BẮC GIANG – Chùa Kem hay còn gọi là Sùng Nham tự, thuộc tổ dân phố Kem, thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hóa tôn giáo, nơi đây còn từng là căn cứ của những nghĩa quân, du kích cách mạng ở nhiều thời kỳ, trong đó có nghĩa quân Yên Thế. Chùa Kem – di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt đã và đang được giữ gìn chu đáo, thu hút đông đảo khách thập phương tới vãn cảnh, lễ chùa.
Khuôn viên chùa Kem rộng rãi, với nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát, tạo lên khung cảnh yên bình, linh thiêng. |
Từ Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, chúng tôi cho xe chạy trên con đường dài chừng hơn 1 km vừa được làm mới hướng thẳng về chùa Kem. Bên đường là hàng cây bồ đề đang lên xanh tốt. Đồng chí Lê Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Yên Dũng cho biết: “Tuyến đường được làm mới tạo điều kiện kết nối tour tuyến du lịch tâm linh giữa chùa Vĩnh Nghiêm – Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng – chùa Kem. Điều này cũng mở ra cơ hội để giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử ngôi chùa Kem – nơi đã từng chứng kiến với bao thăng trầm lịch sử dân tộc”.
Trong khuôn viên chùa Kem có nhiều cây cổ thụ, quanh năm xanh tốt. Thế đất được tận hưởng sự ưu đãi của thiên nhiên, mùa đông thì có núi cao cản gió Đông Bắc, mùa hè thì hưởng gió mát từ hướng Nam thổi về, càng làm cho cảnh chùa thêm yên bình, linh thiêng.
Theo sổ sách đã chép, chùa Kem được xây dựng cách đây khoảng 400 năm, triều vua Lê Anh Tông. Vị sư tổ hưng công xây dựng chùa là bà Hoàng Thị Tuế, theo dòng thiền phái Trúc Lâm do Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập.
Toàn bộ công trình kiến trúc của chùa Kem được tạo dựng trong một khu đất có tổng diện tích cả khuôn viên là gần 2.000 m2. Tổng thể ngôi chùa gồm: Cổng tam quan, vườn tháp, tòa tiền đường, thượng điện và nhà tổ.
Được biết, nơi chùa Kem tọa lạc có địa thế rất đặc biệt, hai bên tả, hữu và sau lưng đều tựa vào dãy núi Nham Biền, mặt nhìn ra cánh đồng bằng phẳng cùng con đường độc đạo dẫn vào chùa. Chính vì thế, nơi đây không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hóa tôn giáo, mà còn được chọn làm căn cứ của những nghĩa quân, du kích cách mạng ở nhiều thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc. Năm 1884, Nguyễn Cao người làng Cách Bi (thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) cùng nghĩa quân đã về chùa Kem xây dựng căn cứ chống thực dân Pháp.
Du khách nghe giới thiệu về những nét văn hóa, lịch sử đặc sắc của chùa Kem. |
Đặc biệt, khoảng năm 1906 – 1908, Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân Yên Thế đã về đóng quân ngay ở phía sau vườn chùa. Đề Thám đã cho đắp lũy, làm tường thành, làm nhà, luyện tập quân sự, tạo nơi đây như một khu căn cứ chống Pháp. Hiện nơi đây vẫn còn lưu lại dấu tích của tường lũy, nền nhà quan, giếng quan, trạm gác, cột cờ, thùng đá chứa nước cho ngựa uống đồng thời là chỗ mài gươm đánh giặc…
Phía sau nhà chùa còn có bãi luyện quân của nghĩa quân Đề Thám năm xưa. Khu đất rộng chừng vài mẫu nằm trên một địa thế bằng địa, bên cạnh là dòng suối chảy qua. Có thể nói, vị trí này rất thuận lợi cho nghĩa quân luyện tập. Khi có địch, dễ dàng nhanh chóng rút lên núi, thoát xuống dòng sông Thương thơ mộng ngay chân núi Nham Biền…
Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thị trấn Nham Biền trở thành khu du kích kháng chiến; chùa Kem trở thành trung tâm chính trị, quân sự của địa phương. Hòa bình lập lại, nhà chùa là nơi hội họp, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhờ những giá trị về văn hóa, tôn giáo cũng như lịch sử cách mạng, năm 2012, chùa Kem đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là một trong 23 điểm di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt gắn với cuộc khởi nghĩa Yên Thế.
Đường nối từ khu vực Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng về chùa Kem vừa được làm mới, mở rộng, tạo thuận lợi cho du khách thập phương đến chiêm bái, vãn cảnh chùa. |
Nhằm phát huy giá trị di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt này, hằng năm, các cấp chính quyền địa phương đều quan tâm giữ gìn, tôn tạo ngôi chùa. Đơn cử, năm 2021, Nhà nước đã hỗ trợ 500 triệu đồng, cùng với nguồn xã hội hóa tiến hành nâng cấp, cải tạo nhiều hạng mục của nhà chùa như: Thay cửa chính nhà tam bảo, nhà tổ; thay hoành, rui, mè và lợp ngói mới cho nhà chùa… Năm 2022, UBND thị trấn và tổ dân phố tiếp nhận tiền công đức của một doanh nghiệp để lát mới đường dẫn từ cổng vào sân chùa.
Theo thông lệ, từ ngày 19 đến 21/8 Âm lịch hằng năm, tổ dân phố Kem lại phối hợp cùng nhà chùa tổ chức lễ hội (hay còn gọi là ngày giỗ Tổ) với nhiều nghi thức tâm linh, văn hóa văn nghệ và trò chơi dân gian, thu hút đông đảo du khách thập phương tới vãn cảnh, chiêm bái, trẩy hội. Đồng chí Nguyễn Văn Chiến, Tổ trưởng tổ dân phố Kem cho biết: “Là người con quê hương có điểm di tích đặc biệt, nhất là gắn với cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám, chúng tôi thấy rất tự hào và luôn tâm niệm cố gắng gìn giữ cảnh quan, dấu tích xưa. Tới đây, chúng tôi sẽ tham mưu cấp trên xem xét có thể nâng cấp lễ hội chùa Kem lên quy mô cấp thị trấn hoặc huyện nhằm quảng bá cho nhiều người biết đến, từ đó góp phần phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi chùa”.
Một số hình ảnh đặc sắc ở chùa Kem:
Cổng tam quan chùa Kem được xây dựng cách đây hàng trăm năm nhưng đến nay vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn. |
Trước cửa chùa là vườn tháp – nơi đặt xá lợi của các vị sư trụ trì tại chùa sau khi viên tịch. |
Bên cạnh nhà chùa lưu giữ được thùng đá chứa nước cho ngựa uống đồng thời là chỗ mài gươm đánh giặc của nghĩa quân Yên Thế năm xưa. |
Phía sau nhà chùa vẫn còn dấu tích bức tường thành bằng đá do nghĩa quân Yên Thế xây dựng. |
Bài, ảnh: Đỗ Thành Nam
Họp báo về Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế
BẮC GIANG – Chiều 7/3, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức họp báo thông tin về Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884-2024). Các đồng chí: Trương Quang Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Lễ hội; Ngô Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Thân Minh Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế chủ trì cuộc họp báo.
tin tức bắc giang, chùa kem, yên dũng, nham biền, hoàng hoa thám, yên thế