 đất của doanh nghiệp tại địa bàn phục vụ xây dựng, mở rộng Trường THCS Trần Nguyên Hãn lên gấp hai lần hiện trạng.
Thời điểm này, các cơ sở giáo dục đang tập trung tu sửa, cải tạo trường lớp để chuẩn bị bước vào năm học mới 2023-2024. Ông Đỗ Văn Quý, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP cho biết: UBND TP đầu tư gần 40 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp 23 trường mầm non, tiểu học và THCS. Đồng thời bổ sung nhiều thiết bị dạy và học để bảo đảm cơ sở vật chất trường học, nâng cao hiệu quả giáo dục.
Vi Lệ Thanh
Rộng cửa chọn trường, chọn nghề
(BGĐT) – Con đường học tập của học sinh sau khi hoàn thành chương trình THCS, THPT ngày càng rộng mở. Hình thức tuyển sinh, mô hình đào tạo đa dạng với nhiều mức chi phí khác nhau giúp học sinh có cơ hội chọn trường, ngành nghề phù hợp với năng lực và điều kiện kinh tế của gia đình.
TP Bắc Giang, quan tâm, đầu tư, cơ sở vật chất, tăng cường, hiệu quả, giáo dục, trường chuẩn