BẮC GIANG – Kể chuyện cây thuốc vùng rừng Tây Yên Tử thật quá rộng lớn. Thực ra, địa bàn tôi quen thuộc nhất chỉ là khu vực Mai Sưu, bao gồm bốn xã miền núi xa sâu nhất của huyện Lục Nam (Vô Tranh, Bình Sơn, Trường Sơn, Lục Sơn).
Tôi đã từng nghe các bậc ông bà, chú bác truyền dạy về cây thuốc, vị thuốc, bài thuốc và cách chữa bệnh. Rồi đi khắp các núi, các cánh rừng, khe suối, đồi bãi mà tìm cây thuốc, lâu rồi nhập tâm. Bao loại cây thuốc, gọi chung là thuốc Nam, thứ dùng tươi, thứ chế biến, thứ sao khô hạ thổ, thứ phơi nắng, thứ để gác bếp, thứ nấu nước uống, thứ cô đặc, thứ tắm, thứ ngâm rượu, thứ giã đắp. Lại có loại thuốc sử dụng cả cây, hoặc chỉ dùng phần rễ hoặc củ, thân, lá, hoặc hoa, vỏ. Ngoài những loại cây thuốc khu vực Mai Sưu mà tôi biết còn bao loại cây thuốc Nam ở các vùng Tân Mộc, Nam Dương, Biển Động (Lục Ngạn), An Châu, Bồng Am, Long Sơn, Thanh Sơn – Tuấn Mậu (Sơn Động)…
Cán bộ Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ HTX Dược liệu công nghệ cao Trường Sơn ứng dụng khoa học kỹ thuật, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Ảnh: Hữu Trình. |
Từ vài mươi năm về trước, người dân miền núi gắn bó với cây thuốc Nam, khỏi bệnh, khỏe mạnh, sống nhờ thuốc Nam. Nhiều loại cây quả vừa là thực phẩm dưỡng sinh tự nhiên, vừa là cây thuốc, cây lương thực, thứ cứu đói mùa giáp hạt tháng ba ngày tám như hạt dẻ, củ mài (hoài sơn), ngót rừng, rau sam, tàu bay, tầm phóp (tầm bóp), sung, nóng, gắm…
Nhiều loại cây quả vừa là gia vị, trở thành phụ gia của nhiều loại bánh trái đặc sản như các loại trám (đen, hồng, sẹo, chim) làm thực phẩm (luộc, muối, kho cá), cây thàm nhạp làm bánh gio, lá găng gai làm thạch, hạt dổi xanh chế gia vị, cây trà hươu giải nhiệt, rau má nấu canh, làm nộm… Có thể nói mùa nào thức ấy, cây rừng nuôi dưỡng, chở che, đùm bọc, phục dịch, nâng đỡ, cung cấp cho con người đủ thứ thuốc Nam, trong đủ mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Lại nhớ tản mạn bao nhiêu cây thuốc. Loại thiên về bổ dưỡng có sâm nam, sâm béo đen, sâm cau hoa vàng, chè hoa vàng, chè đá (thuốc đói), cây cao cẳng, quế, mộc thông, ba kích (sồi tím và trắng), linh chi lim (nấm lim xanh)…; loại thiên về công phạt, chữa các bệnh xương khớp, tai biến, gan, thận, rắn cắn, viêm tai, đường ruột, hắc lào, ghẻ… có mỏ quạ, sầm, muội chằm, ba chạc, tê tê (Hoàng lực), độc lực, thạch xương bồ, thuỷ xương bồ, hoàng đằng (đằng đằng), trầu tiên…; loại lưỡng dụng vừa trị vừa dưỡng, dùng cho phụ nữ sau sinh, sỏi thận, cảm mạo có dây hậu sản, dành dành, thanh hao (chổi xể)… Bệnh nào thuốc ấy. Có đủ mọi thứ cây thuốc rừng để chữa bệnh, đặc biệt các bệnh thuộc về cơ địa, nội khoa, nội tạng, cảm mạo, an thần, bổ dưỡng.
Nấm lim xanh. |
Theo vần tên cây, sau đây chúng tôi lược thuật về năm thứ cây thuốc tạm coi là độc đáo có ở Mai Sưu và vùng Tây Yên Tử. Ở đây nhấn mạnh sự độc đáo chứ chưa bàn về giá trị đặc tính chữa bệnh nan y, mức độ phổ cập, phổ biến, đại chúng.
Thứ nhất, chè đá. Bà con người Nùng, Cao Lan, Dao Thanh Phán thường gọi nôm na là cây đói, chè đói, thuốc đói. Chè đá thuộc họ dây, chà, bò ngang, chỉ mọc trên kẽ đá cao, to bằng ngón tay, chia nhiều nhánh. Lá chè đá tươi tốt, ra nhiều, dày, nặng, phơi lâu khô. Có thể thu hoạch toàn thân, phơi khô, hãm nước uống như chè thường. Nước có vị chát của chè, óng vàng, thơm dịu. Vì dây chè đá bổ máu, hoạt huyết, kích thích tiêu hoá, gây đói nên bà con gọi luôn là chè đói.
Thứ hai, hậu sản. Có khi gọi là chà cóc lớn (phân biệt với dây cóc con làm thừng, chão), vỏ thân có nhiều nốt sần, nốt đậu (vi khuẩn nốt sần). Đồng bào Sán Dìu gọi tên “Chi loong xíu”(?). Hậu sản thuộc loại chà, dây, thân màu nâu sẫm, mọc lẻ nơi rừng sâu, bên khe suối, triền cao, rễ bầm đất ngoi lên, bám vào cây cổ thụ, lan từ cây này sang cây khác, toả rộng, chiếm nhiều không gian trên cao. Lá hậu sản ít và thưa, kiểu chân nhện, xanh thẫm. Gốc chà hậu sản to cả bằng bắp đùi, khùng khoèo và rất nhiều nước.
Đi trong rừng, gặp khi thiếu nước, chặt ngang thân sẽ có nước, đủ giải khát. Một chà hậu sản có thể thu hoạch hàng chục ký tới cả vài tạ. Dược tính thể mát, giàu vi lượng, tác dụng chủ yếu chữa bệnh hậu sản, đau yếu sau sinh, ăn uống kém, giải độc, trợ ích tiêu hoá, khí huyết. Người thường mệt mỏi cũng dùng tốt. Khai thác và sử dụng dễ dàng. Chỉ việc chặt lấy từng đoạn, phơi khô, để nơi khô ráo, gác bếp. Thường vạc, chặt, róc thành miếng nhỏ nấu nước, vị thanh dịu, dễ uống.
Thứ ba, hoàng lực. Có nơi gọi cây tê tê, họ nhót, mọc chà, kiểu dây thân mềm, bò hoang nơi ẩm thấp, khe suối. Gốc cây to có thể bằng bắp chân, nhiều chành nhánh, lá bản bằng ba ngón tay, mọc đối, xanh thẫm, ngọn non tím. Hoa chum lấm tấm trắng, gần giống hoa sầm. Hoàng lực khôi phục hệ thần kinh, chữa cảm mạo, trúng gió, liệt nửa người, bại liệt toàn thân. Sử dụng phối hợp, lấy toàn thân, rễ, lá, vỏ dây giã nhỏ, xao nóng, chườm đắp.
Cây sầm. |
Thứ tư, sầm. Loại cây này thấy khắp trong cả nước, kể cả vùng trung du, trong khuôn viên chùa Bổ Đà (Việt Yên). Sầm có cả kiểu mọc đơn cũng như thành khóm bụi, nhiều cành, vỏ khía sần sù, lá nhẵn, dày, xanh thẫm, tươi bền và hoa lấm tấm gần giống hoàng lực. Vì lá sầm xanh, tươi, non, bền lâu nên dân núi vẫn ship về phố thị, cải góp vào giỏ hoa, lẵng hoa. Quả sầm bằng ngón tay, chín sẫm, vị chát, có thể nhấm ăn được. Bọn chào mào thích ăn. Gỗ sầm dẻo, chóng khô, chắc đanh, trẻ em lấy đẽo thành con quay (cù). Xa xưa, vào khoảng thập niên 1930, có ông cố họ Nguyễn ở Đối Sơn (Bình Sơn – Lục Nam) bị rắn hổ cắn, chân sưng vù, phải ngoắc dây treo ngang cửa sổ, đợi chết.
Hướng mở cho khả năng bảo tồn, phát triển cây thuốc vùng Tây Yên Tử là sự ra đời các vườn thuốc hộ gia đình và hợp tác xã, mở rộng liên kết với các cơ sở khoa học, chế biến y dược, hướng tới thị trường trong nước và xuất khẩu… |
May có ông thầy người dân tộc lấy thuốc chữa cho, hai hôm rồi khỏi. Có ông bác cố sai cháu đi theo, bảo thấy ông thầy lấy lá cây gì thì nhớ hái theo. Hoá ra là lá cây sầm. Từ đó bài thuốc lan truyền rộng. Dân bản xứ núi xanh rừng thẳm không bao giờ sợ rắn nữa. Kinh nghiệm cho thấy cây sầm chữa được mọi loại rắn độc và cực độc. Trâu mộng bị rắn cắn, sùi bọt mép, nằm thẳng cẳng, vẫn chữa tốt. Bệnh nhân còn thở, còn cứu được. Chữa đơn giản, chỉ việc giã nát lá, lấy nước uống, đắp bã.
Thứ năm, nấm lim xanh. Thuộc dòng nấm linh chi đặc hữu, gọi sang trọng là linh chi lim xanh. Loại lim xanh có lá xanh thẫm, gỗ tối màu, đặc biệt cứng, trước đây phân bổ rộng, nay còn ít nhiều ở khu Đá Húc, Nghè Mản (Lục Nam), Đèo Gia (Lục Ngạn), Cẩm Đàn, Yên Định, Tuấn Đạo, An Lập (Sơn Động). Nấm linh chi lim xanh tác dụng giải độc, thanh lọc cơ thể, chống ung thư, kích thích hệ miễn dịch sinh kháng thể, trị bệnh gan, tuyến tiền liệt, bệnh gout, viêm khớp, đái tháo đường, đau dạ dày, đại tràng… Nấm lim xanh thường mọc trên rễ và thân cây lim xanh khô, khai thác vào khoảng cuối hè đầu thu. Vài mươi năm trước, dân bản chưa biết nhiều về nấm lim xanh, thậm chí còn cho là nấm độc. Nay biết giá trị của linh chi lim xanh thì rừng đã tàn kiệt, hiếm thấy lắm rồi.
Theo thời gian, nhiều lại cây thuốc ở Mai Sưu và Tây Yên Tử cũng thay đổi, biến đổi, thăng trầm theo quy luật đời sống con người, xã hội. Nửa thế kỷ về trước còn bạt ngàn rừng dẻ, củ mài, sồi, dổi… Đến nay, nhiều loại cây thuốc xưa dần mai một vì có thuốc Tây hiệu quả, mạnh hơn, nhanh hơn, tiện lợi hơn. Nhiều cánh rừng, nhiều khu rừng nguyên sinh xưa kia đã tàn kiệt, thay vào đó là cây ăn quả và các loại thông, keo, bạch đàn.
Nhiều loại cây thuốc quý trở nên hiếm hoi và tiếp tục bị con người truy tầm, thu hái, khó có cơ phục hồi, tồn tại. Hướng mở cho khả năng bảo tồn, phát triển cây thuốc vùng Tây Yên Tử là sự ra đời các vườn thuốc hộ gia đình và hợp tác xã (trồng chè hoa vàng, hoài sơn, sâm nam, ba kích, dổi…), mở rộng liên kết với các cơ sở khoa học, chế biến y dược, hướng tới thị trường trong nước và xuất khẩu…
La Nguyễn Hữu Sơn
Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng Tây Yên Tử” tại Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2024
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại lễ khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2024 sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Linh thiêng Tây Yên Tử” với nhiều tiết mục đặc sắc, hấp dẫn.
Tục thờ cúng Bàn Vương của người Dao bên sườn Tây Yên Tử
BẮC GIANG – Bản Mậu thuộc xã Tuấn Mậu xưa và nay là tổ dân phố (TDP) Mậu thuộc thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) là một trong những điểm “vùng lõi” thuộc Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử. Đến với TDP Mậu, du khách sẽ được khám phá đời sống sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao như: Lễ Cấp sắc, Lễ hội Cầu mùa, dân ca Dao, tiêu biểu là tục thờ cúng Bàn Vương.
Thả hai cá thể khỉ về rừng tự nhiên Tây Yên Tử
BẮC GIANG – Ngày 11/1, Hạt Kiểm lâm Lạng Giang – TP Bắc Giang phối hợp với Phòng Thanh tra – Pháp Chế, Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang; Ban Quản lý Bảo tồn Tây Yên Tử; UBND thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động (Bắc Giang) thả 2 cá thể khỉ về môi trường rừng tự nhiên khu vực thị trấn Tây Yên Tử.
Về Tây Yên Tử
BẮC GIANG – Quê tôi ở miền rừng Tây Yên Tử. Mãi nhớ một thời tuổi thơ Mai Sưu – Tây Yên Tử. Sau này, đã không biết bao lần tôi mời các đồng nghiệp, bạn hữu cùng về thăm quê nhà Tây Yên Tử. Mỗi chuyến thăm quê vừa là sự “trở về”, vừa là “du ngoạn”. Qua hơn sáu mươi năm với bao kỷ niệm, bây giờ tích hợp, tổng hợp lại thành mấy trang du ký…
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, cây thuốc rừng, Tây Yên Tử, Dược liệu công nghệ cao, người dân miền núi, sâm nam, sâm béo đen, sâm cau hoa vàng, chè hoa vàng