BẮC GIANG – Nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự (tiêu thụ tài sản phạm tội, thiếu an toàn phòng cháy, chữa cháy… ) là những vấn đề nảy sinh tại các cơ sở thu mua phế liệu quanh khu công nghiệp (KCN) ở thị xã Việt Yên. Lực lượng chức năng đã mạnh tay xử lý.
Là nơi tập trung nhiều KCN, thị xã Việt Yên được xem là “lãnh địa” thu hút nhiều người ngoại tỉnh đến đặt cơ sở thu gom phế liệu. Dạo một vòng quanh các KCN Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám thấy nhan nhản các cơ sở thu mua phế liệu mọc lên. Anh Nguyễn Văn Tình quê ở xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đến phường Quang Châu thuê đất, dựng lều tạm bợ làm nơi thu mua sắt vụn, dầu, bao bì đã gần chục năm. Anh cho biết người dân quê anh đi khắp nơi thu mua, riêng ở xung quanh các KCN tại thị xã Việt Yên có gần 100 cơ sở.
Công an thị xã Việt Yên kiểm tra một cơ sở thu mua sắt vụn tại phường Quang Châu. |
“Đây là nghề truyền thống rồi nên tôi xác định để tồn tại lâu dài phải làm ăn chân chính, tuân thủ các quy định của pháp luật”- anh Tình cho biết. Tuy nhiên, trong số các cơ sở thu mua phế liệu có không ít cơ sở hoạt động tự phát, chưa bảo đảm quy định. Tại hội nghị Công an tỉnh đối thoại với doanh nghiệp (tháng 7/2023), đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh phản ánh: “Quanh các KCN còn tồn tại nhiều cơ sở thu mua phế liệu, lén lút thu mua những tài sản bất minh, không hợp pháp. Bên cạnh đó còn quây bạt đi vệ sinh, để phế liệu tràn lan làm mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường”.
Xác định các cơ sở này tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự (ANTT), Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh-chủ trì hội nghị đã chỉ đạo lực lượng công an tăng cường kiểm tra các cơ sở có dấu hiệu tiêu thụ tài sản do trộm cắp mà có; có quy định những loại tài sản nào bắt buộc chủ cơ sở, người mua phải biết đó là tài sản không hợp pháp để từ chối thu mua.
Ngay sau hội nghị, Công an thị xã Việt Yên đã chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng đồng loạt kiểm tra 173 cơ sở thu mua phế liệu, sắt vụn trên địa bàn. Qua kiểm tra phát hiện, xử lý 34 cơ sở vi phạm chủ yếu ở khu vực ven các KCN. Trong đó buộc dừng hoạt động 7 cơ sở; vận động, cưỡng chế tháo dỡ 24 cơ sở; thu hồi 21 giấy đăng ký kinh doanh; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 22 cơ sở với mức xử phạt mỗi trường hợp từ 3-5 triệu đồng.
Các cơ sở vi phạm này đều không đáp ứng đủ yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC); chưa có cam kết bảo vệ môi trường; không có hóa đơn mua bán, thanh toán hàng hóa; vi phạm hành lang an toàn giao thông… Không ít cơ sở còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội gây mất ANTT địa bàn.
Ngoài nỗi lo về nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến an toàn giao thông thì hoạt động của những cơ sở thu mua phế liệu cũng đặt ra nhiều “bài toán khó” về ANTT với nghi vấn có cơ sở thu mua cả tài sản trộm cắp. Không chỉ tài sản lấy trộm của doanh nghiệp tại KCN mà thiết bị công trình như nắp cống, nắp hố ga, lưới chắn rác, dây cáp, kể cả lan can kênh, cầu…các đối tượng cũng lựa chọn đem bán cho cơ sở thu mua phế liệu ven KCN với giá phế liệu.
Thượng tá Vũ Ngọc Sơn, Phó Trưởng Công an thị xã Việt Yên thông tin: “Lực lượng công an thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định thu mua sắt vụn, dầu, phế liệu. Nếu có thông tin cho rằng mua bán tài sản không rõ nguồn gốc thì tiến hành điều tra”.
Bà Nguyễn Thị Huyền ở tổ dân phố Núi Hiểu, phường Quang Châu có cơ sở thu mua phế liệu ngay sát đường gom cho biết: “Cơ sở này tôi xây dựng trên đất của gia đình với diện tích hơn 100 m2. Tôi bán hàng ăn sáng, bán nước giải khát là chủ yếu, thu mua sắt vụn chỉ là phụ. Bên cạnh việc chấp hành các quy định về PCCC, môi trường, gia đình tôi được công an tuyên truyền rằng lên đô thị rồi phải khác với trước, không để nhếch nhác mất vệ sinh. Khi thu mua phải kiểm tra thật kỹ xuất xứ của tài sản, nhất là đối với những đồ vật chuyên dụng. Kịp thời thông tin với công an khi phát hiện tài sản bán là đồ ăn cắp”.
Về lâu dài, đa số các chủ cơ sở ở nơi khác về đây thuê đất thu mua, lực lượng công an phối hợp với chính quyền địa phương làm việc với các chủ có đất cho thuê, yêu cầu khi xây dựng công trình chủ đất phải đứng tên xin cấp phép theo quy định, không tự ý dựng lều quán.
Đối với các trường hợp đã bị tháo dỡ, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, tránh tái lấn chiếm. Đối với các cơ sở đang tồn tại sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ khác nhằm ngăn ngừa những vấn đề nảy sinh liên quan đến ANTT, môi trường, PCCC và đặc biệt là chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có. Cùng đó, tập trung kiểm tra các điều kiện bảo đảm kinh doanh với các hộ có giấy phép; buộc tháo dỡ, cưỡng chế các cơ sở không đủ điều kiện.
Bài, ảnh: Tuấn Minh
Đào lấp sơ sài, đường phố ngổn ngang phế liệu, bụi đất
BẮC GIANG – Để hạ cáp ngầm, nhiều con đường ở TP Bắc Giang được đơn vị thi công cho máy móc cắt, đào sau đó lấp lại. Trong khi chờ trám nhựa, vì lấp sơ sài, nhiều rãnh trở nên bụi bẩn khi trời nắng, nước đọng, lầy lội khi trời mưa, đất cát theo đó vấy bẩn ra xung quanh, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, làm mất an toàn giao thông.
Nhiều cơ sở thu mua phế liệu phớt lờ thủ tục môi trường
(BGĐT) – Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có nhiều cơ sở thu mua phế liệu thiếu thủ tục về môi trường theo quy định của pháp luật song vẫn ngang nhiên hoạt động. Những cơ sở này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, nguy cơ mất an ninh trật tự, thu mua phế liệu trái phép, Giải tỏa đến đâu, quản chặt, khu công nghiệp, an toàn phòng cháy, chữa cháy