Đại học Sư phạm Hà Nội (HNUE) giữ ổn định 5 phương thức tuyển sinh, yêu cầu thí sinh đạt các điều kiện về hạnh kiểm, học lực với tất cả ngành.
Khuôn viên Đại học Sư phạm Hà Nội. |
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 27/1 cho biết năm 2024 dự kiến tuyển khoảng 4.400 sinh viên bằng 5 phương thức.
Phương thức 1 (PT1) là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh đăng ký xét tuyển theo cách này cần đạt hạnh kiểm khá ở ba năm THPT trở lên.
Phương thức 2 (PT2) là xét tuyển thẳng, áp dụng với thí sinh có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi trong cả ba năm, đồng thời đáp ứng một trong các điều kiện: từng thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia; học sinh trường chuyên hoặc trường THPT thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (HCM); đoạt giải nhất, nhì, ba thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố; có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL iBT, TOEIC (tiếng Anh), DELF, TCF (tiếng Pháp), HSK, HSKK (tiếng Trung quốc), chứng chỉ tin học quốc tế MOS.
Các thí sinh thuộc ba nhóm đầu, nếu có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS hoặc TOEFL iBT sẽ được cộng điểm ưu tiên khi xét vào ngành Sư phạm Toán dạy bằng tiếng Anh, Sư phạm Tiếng Anh và Ngôn ngữ Anh. Điểm cộng ưu tiên dao động 1-3, tương ứng IELTS từ 6.5 trở lên hoặc tương đương.
Riêng với các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật và Giáo dục thể chất, trường xét tuyển thẳng thí sinh có hạnh kiểm và học lực khá trở lên, kèm theo một trong các điều kiện: tốt nghiệp loại giỏi trình độ cao đẳng, trung cấp tại các trường năng khiếu nghệ thuật; đạt giải Âm nhạc, Mỹ thuật cấp tỉnh; là vận động viên cấp 1 hoặc tham gia các giải thi đấu dành cho học sinh phổ thông toàn quốc.
Phương thức 3 (PT3) là xét học bạ THPT, theo các môn trong tổ hợp xét tuyển ở mỗi ngành. Đối với các ngành đào tạo giáo viên, thí sinh phải có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi ở tất cả kỳ học, riêng ngành Sư phạm Công nghệ chỉ cần lớp 12 học lực giỏi. Đối với các ngành ngoài sư phạm, tiêu chuẩn là học lực và hạnh kiểm khá.
Phương thức 4 (PT4) là xét tuyển kết hợp điểm thi năng khiếu với điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp hoặc thi đánh giá năng lực do trường tổ chức. Phương thức này áp dụng với thí sinh thi vào ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Giáo dục mầm non và Giáo dục mầm non – Sư phạm Tiếng Anh. Điều kiện chung là thí sinh có hạnh kiểm các kỳ đạt khá trở lên.
Phương thức cuối cùng (PT5) là dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực do trường Đại học Sư phạm Hà Nội hoặc TP HCM tổ chức, kết hợp với học bạ hoặc điểm thi năng khiếu (với ngành Giáo dục mầm non hoặc Giáo dục mầm non – Sư phạm tiếng Anh).
Thí sinh đăng ký xét tuyển bằng cách này cần có hạnh kiểm khá và điểm trung bình 5 học kỳ (trừ kỳ II lớp 12) 6,5 trở lên.
Với các điều kiện trên, Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong số ít trường quy định cụ thể về hạnh kiểm với tất cả ngành đào tạo. Ngoài ra, với các ngành sư phạm, trường không tuyển những thí sinh bị dị hình, dị tật, nói ngọng, nói lắp. Thí sinh dự thi vào ngành Giáo dục Quốc phòng và An ninh phải có sức khỏe tốt, mắc tật khúc xạ cận hoặc viễn thị không quá 3dp; không có dị tật bẩm sinh, hình xăm phản cảm. Nam cao từ 1,6 m; nữ cao 1,55 m trở lên.
Năm ngoái, điểm trúng tuyển Đại học Sư phạm Hà Nội dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT là từ 18,3 đến 28,4. Ngành Sư phạm Lịch sử lấy điểm chuẩn cao nhất.
Với xét học bạ, điểm trúng tuyển vào trường dao động 20,5-29,8. Ngành Sư phạm Toán học (dạy Toán bằng Tiếng Anh) cao nhất, ngành Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật lấy thấp nhất. Sư phạm Toán học (dạy Toán bằng Tiếng Anh) cũng là ngành lấy điểm chuẩn cao nhất theo kết quả thi đánh giá năng lực do trường tổ chức.
Theo VnExpress