Ngày 25/8, TAND Hà Nội dự kiến xét xử cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung với cáo buộc lợi dụng danh nghĩa người đứng đầu thành phố, hưởng lợi 3,8 tỷ đồng trong quá trình trồng cây xanh.
Ông Nguyễn Đức Chung khi đương chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội. |
Phiên tòa dự kiến kéo dài 5 ngày, sẽ xét xử cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Đây là vụ án thứ 4 ông Nguyễn Đức Chung bị xử lý. Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội đang thi hành tổng cộng 12 năm tù tại 3 vụ án: chiếm đoạt tài liệu mật liên quan vụ án Nhật Cường, mua sắm chế phẩm Redoxy-3C và can thiệp đấu thầu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.
Cùng vụ án, Viện Kiểm sát truy tố 14 người khác về bốn tội: Buôn lậu; Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng, trước năm 2016, công tác trồng mới, thay thế cây xanh ở Hà Nội được thực hiện theo hình thức đấu thầu. Đến tháng 12/2015, khi được bổ nhiệm Chủ tịch UBND Hà Nội, ông Chung đã trực tiếp can thiệp, chỉ đạo việc trồng mới, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh. Từ chỉ đạo của ông Chung, toàn thành phố “tạm dừng toàn bộ việc đấu thầu”, chuyển sang đặt hàng từng quý.
Tại các cuộc họp với sở ngành liên quan, ông Chung chỉ đạo “miệng”, áp đặt cho Giám đốc Sở Xây dựng phải đặt hàng trực tiếp của Công ty Sinh Thái Xanh. Công ty này ra đời từ năm 2016, khi Bùi Văn Mận đang trốn nợ ở Lâm Đồng thì được ông Chung gọi về làm dự án trồng cây. Ông Mận không góp vốn nhưng đứng tên giám đốc, còn mọi việc do Phó Giám đốc Hoàng Thị Kim Loan đảm nhận.
Thực hiện chỉ đạo của người đứng đầu thành phố, từ năm 2016 đến 2019, dù việc trồng mới cây xanh ở Hà Nội đủ điều kiện đấu thầu nhưng Ban Duy tu các công trình kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng lại ký hợp đồng đặt hàng. Đơn vị này giao Công ty Cây Xanh (đơn vị trực thuộc UBND Hà Nội) và Công ty Sinh Thái Xanh trồng cây trước rồi mới lập dự toán, thẩm định.
Theo cáo buộc, khi thực hiện 10 hợp đồng với Ban Duy tu, Công ty Cây Xanh đã ký hợp đồng với thương lái trôi nổi trên thị trường để nâng khống giá đầu vào cây chà là, bàng lá nhỏ. Công ty Cây Xanh sau đó cùng cán bộ Ban Duy tu cung cấp báo giá sai quy định, hợp thức chứng thư thẩm định giá để “đẩy giá cây lên cao”.
Khi Công ty Sinh Thái Xanh ký 6 hợp đồng với Ban Duy tu, bị can Mận và Loan đã thông đồng, nâng khống giá cây chiêu liêu, keo, long não, sộp,… để thu lợi cá nhân. Viện KS xác định 16 hợp đồng với hai công ty trên đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 34 tỷ đồng.
Theo cáo buộc, Vũ Kiên Trung, Tổng giám đốc Công ty Cây Xanh, đã cùng đồng phạm nâng khống giá cây và được thanh toán 17 tỷ đồng tiền chênh lệch. Số tiền chiếm hưởng này, ông Trung khai trích 4,7 tỷ đồng cho một số nhân viên chủ chốt, còn lại Trung hưởng 1,5 tỷ.
Tổng giám đốc còn khai đã trích từ 17 tỷ đồng này đưa cho ông Chung 2,6 tỷ đồng vào các dịp lễ, tết năm 2016-2018 để cám ơn đã tạo điều kiện và chỉ đạo sở ngành Hà Nội đặt hàng công ty.
Một trong những đơn vị đầu mối thực hiện các hợp đồng là Ban Duy tu nên Viện KS xác định có trách nhiệm quản lý, giám sát của bị can Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Ban Duy tu. Ông Tuấn bị cáo buộc đã thiếu giám sát để cấp dưới thông đồng nâng khống giá cây, gây thất thoát ngân sách 34 tỷ đồng.
Ông Tuấn trực tiếp ký 18 văn bản gửi Sở Tài chính đề nghị hướng dẫn về xác định đơn giá nhưng không được trả lời. Trong việc này, ông được kết luận không có động cơ vụ lợi hay động cơ cá nhân.
Cáo trạng xác định, trong số cây trồng ở Hà Nội có nhiều cây chà là và bàng Đài Loan được nhập lập từ Trung Quốc. Bị can Hoàng Đình Văn, Giám đốc Công ty XNK Hoàng Anh Phát, khi được đặt vấn đề đã nhập lậu hơn 4.000 cây chà là và gần 2.000 cây bàng Đài Loan từ Trung Quốc theo đường sông Ka Long, thành phố Móng Cái rồi chuyển tới Hà Nội.
Để che giấu, ông Văn chỉ đạo kế toán xóa hết dữ liệu trong máy tính nên cảnh sát không thể trích xuất đầy đủ. Dựa vào tài liệu thu thập được, Viện KS kết luận ông Văn buôn lậu cây để thu lời bất chính 1,6 tỷ đồng. Gia đình bị can đã nộp hết số tiền này để khắc phục hậu quả.
Theo Viện KS, ông Chung đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người đứng đầu thành phố để chỉ đạo cấp dưới đặt hàng trái quy định. Ông Chung vì động cơ cá nhân mà làm trái quy định pháp luật về đấu thầu, để cho các cá nhân có quan hệ thân thiết với mình hưởng lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn.
Tuy nhiên, Viện KS cho rằng ông Chung có nhiều thành tích xuất sắc, được tặng thưởng nhiều huân chương, bằng khen, giấy khen nên đề nghị giảm nhẹ khi xử phạt.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm giữa năm 2016, ông Chung cho hay coi trọng vấn đề cây xanh từ khi chuẩn bị nhậm chức và mỗi ngày đều dành thời gian để cập nhật thông tin về trồng cây của thành phố. Từ đó, dưới nhiệm kỳ Chủ tịch UBND Hà Nội của ông Chung, thành phố bắt đầu khởi động chương trình trồng mới một triệu cây xanh Để hiện thực hóa mục tiêu, Hà Nội yêu cầu Công ty Cây xanh cử các đoàn đi thăm quan học tập về trồng, chăm sóc, duy tu cây xanh tại Trung Quốc, Singapore.
Tính chung giai đoạn 2016-2020, Hà Nội báo cáo đã trồng mới trên 1,6 triệu cây xanh, gồm cây đô thị, cây bóng mát, cây lấy gỗ các loại.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung được giảm một năm tù
Chiều 13/7, sau 3 ngày xét xử phúc thẩm và nghị án, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Đức Chung (nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) trong vụ án can thiệp đấu thầu để Công ty Nhật Cường trúng thầu các gói thầu số hóa hồ sơ, dữ liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.
Theo VnExpress
Công ty Sinh Thái Xanh, Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, ông Nguyễn Đức Chung, dự án trồng cây xanh ở Hà Nội