Sáng 11/10, UBND huyện Sơn Động (Bắc Giang) long trọng tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) huyện lần thứ IV, năm 2024.
Dự Đại hội có đồng chí Mai Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh; các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Sơn Động; đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện và 137 đại biểu đại diện các DTTS trên địa bàn huyện Sơn Động.
Huyện Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, huyện có 17 đơn vị hành chính, gồm 15 xã và 2 thị trấn, với 124 thôn, tổ dân phố, trong đó 108 thôn đặc biệt khó khăn. Năm 2024, huyện có 21.071 hộ, trong đó 3.286 hộ nghèo, với tổng dân số trên 80.750 người, gồm 30 dân tộc, trong đó hộ DTTS là 12.642 hộ, với 50.431 nhân khẩu, chiếm 62,45 % dân số toàn huyện.
Trong 5 năm qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, quốc phòng an ninh của huyện; làm thay đổi cơ bản diện mạo KT-XH của huyện, đạt nhiều kết quả phát triển vượt trội. Nhân dân các DTTS của huyện đã phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tích cực xây dựng nông thôn mới (NTM). Các chính sách an sinh xã hội đã được triển khai đúng đối tượng; việc hỗ trợ những hộ nghèo DTTS còn nhiều khó khăn, hộ gặp thiên tai, hỏa hoạn đảm bảo điều kiện đời sống được thực hiện kịp thời.
Các chương trình, dự án đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi triển khai sớm, cơ sở hạ tầng từng bước đồng bộ và phát huy hiệu quả. Các chính sách trực tiếp và gián tiếp triển khai đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục tiêu, đối tượng, giải quyết căn bản các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo, cùng với diện mạo nông thôn thay đổi tích cực đã tạo điều kiện cho đồng bào chủ động, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Hệ thống chính trị vùng DTTS luôn được kiện toàn, củng cố, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc trình độ, năng lực được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thông qua việc thực hiện các chính sách đã giúp cho người dân biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Từ đó từng bước nâng cao nhận thức, trình độ sản xuất canh tác được nâng lên rõ rệt. Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống được quan tâm, đầu tư xây dựng, qua đó giúp đồng bào có thêm động lực và điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4 – 5% mỗi năm, hiện còn 15,59%, giảm 12,7% so với năm 2019; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến nay đạt 75%, tăng 38% so với năm 2019; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 37 triệu đồng/năm, tăng 13,3 triệu đồng so với năm 2019.
Các chính sách phát triển giáo dục đối với học sinh vùng DTTS, miền núi đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Quy mô trường, lớp, cơ sở vật chất tiếp tục được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, từng bước hiện đại; tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học đạt 98,58 %, tăng 2,63% so với năm 2019. Đến nay 100% các xã có trạm y tế được xây dựng kiên cố, 17/17 số xã, thị trấn đạt Chuẩn quốc gia về y tế (giai đoạn 2011-2020), tăng 12,9% so với năm 2019; 100% người DTTS ở vùng khó khăn được cấp thẻ BHYT miễn phí. Các di sản văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS được quan tâm bảo tồn và phát huy.
Việc thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã có nhiều tác động tích cực đến đời sống đồng bào các dân tộc, là nguồn lực quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM tại địa phương; tác động tích cực đến quá trình phát triển KT-XH vùng DTTS; bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều thay đổi rõ rệt.
Tuy nhiên, đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn huyện tuy đã được cải thiện nhưng nhiều nơi vẫn còn khó khăn, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện còn ở mức cao. Kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS tuy đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, kinh tế phát triển chưa đồng đều, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng; chưa xây dựng, nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao; việc hỗ trợ nguồn vốn để chuyển dịch cây trồng, vật nuôi gặp nhiều khó khăn. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc còn chưa được quan tâm đúng mức.
Đại hội đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện công tác dân tộc, chính sách dn tộc giai đoạn 2024-2029. Với mục tiêu đến năm 2029, thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 80 triệu đồng trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo dưới 8%. Không còn hộ ở nhà tạm, 100% hộ ở nhà đạt tiêu chuẩn; 100% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ đường giao thông thôn, bản được cứng hóa đạt trên 95%; 100% trường, lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn được xây dựng kiên cố. Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Trên 95% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế. Tỷ lệ lao động được đào tào nghề trên 80%. Tỷ lệ cán bộ, công chức các xã vùng DTTS có trình độ đại học 100%. Trên 50% thôn bản có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, chất lượng. Mỗi thôn, tổ dân phố phát huy lợi thế, phấn đấu xây dựng một mô hình sản xuất, chăn nuôi đặc trưng có hiệu quả. Luôn làm tốt công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước; chủ động phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
Tại Đại hội, Đoàn Chủ tịch báo cáo kết quả ngày làm việc thứ nhất, Đại hội bầu cử Đoàn Chủ tịch, Đoàn thư ký đại hội; Báo cáo kết quả chọn, cử Đại biểu ở các xã, thị trấn, cơ quan, ban, ngành huyện; thông qua chương trình, nội quy và quy chế Đại hội; Bầu đoàn Đại biểu đi dự Đại hội DTTS tỉnh Bắc Giang lần thứ IV. Các đại biểu tập trung thảo luận và thống nhất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cùng quyết tâm thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc đề ra giai đoạn 2024-2029.
Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác dân tộc của huyện và biểu dương các đồng bào DTTS trên địa bàn đã tích cực đồng hành vươn lên, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của địa phương.
Đại hội đại biểu các DTTS huyện Sơn Động lần thứ IV năm 2024 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi; là dịp để tôn vinh, biểu dương tập thể, cá nhân tiêu biểu là người DTTS có những đóng góp to lớn trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng an ninh tại địa phương, là một trong các hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Đồng chí đề nghị thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội, cộng đồng các DTTS của huyện Sơn Động tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội về công tác dân tộc trong tình hình mới. Xác định công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài; kiên quyết chống lại và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tuyệt đối không để phát sinh điểm nóng trong vùng DTTS của huyện.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để phát huy ưu điểm, kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc. Tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề đòi hỏi thực tiễn cuộc sống đồng bào các DTTS.
Trong đó, tập trung tăng cường phát huy tiềm năng, thế mạnh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị, có sức cạnh tranh. Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào từ bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc, giữ gìn chữ viết, tiếng nói, trang phục độc đáo của dân tộc mình; tuyên truyền vận động đồng bào DTTS tích cực tham gia học tiếng DTTS theo Chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2030. Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân. Đặc biệt cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ là người DTTS. Đặc biệt phát huy vai trò người có uy tin trong đồng bào DTTS trên địa bàn.
Cùng với đó, đồng bào DTTS cần tiếp tục đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, phát huy tinh thần tự lực, tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ra sức thi đua lao động, sản xuất để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; đặc biệt, cần quan tâm đầu tư cho con em học tập, chỉ có học tập thì mới có thể thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững, góp phần xây dựng quê hương Sơn Động ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đồng chí nhấn mạnh, trước bối cảnh biến đổi khí hậu gây nên những thảm họa như thời gian vừa qua, hơn lúc nào hết, đồng bào các dân tộc trong huyện cần đặc biệt quan tâm bảo vệ môi trường, tích cực trồng rừng gỗ lớn và bảo vệ rừng, hạn chế tối đa những hoạt động tác động tiêu cực đến môi trường sống.
Tại Đại hội, Đại hội đã thông qua danh sách đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV, năm 2024 gồm 40 đại biểu. Đồng thời phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Đại hội đại biểu các DTTS huyện Sơn Động lần thứ IV, năm 2024, quyết tâm xây dựng quê hương Sơn Động ngày càng phát triển.
Nhân dịp này, 03 tập thể, 12 cá nhân được tặng Giấy khen của Trưởng Ban Dân tộc tỉnh do có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2019-2024 và 04 tập thể, 10 cá nhân được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen do có thành tích đóng góp vào sự phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Sơn Động giai đoạn 2019-2024.
Dương Thủy
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/-ai-hoi-ai-bieu-cac-dan-toc-thieu-so-huyen-son-ong-lan-thu-iv-nam-2024