BẮC GIANG – Chiều 30/11, trong khuôn khổ chương trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Đoàn đại biểu tỉnh Bắc Giang tham gia tham luận tại diễn đàn số 2 với chủ đề “Đổi mới công tác tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động”. Tại diễn đàn, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang có tham luận “Bài học kinh nghiệm về khen thưởng bậc cao cho công nhân trực tiếp”. Báo Bắc Giang trích đăng nội dung tham luận.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Văn Cảnh tham luận tại Diễn đàn số 2. |
Bắc Giang đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhiều năm ở tốp đầu cả nước. Số doanh nghiệp (DN), lao động ở các khu, cụm công nghiệp tăng nhanh. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 300 nghìn công nhân, lao động.
Thực hiện công tác thi đua khen thưởng, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các cấp chính quyền, ngành chuyên môn, DN phát động, tổ chức các phong trào thi đua. Phương châm tổ chức các hoạt động là lấy công nhân lao động là trung tâm, chủ thể. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy các tập thể, cá nhân phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nổi bật như phong trào: Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19; Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới; Lao động giỏi, lao động sáng tạo; Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở…
Nhiệm kỳ 2018 – 2023, công đoàn Bắc Giang có hơn 200 tập thể, 220 cá nhân được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng cờ thi đua, Giải thưởng Nguyễn Văn Linh, Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh, Bằng lao động sáng tạo. UBND tỉnh Bắc Giang tặng Cờ thi đua, Bằng khen cho 1,3 nghìn tập thể và 1,9 nghìn cá nhân. LĐLĐ tỉnh đã tặng Cờ thi đua, Bằng khen cho gần 1,3 nghìn tập thể; 1,5 nghìn cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
Hằng năm, LĐLĐ tỉnh tổ chức tôn vinh công nhân lao động tiêu biểu, khen thưởng những người trực tiếp lao động, sản xuất có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và đạt thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong các phong trào thi đua.
Quang cảnh diễn đàn số 2 của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi đua, khen thưởng vẫn còn những hạn chế nhất định như: Có lúc, có nơi chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng; trách nhiệm người đứng đầu ở một số cơ quan đơn vị chưa được đề cao; việc khen thưởng công nhân lao động trực tiếp chưa nhiều, nhất là khen thưởng bậc cao; công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình tốt ở một số nơi còn hạn chế.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng thời gian vừa qua, LĐLĐ tỉnh Bắc Giang rút ra một số bài học kinh nghiệm. Đó là:
Các cấp, các ngành cần huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, DN.
Cần bám sát sự lãnh đạo của Đảng, căn cứ tình hình thực tiễn để tổ chức các phong trào thi đua cho phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, địa phương, bảo đảm khả thi, thiết thực, hiệu quả, tránh bệnh hình thức.
Đặc biệt là thi đua, khen thưởng phải xuất phát từ công nhân lao động trực tiếp; mọi cơ chế, chính sách phải hướng tới công nhân lao động và vì lợi ích của tập thể. Việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về thi đua, khen thưởng sẽ tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ nhằm thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước.
Phong trào thi đua phải gắn với lợi ích chung, đồng thời phải hài hòa với lợi ích riêng để tạo sức sống, nuôi dưỡng các phong trào thi đua; chú trọng hơn nữa khen đối với công nhân trực tiếp ở cơ sở, nhất là khen cao cho công nhân lao động thực sự tiêu biểu, xuất sắc.
Đồng thời, để nâng cao hiệu quả công tác thi đua cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá, đôn đốc, tổ chức thực hiện, kịp thời khen thưởng, tránh việc phát động phong trào hình thức, để xảy ra sai sót.
Đại biểu tỉnh Bắc Giang tham dự Diễn đàn số 2. |
Để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, nhất là là khen thưởng cao cho công nhân lao động trực tiếp, cần thực hiện các giải pháp như: Tiếp tục quán triệt và triển khai có hiệu quả các Chỉ thị của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính Phủ, Luật Thi đua, khen thưởng. Tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua trên các lĩnh vực, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028.
Cần phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở; mỗi cơ quan, mỗi đơn vị cần xác định công tác thi đua là nhiệm vụ chính trị quan trọng; mỗi cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động cần xác định thi đua là phấn đấu hết mình trong thực hiện nhiệm vụ, nâng cao chất lượng công tác về mọi mặt. Việc tổ chức khen thưởng nên theo đợt, đột xuất và hướng tới tập thể, cá nhân lao động trực tiếp có tinh thần sáng tạo, vượt khó vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bên cạnh đó coi trọng việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến những sáng kiến, kinh nghiệm hay, gương người tốt, việc tốt và các mô hình tiêu biểu để nhân rộng, tạo sức lan toả rộng khắp, từ đó thúc đẩy các phong trào thi đua phát triển. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua ở các cấp công đoàn nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
công nhân, công đoàn, Bắc Giang, đại hội, công đoàn, Việt Nam, Đại hội XIII