BẮC GIANG – Suốt cả ngày hôm nay, Cường bận tối mắt tối mũi. Thư báo, bưu phẩm về chất cao như núi, cái nào cũng chuyển gấp, phát nhanh, cái nào cũng đều quan trọng cả. Cơ quan có bao nhiêu người thì huy động hết cho việc chạy chuyển thư báo, bưu phẩm. Cuối năm, người ta đi chợ, dạo phố ngắm cảnh, mua sắm hàng Tết còn cơ quan Cường thì tất bật thư báo với bưu phẩm.
Là bưu điện của một huyện miền núi nên vai trò của chiếc xe máy và đôi chân của anh em trong tổ thư báo rất quan trọng. Thời buổi bùng nổ thông tin, giao lưu mở rộng, lại Tết nữa nên bưu phẩm, thư báo lại càng nhiều. Chết cái, cơ quan anh đa phần là nữ nên những lúc như thế này mấy thanh niên trai tráng như Cường đều phải như “con dao pha”, chấp hành tuyệt đối sự điều động của lãnh đạo. Cường là người trẻ nhất cơ quan, lại mới được chuyển về đây nên không có lý gì để anh thoái thác. Thực ra, vốn tính xông xáo, tháo vát nên Cường nào có nề hà gì.
Ảnh minh họa. |
Đêm ập xuống tự lúc nào không biết. Cường đang hí húi phân loại số thư báo chưa cần chuyển gấp để giao ca thì xịch một cái, xe thư báo chuyển phát nhanh lại bóp còi inh ỏi gọi nhận hàng. Ba mươi Tết rồi vẫn còn hàng hay sao. Cường thở dài đánh thượt và liếc vội đồng hồ. Quá hẹn với Phương hơn tiếng rồi! Di động của Phương nháy gọi liên tục làm anh sốt cả ruột. Ca trực của Cường hết lúc bảy giờ tối. Lẽ ra, lúc này anh đang cùng Phương bên nồi bánh chưng ở nhà nàng song vì cơ quan nhiều việc quá nên anh đành nán lại hỗ trợ các chị trực ca tối. Tưởng hòm hòm công việc lại lù lù cái xe thư báo chết tiệt nọ. Bây giờ mà bỏ về thì chẳng đành lòng chút nào.
“Thư báo, bưu phẩm gì mà lên tối thế các bố? Có nhiều không? Có gấp không? Có để cho người ta ăn Tết không đấy?”. Cường cất giọng hỏi dồn dập mấy người trên xe. “Yên chí! Yên chí! Chuyến hàng cuối cùng của năm đấy. Ít thôi! Có nhõn một gói bưu phẩm. Nhưng mà chuyển phát nhanh đấy nhé”. Người đưa hàng vừa nói vừa bê một gói bưu kiện khá to đưa cho Cường: “Đây, ông xem rồi ký nhận cho một chữ!”.
Dưới ánh điện mờ mờ vàng oạch của chiếc bóng cao áp, trong cái rét căm căm của mưa phùn gió bấc, Cường xuýt xoa nhận kiện hàng và ký sổ. Chiếc ô tô nổ máy vù đi cũng gấp gáp vội vàng y như lúc nó đến. Cường bê kiện hàng vào. Mấy chị cùng xúm đến. Ai đó nói: “Cũng may, có mỗi một gói. Chắc chưa cần chuyển ngay đâu phải không Cường?”. Giọng Cường rầu rầu: “Chuyển gấp các chị ạ. Loại chuyển phát tận tay. Mấy tay trên xe bảo thế. Đây, có thư ngỏ của người gửi đây này!”.
Cường đặt kiện hàng và đưa lá thư ngỏ cho bà trưởng chi nhánh bưu điện huyện. Bà ta đón lấy và giương kính lên đọc: “Kính nhờ các anh, các chị chuyển gấp gói hàng này tới tay bố mẹ và vợ con của tôi trước lúc giao thừa. Đây là gói hàng quan trọng, là tình cảm sâu nặng, rất ý nghĩa của tôi kính dâng bố mẹ tôi nhân dịp năm mới. Vô cùng cảm tạ các anh các chị. Kính thư. Người gửi: Thiếu tá Vũ Hoàng Quân, đảo Song Tử Tây”.
Mọi người hết nhìn kiện hàng lại nhìn nhau. Chưa có trường hợp nào gửi bưu phẩm lại kèm theo một lá thư ngỏ như thế. Tiếng bàn tán nổi lên. Sao lại gửi bưu kiện về muộn thế nhỉ? Rõ ràng biết là Tết mà không chủ động gửi sớm cho người ta nhờ. Thì ở đảo có như trong đất liền đâu. Tàu có ra thì thư hàng người ta mới về được chứ. Chắc là quan trọng lắm nên lời lẽ anh này mới thống thiết đến thế! Không biết Tết ngoài đảo có khác gì trong đất liền không nhỉ, các chị? Khác quá đi chứ! Bốn bề sóng vỗ, biển trời bao la. Buồn là cái chắc. Chỉ hình dung thế tớ đã khóc rồi! Thôi, thôi các cô ơi! Xem anh ấy gửi cho ai mà chuyển sớm cho người ta không giao thừa đến nơi rồi đấy. Tiếng bà trưởng bưu điện cắt ngang lời mọi người.
Hằng loe xoe thay mặt cả nhóm bê gói bưu phẩm lên đọc to: “Người nhận: ông Hoàng Văn Tiến, thôn Duỗn, xã K…”. Cả mấy người cùng ồ lên và rồi cùng nghệt mặt ra. “Tận xã K… cơ á?”. “Chết cha rồi, những gần hai chục cây số chứ ít gì”. “Đường lại đang làm. Mưa gió thế này thì…”.
Họ cùng nhìn nhau ngao ngán. Bà trưởng chi nhánh bưu điện phân vân. Ca trực toàn đàn bà, con gái. Đêm hôm khuya khoắt thế này biết cử ai? Chẳng lẽ lại bỏ gói hàng đấy. Không được! Như thế là vi phạm kỷ luật ngành. Hơn nữa, người ta trông cậy mình, đặt hết niềm tin vào mình. Cứ thử đặt mình vào địa vị người ta xem. Biết đâu, người nhận nhờ có gói bưu phẩm này mà Tết vui gấp bao nhiêu lần thì sao? Cả Tết của người ta chỉ trông vào gói bưu phẩm này thì sao? Bao câu hỏi hiện lên trong đầu bà trưởng bưu điện và mọi người.
“Cường! Hay là… hay là cậu… giúp tôi chuyển gói bưu kiện này được không?”. Bà trưởng bưu điện ướm hỏi. Cường nhăn nhó: “Cháu… Cháu…!”. “Tớ biết cậu đã hết ca từ lúc bảy giờ song lúc này chẳng lẽ cử mấy đứa con gái này đi. Thôi, cậu cứ đi đi, mai tớ cho nghỉ bù”. “Không phải thế. Ý cháu nói là tối nay cháu có hẹn với người yêu rồi. Đây là Tết đầu tiên cháu ăn Tết ở huyện này đấy, lại ở nhà người yêu cơ cô ạ. Chứ cháu có ngại gì đâu”. Cường thanh minh. Bà trưởng bưu điện tiếp lời: “Thế hả? Hẹn con Phương chứ gì. Để cô điện cho nó bảo nó một câu là xong ngay mà!”.
Bà Hòa đang rút máy điện thoại ra để gọi cho Phương thì Cường ngăn lại: “Khỏi cần cô ơi! Để cháu gọi cũng được”. Cường rút máy bấm số gọi Phương: “A lô! Em à! Anh chưa về được đâu, lại có việc đột xuất phải đi bây giờ đây. Thông cảm cho anh nhé. Ừ! Anh sẽ về trước giao thừa!”. Cường bỏ máy nói với mọi người: “Phương nó hẹn em về trước giao thừa để đưa cô ấy đi hái lộc”. “Thế thì nhanh lên. Lên đó quay về còn kịp đấy”.
Mọi người giục. Cường vội vã chằng buộc gói bưu kiện rồi dắt chiếc Min cồng cộc ra cửa. Cái lạnh ùa đến bủa vây lấy anh. Anh liếc vội đồng hồ một lần nữa rồi vội nổ máy, cưỡi xe vù đi.
***
Trời tối đen như mực. Ánh đèn xe như một lưỡi dao xắn cắt màn đêm ra thành một miếng giò lụa trước mắt. Hai bên là vách đêm dựng đứng đen ngòm. Các cụ nói tối như đêm ba mươi thật chẳng sai chút nào. Mưa lất phất bay. Cái giống mưa dở mưa phùn dở mưa xuân này bực lắm. Ấm chẳng ra ấm, rét chẳng ra rét, nước chẳng ra nước, chỉ tổ bẩn đường. Làng xóm vắng tanh. Nhà nào cũng sáng trưng. Mùi hương nhang toả ra thơm ngào ngạt. Hầu như nhà nào cũng cố thức để chờ đón giao thừa. Cường thèm hơi ấm và không khí đoàn tụ của đêm Ba mươi Tết này quá. Anh quyết định tăng ga. Thôi, tăng tốc lên để về đón giao thừa với Phương cho kịp. Chiếc xe cồng cộc gào lên xé đêm lao đi.
Gia đình Cường quê mãi tận dưới xuôi. Năm vừa rồi bố mẹ anh đã chuyển lên sinh sống ở cái thị trấn heo hút này phần vì chán cảnh chen chúc, xô bồ nơi phố xá cộng với lòng say mê làm trang trại của bố Cường, phần vì để thuận tiện cho Cường công tác. Tốt nghiệp đại học ngành bưu chính viễn thông mấy năm rồi nhưng Cường chẳng xin đâu được việc.
Mãi đầu năm rồi, do quen biết, bố anh đã xin cho anh vào làm việc tại bưu điện huyện này. Xét một cách toàn cục thì như thế là đúng ngành, đúng nghề song thực ra Cường lại học chuyên khoa về tin học thế mà về đây anh lại được bố trí vào tổ thư báo? Ước mơ vùng vẫy phố phường, nơi đô hội, đem những kiến thức đã học của mình thể hiện của Cường tan thành mây khói. Rồi, Cường quen biết Phương, giáo viên trường tiểu học gần nhà mới của anh. Hai người mến nhau, yêu nhau.
Từ ngày có Phương, Cường yêu nghề, gắn bó với cơ quan hơn. Gia đình hai bên đều tán thành. Duy chỉ có ông trưởng họ (bác ruột của bố Phương) là chưa nhất trí cho lắm. Ông này phong kiến vô cùng cho rằng không môn đăng hộ đối. Lý do duy nhất chỉ tại bố Cường quá trẻ, hơn con cả của ông thông gia tương lai có mấy tuổi. Như thế thì… hạ thấp vị thế của dòng họ nhà ông quá. Ngược lại, bố mẹ Phương thì rất nhất trí. Cho nên, Tết này một kế hoạch vạch ra cho Cường và Phương là phải tấn công “hạ gục” ông trưởng họ bằng cách nhân dịp chúc thọ hai ông bà đồng tuổi bảy lăm mà ra mắt, mà thể hiện. Bố mẹ Phương sẽ đứng đằng sau hậu thuẫn.
Nhớ về Phương, nghĩ tới việc hạnh phúc trăm năm của mình, Cường quên cả cái rét, quên cả đường xa đêm tối. Đã đến đoạn rừng sâu, thưa thớt nhà ở. Đêm về khuya càng hun hút. Đoạn đường đang thi công đất đá lổn nhổn, bùn nước nhầy nhụa. Có đoạn anh phải xuống dắt xe, giữ ga cho nó bò nhích đi từng tí một.
Cuối cùng, mò mẫm, hỏi thăm mãi anh cũng đến được nơi cần đến. Gia đình người nhận hàng vui còn hơn cả Tết. Cả cụ ông và cụ bà đều cầm chặt hai tay Cường mà nói: “Quý hoá quá! Cảm ơn cậu quá. Phúc đức cho nhà tôi quá!”. Bà con dâu thì rối rít rót nước nóng mời Cường: “Cháu phải ở đây dự đón giao thừa với bá. Còn có mấy phút nữa thôi!”. Thế là không đi hái lộc được với Phương rồi. Cường nằng nặc xin về. Cụ ông thấy thế liền lấy chai rượu chắt đầy ra hai chén: “Thôi, cháu đã vội vậy thì uống với già này một chén chào năm mới. Chúc năm mới vui vẻ nhé”. Cường miễn cưỡng đón chén rượu nhấp một ngụm rồi xin phép ra về.
“Con đi đâu mà giờ này mới về để cái Phương nó chờ mãi?”. Mẹ Cường hỏi ngay khi Cường vừa phóng xe máy về đến ngõ. Lúc đó đã gần hai giờ sáng. Cường nói qua cho bố mẹ biết công việc của mình rồi anh định vù ngay sang nhà Phương. Thấy thế, mẹ anh vội ngăn lại: “Không được đi bây giờ. Anh có hợp tuổi nhà người ta không mà định gõ cửa xông nhà họ từ đêm hôm này”. Bố Cường cũng gàn. Anh đành vào giường nằm cố tranh thủ chợp mắt giải toả cơn mệt mỏi.
Sáng mùng Một Tết, Cường đến nhà Phương từ rất sớm. Mặt Phương nặng như chì. Đến khi nghe anh kể lại chuyến chạy hoả tốc bưu phẩm đêm qua thì cả nhà Phương đều thông cảm cho anh. Phương ríu rít vui trở lại: “Thế mà người ta cứ tưởng…”. Cỗ bàn xong, mọi người cùng ngược lên quê (cách đó gần hai chục cây số) về chúc thọ ông trưởng họ theo kế hoạch.
Ngồi sau xe Cường, Phương ríu rít trò chuyện. Thời tiết mùng Một Tết tuyệt đẹp. Đêm qua còn mưa phùn, thế mà sáng nay chỉ còn những hạt mưa bụi bay bay. Đường làng tấp nập người xe đi lại. Bám sát theo xe bố mẹ, Phương ôm chặt eo Cường hạnh phúc. Căn nhà của ông trưởng họ đã hiện ra trước mặt. Cường cảm thấy có vẻ quen quen. Hỏi Phương mới biết đây là xã K và hôm nay họ đi đường tắt tránh đoạn đang làm nên người xe đều sạch sẽ. Trong sân chật ních trẻ con đang đùa giỡn. Lá cờ Tổ quốc phần phật bay trước gió. Loa đài dìu dặt. Đến khi vào đến sân, Cường chợt nhận ra đúng là ngôi nhà mà đêm qua anh đã mang bưu phẩm tới.
Cường lúng túng theo chân bố mẹ Phương chào mọi người bước vào nhà. “Ơ! Cái anh bưu điện đêm qua chuyển bưu phẩm đến nhà mình này ông bà ơi!”. Bà con dâu reo lên. Cả hai ông bà đều ngoảnh lại. Bố mẹ Phương và cả Phương nữa đều ngơ ngác. Cường lúng túng thực sự. Đến khi biết Cường là người yêu của Phương thì cả vợ chồng cụ trưởng họ đều ôm chầm lấy Cường. “Cháu rể đây à? Giỏi lắm. Quý hoá quá! Cháu là người xông nhà cho ông đấy. Con Phương thế mà tinh mắt, chọn được anh người yêu thế này cơ mà. Tốt rồi! Tốt rồi!”.
Mọi người ai nấy đều phấn khởi. Gói bưu phẩm đêm qua Cường chuyển đến là gói quà của con trai cụ gửi về mừng thọ tuổi bảy mươi lăm cho cha mẹ. Cường và Phương đỏ mặt không nói được câu nào. Hạnh phúc trào dâng trên gương mặt của đôi bạn trẻ. Không ngờ cuộc ra mắt của Cường lại đặc biệt và suôn sẻ đến thế. Cảnh Tết, tình xuân như được nhân lên gấp bội. Tim Cường đập rộn rã như tiếng trống hội làng vào xuân.
Thì mùa xuân đã về thật đấy rồi còn gì!.
Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu
Chiếc vé cuối cùng
BẮC GIANG – Huy đón chiếc vé xe từ tay nhân viên phòng vé, đây là chiếc vé cuối cùng của chuyến xe về quê. Cô nhân viên cũng nhanh chóng treo biển “HẾT VÉ” trước quầy, Huy khó nhọc nghiêng người quay ra, phía sau vẫn còn khá đông người đang chen lên.
Hoa thủy tiên của mẹ
BẮC GIANG – Đã nhiều năm trôi qua, chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành trên sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
Ngõ quê
BẮC GIANG – Cái ngõ rất rộng, là ngõ cụt ở cuối xóm, có tám nóc nhà. Ngõ rộng nên trẻ con tha hồ chơi đùa vào những buổi chiều. Tiếng trẻ con rộn rã cả khu xóm nhỏ, có lúc trẻ tập trung đông như một đội bóng, chúng nghịch ngợm la hét ầm ĩ… Thế nên hôm nào vắng chúng là buồn tẻ hẳn.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, Chuyến bưu phẩm cuối năm, thư báo, bưu phẩm, đi chợ, dạo phố ngắm cảnh, mua sắm hàng Tết