BẮC GIANG – Đảng viên hưu trí là những người đã kinh qua nhiều môi trường công tác, có trí tuệ, uy tín và kinh nghiệm. Để tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ này đòi hỏi người đảng viên phải khép mình vào kỷ luật, không được thoả mãn, buông xuôi. Cấp ủy, chi bộ cần đổi mới phương pháp tập hợp đảng viên, có hình thức sinh hoạt phù hợp, tạo môi trường cho đảng viên được đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật Đảng.
Tự soi, tự sửa, tự rèn
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Đảng mạnh là do mỗi một chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do mỗi một đảng viên ra sức làm trọn các nhiệm vụ đã ghi trong Điều lệ của Đảng…”. Như vậy, muốn chi bộ mạnh thì không ai khác ngoài các đảng viên của chi bộ đó phải nỗ lực thực hiện nhiệm vụ. Kinh nghiệm của nhiều đồng chí thật dễ… vận dụng. Ấy là trước khi nghỉ hưu, hãy lên kế hoạch, sắp xếp những việc bản thân cần làm cho một “chương” mới trong cuộc đời để tránh sự nhàn rỗi, tìm kiếm những công việc có ý nghĩa như tham gia các hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể, của cộng đồng dân cư, câu lạc bộ…
Đồng chí Đỗ Thị Hoài Mơ, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Thanh Xuân, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) trò chuyện với đảng viên trẻ. |
Những việc làm đơn giản hằng ngày như cùng với bà con tham gia các phong trào “Chủ nhật xanh”, vệ sinh đường làng ngõ phố, làm đẹp cảnh quan môi trường; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; đi họp đầy đủ, đúng giờ, tích cực đóng góp ý kiến xây dựng khu dân cư tiến bộ, văn minh.
Đáng tiếc có những đảng viên về hưu lại tự cho rằng mình như “người thừa”, không còn trách nhiệm gì nữa. Chợt nhớ câu thơ của nhà thơ Nga V. Mayakovsky: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”. Tuyệt nhiên không có chuyện khi còn công tác tôi có chức, có quyền, có địa vị xã hội thì về hưu tôi không còn quan trọng nữa, thế nào cũng được, phó mặc, buông xuôi. Từ cách sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày như giữ gìn sức khỏe bản thân, giữ mình; chăm sóc, nuôi dạy con cháu; suy nghĩ tích cực, hưởng ứng các phong trào chung của địa phương đến làm kinh tế…, tất cả đều là nhiệm vụ của người đảng viên, đều là có ích, không có chuyện nhiệm vụ to, nhiệm vụ nhỏ.
Một cựu chiến binh kể: Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, tổ chức đảng vẫn sinh hoạt thường xuyên, giữ vững mối liên hệ, lãnh đạo nhân dân kháng chiến giành thắng lợi. Ở đó, những đảng viên sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để thực hiện nhiệm vụ do Đảng giao phó. Vì sao vậy ? Vì trong quân ngũ, họ được quân đội trui rèn, hình thành trong họ một nếp sống kỷ luật cao, hết lòng vì sự nghiệp chung, vì đồng đội, đồng chí. Sức mạnh của Đảng cũng vậy, Đảng mạnh chính là ở sự tập trung thống nhất, ở kỷ luật “sắt”. Đảng mạnh không chỉ đông về số lượng mà chính nhờ chất lượng của đảng viên và tổ chức đảng. Vì vậy, mọi cán bộ, đảng viên phải khép mình vào kỷ luật, luôn luôn tự soi, tự sửa, tự rèn; không được thỏa mãn, không được buông xuôi, không được cho mình có quyền nghỉ ngơi khi về hưu.
Cấp ủy chủ động, sâu sát
Muốn đảng viên hưu trí tiếp tục cống hiến không thể thiếu vai trò dẫn dắt, chủ động của cấp ủy chi bộ. Điều này thể hiện ở việc sinh hoạt chi bộ có hấp dẫn được đảng viên tham gia hay không? Cũng là cuộc sinh hoạt ấy nhưng cuộc sinh hoạt do một bí thư chi bộ có nhiệt huyết, có phương pháp điều hành tốt nhằm xây dựng chi bộ của mình vững mạnh hơn, vì sự nghiệp của địa phương thì chắc chắn sẽ “hút” được nhiều đảng viên đến sinh hoạt và muốn sinh hoạt. Vì vậy cần phải đổi mới phương pháp tập hợp đảng viên, có hình thức sinh hoạt phù hợp nhằm tạo môi trường thu hút đảng viên hưu trí tiếp tục cống hiến.
Lãnh đạo huyện Tân Yên trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho đảng viên Phùng Văn Thiêm (giữa) và Nguyễn Đình Nhận, Đảng bộ xã Lam Cốt. |
Tìm hiểu ở Chi bộ 1A, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) – đơn vị hơn chục năm liên tục đạt chi bộ trong sạch vững mạnh cho thấy: Mỗi khi họp, thường 100% đảng viên đều có mặt và ai cũng muốn đóng góp ý kiến vào nghị quyết, ai cũng muốn mình là tấm gương để quần chúng noi theo nên khi bị khuyết điểm nào đó là thấy chạnh lòng, thậm chí hổ thẹn. Kinh nghiệm cho thấy, mỗi kỳ sinh hoạt, Chi bộ 1A đều có nghị quyết “mầu nhiệm”, người dân cần gì, quan tâm đến vấn đề gì chi bộ sẽ họp bàn về vấn đề đó.
Đơn cử như để xóa hộ nghèo, Chi bộ có nghị quyết phát động đảng viên, cán bộ và nhân dân ủng hộ để xây dựng hai ngôi nhà; giao Chi hội Phụ nữ đứng ra tín chấp giúp hai gia đình vay vốn ngân hàng. Thế là sau vài năm xóa hết hộ nghèo. Hay như ở ngõ 2 trước đây chỉ rộng 1m, ngõ tối om thì nay mở rộng 3,5m đều do các gia đình đảng viên tiên phong hiến đất, ngõ sáng rực đèn Led. Đặc biệt chỉ cần có ý kiến phản ánh nào đó của đảng viên, cán bộ hoặc người dân là lập tức cấp uỷ, Tổ dân vận đến ngay để xem xét giải quyết kịp thời.
Riêng phương pháp làm việc, trước khi họp, đồng chí Bí thư thường đến gặp một số đảng viên, cán bộ và người dân để nghe họ nhận xét, bày tỏ tâm tư mong muốn, đề nghị gì, từ đó đưa vào nghị quyết cho trúng. Trong khi họp, Bí thư định hướng để đảng viên phát biểu tập trung vào những vấn đề cấp uỷ đã bàn. Sau khi họp một ngày thì tổ chức giao ban (gồm tổ trưởng dân phố và trưởng các đoàn thể) để triển khai nghị quyết, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người và ấn định thời gian hoàn thành…
Có những đảng viên hưu trí không phải là họ không muốn sinh hoạt chi bộ mà vì có những yếu tố khách quan. Đồng chí Y từng là trưởng ngành một cơ quan cấp tỉnh, về địa phương nghỉ hưu chưa được bao lâu thì con của đồng chí vướng vào lao lý. Là người cha, một đảng viên, ông không khỏi đau lòng. Ông đến gặp bí thư chi bộ trình bày: “Tôi còn mặt mũi nào mà tham gia dự họp, đóng góp ý kiến với chi bộ nữa, nên cho tôi làm đơn xin nghỉ sinh hoạt”.
Đồng chí Bí thư chi bộ đến tận nhà động viên, chia sẻ, phân tích để đồng chí đảng viên hiểu rõ, không mặc cảm, dám chấp nhận thực tế. Trong những trường hợp này, nếu Chi bộ, cấp uỷ, bí thư dửng dưng, chỉ cần thiếu đi sự nhiệt tình một chút với đồng chí của mình thôi thì vô hình chung gián tiếp đẩy đồng chí xa dần với Đảng.
Giữ nghiêm kỷ luật Đảng
Biết rằng ở nơi cư trú, bí thư chi bộ bận rất nhiều việc, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, đôi khi phải kiêm luôn cả những việc không tên “phông hoa loa đài”. Tuy nhiên, không vì sự “bận bịu” đó mà xuề xoà, bỏ qua, cả nể, né tránh, dĩ hoà vi quý. Việc ngày càng có nhiều đảng viên miễn, giảm sinh hoạt đảng, thoái thác trách nhiệm tại khu dân cư cũng có phần trách nhiệm của chi bộ đã chấp nhận cho nghỉ sinh hoạt…tràn lan. Làm như thế thì không đúng với Điều lệ Đảng, tưởng rằng như vậy là tốt, là thương nhau, là vì đồng chí của mình nhưng thực chất lại “bằng mười hại nhau”. Bởi lẽ hơn ai hết, chi bộ được trao quyền quản lý, giám sát, kiểm tra, kỷ luật đảng viên của mình.
Trân trọng và tiếp thu những ý kiến đóng góp tích cực, trách nhiệm của những đảng viên cao tuổi, đảng viên hưu trí, hằng năm, cấp uỷ các cấp đều tổ chức hội nghị gặp mặt; cấp Báo Bắc Giang miễn phí cho đảng viên từ 50 năm tuổi Đảng trở lên; Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đảng viên được tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng trở lên; thăm hỏi tặng quà dịp Tết Nguyên đán; tổ chức tang lễ đối với đảng viên nhiều năm tuổi Đảng; tất cả đảng viên của chi bộ từ trần đều được Chi bộ tổ chức lễ viếng. Nguồn: Quy định số 416-QĐ/TU ngày 19/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. |
Đảng viên nói và làm không đúng nghị quyết, đảng viên “hư hỏng” cũng có phần thiếu kiểm tra, giám sát, kỷ luật của chi bộ. Đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Bắc Giang cho rằng: “Chi bộ làm chặt khâu nhận xét, đánh giá đảng viên. Đảng viên có quyết định nghỉ hưu ở đâu, nhận sổ bảo hiểm ở địa phương nào thì chuyển đảng về đó sinh hoạt. Khi có quyết định lĩnh lương hưu tại nơi cư trú, cấp uỷ, chi bộ chủ động gặp gỡ, gần gũi đảng viên, hỏi thăm, nắm tình hình. Như vậy đảng viên tự mình nhận thấy sẽ có trách nhiệm hơn với nhiệm vụ của mình”.
Bên cạnh sự động viên, khích lệ, Đảng cần tiếp tục kiểm tra, giám sát, giữ vững kỷ luật. Nếu đảng viên suy thoái phải cương quyết cho ra khỏi Đảng, có hình thức kỷ luật sắt với đảng viên vi phạm. Chỉ đạo nghiêm túc, chặt chẽ việc xét, miễn công tác và miễn sinh hoạt đảng theo đúng quy định. Cần kiểm tra danh sách những đảng viên đã nghỉ sinh hoạt ở các chi bộ xem số lượng là bao nhiêu, thực tế hiện nay sức khoẻ, hoàn cảnh thế nào, trên cơ sở đó có kết luận cụ thể.
Sau khi kết luận thì nên biểu dương những nơi thực hiện tốt, đồng thời phê bình thậm chí xem xét hình thức kỷ luật ở những nơi làm chưa nghiêm. Cần ban hành hướng dẫn cụ thể để cơ sở y tế có thẩm quyền xác nhận cho đảng viên tuổi cao sức yếu để tránh việc có đảng viên hợp pháp hóa việc không phải sinh hoạt bằng giấy khám sức khỏe.
Trong cuộc đời của mỗi đảng viên, không phải ai, lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết làm việc, cống hiến. Đâu đó lúc này lúc khác, ngọn lửa nhiệt huyết của đảng viên về hưu không còn bừng sáng như khi còn sung sức, tuổi trẻ. Thế nhưng từ trong sâu thẳm trái tim, nếu đảng viên giữ vững lời thề, xác định rõ trách nhiệm là còn sống thì còn cống hiến cho Đảng; cùng đó, các tổ chức cơ sở đảng biết tạo môi trường, động lực, khích lệ mỗi đảng viên vươn lên chiến thắng chính bản thân mình, tin rằng họ sẽ có thêm giải pháp, thêm động lực, thêm bản lĩnh và sức mạnh thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên, thực sự là “ngọn lửa” sưởi ấm cho các phong trào ở khu dân cư. Mình không làm thì ai làm? “Đảng viên hưu trí, ý chí ở đâu”-Thiết nghĩ câu trả lời đã có từ khi người đảng viên tuyên thệ dưới cờ Đảng.
Nhóm PV Xây dựng Đảng
(Còn nữa)
Đảng viên hưu trí, ý chí ở đâu?: Bài 2 – Phải chăng nghỉ hưu là hoàn thành nhiệm vụ ?
BẮC GIANG – Trong khi nhiều đảng viên hưu trí thể hiện rõ trách nhiệm trước Đảng, trước dân thì vẫn còn không ít người quan niệm đã nghỉ hưu là hoàn thành nhiệm vụ, phải nghỉ ngơi, “xả hơi” nên không cần thiết phải sinh hoạt Đảng, nếu có chỉ cần “đánh trống ghi tên” là xong. Thực chất đây là biểu hiện của sự thoái thác trách nhiệm, mất ý chí phấn đấu, tự đánh mất vai trò của người đảng viên cộng sản.
tin tức bắc giang, bắc giang, Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, đảng viên hưu trí, kỷ luật Đảng, tập hợp đảng viên,ý kiến xây dựng Đảng, Chi bộ, Bí thư Chi bộ