BẮC GIANG – Bằng nhiều cách làm sáng tạo, nhất là ứng dụng chuyển đổi số trong công tác kết nối, tư vấn, giới thiệu, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã giúp nhiều lao động có việc làm ổn định, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho doanh nghiệp (DN).
Sôi động phiên giao dịch việc làm
Thứ Năm ngày 16/11, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh diễn ra phiên giao dịch việc làm theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ngoài các DN trong tỉnh, phiên giao dịch còn thu hút gần 140 DN thuộc 8 tỉnh miền núi phía Bắc tham gia tuyển dụng. Các đơn vị có nhu cầu tuyển hơn 15,3 nghìn lao động, tập trung ở lĩnh vực: Sản xuất linh kiện điện tử, may mặc và thiết kế thời trang, kỹ thuật… với thu nhập từ 7 – 15 triệu đồng/người/tháng tùy vị trí công việc.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cung cấp thông tin tuyển dụng cho người lao động. |
Theo đại diện Công ty cổ phần Vinahan (xã Song Mai, TP Bắc Giang), để chuẩn bị cho hoạt động sản xuất dịp cuối năm, đơn vị cần tuyển thêm 550 lao động. Thời gian tuyển gấp với số lượng lớn nên Công ty liên hệ với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để kết nối tuyển lao động cả trong và ngoài tỉnh.
Trước đó, Trung tâm đã tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội nên nhiều lao động ở các địa phương đã nắm bắt thông tin về phiên giao dịch. Chỉ trong buổi sáng đã có hơn 470 người tham gia, trong đó khoảng 170 người trực tiếp đến điểm cầu Bắc Giang tìm hiểu thông tin, phỏng vấn, ứng tuyển vào những vị trí phù hợp; hơn 300 người phỏng vấn trực tuyến. Thống kê bước đầu, đã có gần 200 lao động đạt sơ tuyển tại các điểm cầu, được DN tuyển dụng hoặc tiếp tục hẹn phỏng vấn trực tiếp.
Chị Vũ Thị Mến (SN 1998) ở xã Đồng Việt (Yên Dũng), từng nhiều năm làm việc tại các khu công nghiệp ở miền Nam. Hiện nay, chị đã lập gia đình, có con nhỏ nên mong muốn về làm việc tại tỉnh nhà. Sau khi tìm hiểu tại phiên giao dịch, chị thấy yêu cầu của Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải phù hợp với tay nghề, điều kiện của bản thân nên đăng ký tuyển dụng. Chị chia sẻ: “Qua phỏng vấn trực tuyến, tôi đáp ứng các điều kiện nên được đại diện Công ty hẹn tháng 12 đến làm việc. Tôi hy vọng mình sẽ nhanh chóng bắt nhịp với công việc mới”.
Đây là một trong rất nhiều phiên giao dịch việc làm được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức để tư vấn, giới thiệu cho lao động. Tại Trung tâm, vào thứ Năm hằng tuần diễn ra phiên định kỳ và tùy theo nhu cầu thực tế của DN trong và ngoài tỉnh, hằng tháng, Trung tâm sẽ tổ chức 1-3 phiên trực tuyến để kết nối, hỗ trợ tuyển dụng.
Kết nối DN và người lao động
Trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, một trong những nhiệm vụ chính của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh là tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; cung ứng và tuyển nhân lực theo yêu cầu của DN. Để thực hiện, cán bộ chuyên môn của Trung tâm thường xuyên nắm bắt, thu thập, phân tích thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các DN, tiêu chuẩn, chế độ tiền lương, tiền công để thông tin rộng rãi đến các địa phương. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã thực hiện vai trò là cầu nối giữa DN và người lao động thông qua tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ, chuyên đề, trực tuyến, lưu động… để thông tin tuyên truyền, tư vấn và giới thiệu việc làm.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh điều hành phiên giao dịch trực tuyến. |
Những năm gần đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tích cực chuyển đổi số trong nhiều hoạt động như: Tổ chức các sàn giao dịch việc làm, phỏng vấn lao động xuất khẩu trực tuyến; bước đầu số hóa hồ sơ lưu trữ; nâng cấp website chạy trên nền tảng IOS, Android để dễ dàng xem, sử dụng trên điện thoại di động; đưa vào hoạt động tổng đài Zalo OA với phần mềm trả lời, gửi tin nhắn tự động tới người lao động và DN; khai thác tối đa tiện ích các mạng xã hội trong tư vấn, giới thiệu việc làm. Qua đó, giúp người lao động và DN tiếp cận, tìm kiếm được thông tin nhanh chóng, dễ dàng.
Ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối việc làm, cập nhật nhu cầu tuyển dụng qua các website, trang mạng xã hội như: Fanpage Sàn giao dịch việc làm Bắc Giang, ứng dụng “Vieclambacgiang”… Căn cứ nhu cầu tuyển dụng của từng DN, Trung tâm xây dựng mô hình liên kết với các cơ sở đào tạo nghề, giúp các đơn vị tuyển được nhân lực chất lượng, phù hợp, giảm tối đa chi phí và thời gian đào tạo”.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức hơn 80 phiên giao dịch việc làm định kỳ, chuyên đề, lưu động, trực tuyến; qua đó tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 20 nghìn lao động, vượt kế hoạch cả năm. |
Thời gian qua, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các DN trong tỉnh tăng cao, Trung tâm đã tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ, chuyên đề, lưu động, trực tuyến; tư vấn trực tiếp cho lao động khi đến trung tâm đăng ký, tìm hiểu thông tin việc làm. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến tận huyện, xã, khu vực miền núi, vùng cao. Trung tâm phối hợp với các DN và trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, TP tổ chức các phiên giao dịch trực tuyến nhằm mở rộng kết nối cung – cầu lao động.
Với hình thức này, quy mô các sàn giao dịch, thị trường lao động được mở rộng hơn so với hình thức trực tiếp, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người lao động và DN. Đơn cử như trước nhu cầu tuyển số lượng lớn lao động của Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải, trong tháng 8 năm nay, Trung tâm tổ chức riêng một phiên giao dịch việc làm trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối với 15 tỉnh, TP trong khu vực để cung ứng hàng nghìn lao động cho đơn vị này.
Để giúp người lao động trên địa bàn tỉnh tìm việc làm, từ tháng 10 đến nay, Trung tâm phối hợp với các huyện, trường học tổ chức các ngày hội việc làm tại địa phương, tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận trực tiếp với nhà tuyển dụng. Tại đây, các DN, đơn vị tuyển dụng không chỉ chia sẻ về vị trí việc làm, nhu cầu về lao động mà còn hướng dẫn học sinh, sinh viên, người lao động kỹ năng hoàn thiện hồ sơ dự tuyển, kinh nghiệm trả lời phỏng vấn để nắm bắt cơ hội việc làm.
Thời điểm này, Trung tâm tăng cường kết nối, tư vấn việc làm phù hợp cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng, khuyến khích họ sớm quay lại tìm kiếm việc làm. Đồng thời tiếp tục nắm bắt và kết nối thông tin thị trường lao động của các tỉnh để cung ứng nguồn nhân lực cho các DN bảo đảm hoạt động sản xuất dịp cuối năm.
Bài, ảnh: Vi Lệ Thanh
Tạo bước đột phá từ chuyển đổi số
BẮC GIANG – Hôm qua là Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10 với chủ đề “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”. Cùng với cả nước, năm nay là năm thứ hai, Bắc Giang tổ chức Ngày Chuyển đổi số năm 2023 thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số và công dân số.
Người dân, doanh nghiệp là chủ thể và động lực chuyển đổi số
BẮC GIANG – Sáng 10/10, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Ngày Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Bắc Giang năm 2023 với chủ đề “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”. Dự buổi lễ có đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo HĐND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, TP và một số doanh nghiệp (DN).
tin tức bắc giang, bắc giang, nhu cầu nhân lực, doanh nghiệp, vị trí công việc, Chuyển đổi số, kết nối cung – cầu, lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm