BẮC GIANG – Nghị quyết số 111-NQ/TU ngày 11/6/2021 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, xác định nông nghiệp là một trong 9 lĩnh vực được ưu tiên CĐS trước. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên để thực hiện, bước đầu đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phát sinh một số bất cập cần khắc phục.
Chưa đồng bộ, không khai thác được dữ liệu
Ngành Nông nghiệp Bắc Giang xác định, CĐS là giải pháp đột phá tạo động lực mới cho tăng trưởng, giúp quản lý chặt nguyên liệu đầu vào, tiết kiệm chi phí và gia tăng lợi nhuận, đồng thời khắc phục điểm yếu cố hữu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính liên kết với thị trường tiêu thụ.
Phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu về chăn nuôi tỉnh Bắc Giang chưa liên thông, kết nối với phần mềm chung của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
|
Hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) một số lĩnh vực chủ lực phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành như: Hệ thống thông tin và CSDL về chăn nuôi; phần mềm CSDL quản lý về cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP) và kết quả thanh tra, kiểm tra vệ sinh ATTP; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dịch bệnh bằng hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến.
Ngoài ra, ngành đã xây dựng bản đồ số hóa vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng; xây dựng mã số vùng trồng (quy mô từ 10 ha trở lên), số hóa vùng trồng cây ăn quả tập trung để quản lý quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ nhằm minh bạch thông tin, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; cập nhật thông tin lớp CSDL công trình thủy lợi trên nền GIS dùng chung tỉnh Bắc Giang và ứng dụng phần mềm số hóa quy trình chấm điểm, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP…
Từ năm 2021, Chi cục Chăn nuôi và Thú y được trang bị và đang duy trì hoạt động của phần mềm hệ thống CSDL về chăn nuôi tỉnh Bắc Giang. Các nội dung, thông tin trên phần mềm đã được triển khai và đang cập nhật thông tin, số liệu đến cấp huyện và 50 hợp tác xã. Tuy nhiên, theo ông Lương Đức Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, phần mềm này do một đơn vị tư vấn ở tỉnh Thái Nguyên viết nhưng đến nay khi Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai phần mềm chung của ngành thì nảy sinh bất cập vì chưa thể liên thông, kết nối và tích hợp thông tin, dữ liệu lẫn nhau.
Do đó Chi cục không khai thác được dữ liệu từ Bộ và ngược lại Bắc Giang cũng chưa chia sẻ được thông tin, dữ liệu lên hệ thống CSDL chung toàn quốc. Việc này cũng xảy ra tương tự đối với lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, quản lý chất lượng ATTP, thủy lợi…
Ngoài ra, còn những khó khăn khác như chưa số hóa được các cơ sở chăn nuôi, cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, cơ sở giết mổ và chế biến sản phẩm nên công tác CĐS trong chăn nuôi chưa chuyển biến mạnh mẽ. “Mong muốn của chúng tôi là tiếp tục nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm hiện nay để có thể tích hợp, cập nhật và chia sẻ được dữ liệu hai chiều giữa tỉnh với hệ thống chung của ngành Nông nghiệp cả nước”, ông Lương Đức Kiên nói.
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bắc Giang đang thiếu các chương trình, hướng dẫn mang tính tổng thể, chi tiết về CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm giúp cơ quan quản lý, người sản xuất, doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình tiếp cận, vận dụng triển khai. Trình độ ứng dụng công nghệ của đa phần nông dân còn thấp nên khi triển khai gặp nhiều khó khăn…
Tích hợp cơ sở dữ liệu
Đến nay, Bắc Giang đã ứng dụng công nghệ tự động hóa trong nuôi trồng thủy sản (sử dụng thiết bị thông minh điều khiển sục khí tạo oxy, cho ăn, thiết bị đo môi trường). Ngoài ra, ứng dụng công nghệ sinh học điều khiển giới tính thủy sản; ứng dụng công nghệ thời tiết thông minh Imetos trong trồng cây ăn quả giúp tính toán thời điểm bón phân, thu hoạch, cảnh báo sớm sâu bệnh; sử dụng công nghệ tưới tự động, châm phân cho cây trồng trong nhà màng, nhà lưới; ghi sổ nhật ký điện tử; xây dựng mã QR Code, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tự động hóa trong chăn nuôi lợn; ứng dụng máy bay không người lái trong gieo mạ, phun thuốc bảo vệ thực vật; kiểm tra, cảnh báo phát hiện cháy rừng, phá rừng…
Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng là điển hình về số hóa trong sản xuất nông nghiệp. |
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Ngành Nông nghiệp gồm nhiều lĩnh vực, chủ yếu sản xuất ngoài trời, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, hiệu quả thấp nên khó áp dụng được công nghệ và thu hút doanh nghiệp công nghệ vào đầu tư. Sản lượng thường xuyên có biến động mạnh do chu kỳ sản xuất ngắn, tập quán và ý thức sản xuất tự do thiếu liên kết cũng là một thách thức trong CĐS lĩnh vực nông nghiệp”. Ngoài ra, chưa có các đề án tổng thể về CĐS mà chủ yếu là các phần mềm riêng biệt, chưa kết nối, liên thông được với CSDL quốc gia do Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt Đề án CĐS ngành Nông nghiệp.
Để khắc phục những hạn chế và nâng cao hiệu quả trong CĐS, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ xây dựng, phát triển CSDL của cơ quan, đơn vị theo lĩnh vực, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, phù hợp kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang và bảo đảm tính liên thông, kết nối, chia sẻ, tích hợp, đồng bộ với CSDL của tỉnh, các bộ, ngành T.Ư.
Trong năm 2024, Sở được bố trí hơn 8,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ CĐS. Trên cơ sở đó, đơn vị xây dựng trung tâm giám sát điều hành quản lý, bảo vệ rừng và CSDL về các sản phẩm, khu vực trồng trọt trọng điểm, cập nhật CSDL vào hệ thống GIS dùng chung của tỉnh; triển khai mô hình điểm về CĐS trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp, từ đó nhân rộng sang các lĩnh vực khác.
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh hơn nữa và đa dạng các hình thức tuyên truyền, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân hiểu tầm quan trọng, xu thế tất yếu của CĐS; khuyến khích nông dân sử dụng thiết bị điện tử để thay đổi tập quán sản xuất. Cùng đó, Sở sẽ quan tâm xây dựng đội ngũ chuyên trách về CĐS trong nông nghiệp.
Về lâu dài Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án, kế hoạch tổng thể CĐS để tổ chức thực hiện đồng bộ hơn. Tập trung phát triển CSDL lớn của ngành, thực hiện tích hợp các phần mềm vào CSDL dùng chung của tỉnh, bộ, ngành. Quan tâm thực hiện một số giải pháp như: Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu đơn vị trong việc tổ chức, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện CĐS để xây dựng thành công “cơ quan số” tại các đơn vị, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Chú trọng tham gia xây dựng các chính sách, giải pháp thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp công nghệ số, thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới ở lĩnh vực nông nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ số…
Bài, ảnh: Tiến Đạt
Tăng tốc chuyển đổi số
BẮC GIANG – Ba năm liên tiếp (2020, 2021, 2022), tỉnh Bắc Giang đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về chỉ số chuyển đổi số (CĐS) và dẫn đầu cả nước ở chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” trong chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, bắc giang, Chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu, ghi sổ nhật ký điện tử; xây dựng mã QR Code, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm