Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc chỉ đạo em gái dùng 500 tài khoản chứng khoán liên tục mua bán, khớp chéo tạo cung cầu giả, “lái” giá cổ phiếu tăng 70-1.700%.
Ngày 28/10, ông Trịnh Văn Quyết, hai em gái Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế cùng bà Hương Trần Kiều Dung (cựu Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Tập đoàn FLC) bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đề nghị truy tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. |
Liên quan vụ án, trong 17 người còn lại bị đề nghị truy tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán hoặc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều nhân viên tập đoàn FLC, người thân của ông Trịnh Văn Quyết và nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS.
Theo kết luận điều tra, ông Trịnh Văn Quyết thành lập Công ty CP Tập đoàn FLC, giữ cương vị chủ tịch. Đến năm 2020, sau 33 lần thay đổi kinh doanh, FLC có vốn điều lệ hơn 7.000 tỷ đồng. Hệ sinh thái FLC có 15 công ty con, 2 công ty liên kết và có 5 mã cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.
Nhà chức trách cáo buộc, với vai trò là người đứng đầu FLC, ông Quyết đã chỉ đạo em gái Huế liên hệ với 45 cá nhân có quan hệ họ hàng ký giấy tờ thành lập 20 công ty, 500 tài khoản chứng khoán. Ông Quyết còn chỉ đạo mở thêm 359 tài khoản chứng khoán tại các công ty khác và giao cho bà Huế quản lý, sử dụng.
Để thao túng các mã cổ phiếu, ông Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc đã chỉ đạo hai em gái ruột và những người khác cấp hạn mức sức mua chứng khoán khống cho nhóm 79/141 tài khoản mở tại Công ty CP Chứng khoán BOS.
Công ty BOS tiền thân là Công ty chứng khoán FLC do ông Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật.
Đầu phiên giao dịch hàng ngày, theo chỉ đạo của ông Quyết, bà Huế sẽ thông báo cho bà Nga các số tài khoản thiếu tiền cần phải cấp hạn mức để đặt lệnh. Nhóm nhân viên FLC sau đó đăng nhập vào các tài khoản trong phần mềm quản trị “Bos Floor Trading” để cấp hạn mức khống.
Bằng cách này, từ 26/5/2017 đến 10/1/2022, bà Nga bị cáo buộc đã chỉ đạo đồng phạm thực hiện hơn 1.500 lần cấp hạn mức ảo cho nhóm 79/141 tài khoản. Tổng giá trị hạn mức khống hơn 170.000 tỷ đồng.
Từ số tiền khống này, bà Huế đã chỉ đạo đặt 15.100 lệnh mua 2,8 tỷ cổ phiếu FLC gồm 5 mã: AMD, HAI, GAB, ART, FLC, với tổng giá trị gần 47.000 tỷ đồng. Các tài khoản của nhóm ông Quyết đã khớp lệnh mua 463 triệu cổ phiếu tổng giá trị 11.800 tỷ đồng nhưng chỉ có 234 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, sau khi đã khớp lệnh mua song thiếu tiền, nhóm nhân viên FLC đã bàn bạc để thanh toán bù trừ với Trung tâm Lưu ký Việt Nam cho các lệnh “khớp lệnh thiếu tiền”.
Về thủ đoạn, C01 cáo buộc, bà Huế đã sử dụng 190/500 tài khoản mở tại 18 công ty chứng khoán để thực hiện hành vi thao túng. Cách thao túng chung là liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; mua bán khớp nội bộ nhóm để không dẫn đến chuyển quyền sở hữu; mua bán với khối lượng lớn để chi phối thị trường vào thời điểm mở, đóng cửa; đặt lệnh mua bán liên tục sau đó hủy lệnh bất ngờ…
Mục đích của các thao tác trên để tạo ra cung cầu giả với 5 nhóm mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, trong 562 phiên giao dịch. Có lần, khi chưa khớp lệnh, bà Huế đã chủ động hủy hơn 5.000 lệnh mua. Do vậy, mã chứng khoán AMD tăng từ 13.750 đồng/cổ phiếu lên 23.450 đồng (tăng 70%) sau đó giảm nhanh xuống 10.000 đồng; mã HAI tăng từ 3.780 đồng/cổ phiếu lên 22.500 đồng (tăng 459%), sau đó giảm còn 4.610; mã GAB tăng từ 10.900 đồng/cổ phiếu lên 193.600 đồng (tăng 1.776%); mã ART tăng từ 3.300 đồng lên 10.300 (tăng 330%); mã FLC tăng từ 3.050 đồng lên 21.150 đồng (tăng 593%), kết luận điều tra nêu.
Riêng với mã FLC có biến động mạnh về giá trong phiên giao dịch ngày 10/1/2022 khi tăng trần lên 24.100 đồng/cổ phiếu sau đó giảm nhanh về mức sàn là 21.150 đồng (giảm 12,9% trong một phiên). C01 cáo buộc, trong phiên giao dịch này, ông Quyết đã chỉ đạo em gái bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC với tổng giá trị khớp lệnh 1.600 tỷ đồng.
Ông Quyết dùng tiền thao túng giá chứng khoán vào việc gì?
Cơ quan điều tra cho rằng ông Quyết đã chỉ đạo hai em gái cùng những người khác thao túng thị trường chứng khoán, thu lời bất chính 723 tỷ đồng. Trong thời gian kinh doanh chứng khoán, ông Quyết còn 2 lần bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính.
Dưới sự chỉ đạo của ông Quyết, em gái ông đã liên tục thực hiện hành vi hủy lệnh, khớp chéo giữa các tài khoản hoặc mua vào số lượng lớn cùng mã để thao túng thị trường. Sau khi tạo cung cầu giả đẩy giá cổ phiếu lập đỉnh, ông Quyết chỉ đạo bán.
Số tiền 723 tỷ đồng thu lời bất chính, ông Quyết dùng để mua cổ phần của Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), Công ty CP FLC Travel và Công ty Nông dược HAI. Số còn lại ông dùng trả nợ và chi tiêu cá nhân.
Theo cơ quan điều tra, ban đầu, ông Quyết thành khẩn khai báo về việc chỉ đạo em gái thực hiện hành vi thao túng chứng khoán. Tuy nhiên, đến khi bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Quyết thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi phạm tội và đổ lỗi cho em gái.
C01 đánh giá là chủ doanh nghiệp tạo được nhiều việc làm cho người lao động nhưng ông Quyết đã lợi dụng quy định pháp luật về chứng khoán để phạm tội nhiều lần với vai trò chủ mưu, cầm đầu. Hành vi của ông Quyết bị đánh giá là “xảo quyệt, thu lợi bất chính đặc biệt lớn, làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán”.
Vụ án khiến Chủ tịch FLC bị điều tra bắt nguồn từ việc chiều 10/1/2022 ông bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không công bố thông tin trước đó.
Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) ngày 11/1/2022 ra thông báo huỷ bỏ giao dịch này – biện pháp chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư được hoàn lại tiền đã mua.
Ngày 29/3/2022, ông Quyết bị bắt.
Vnexpress
Tập đoàn FLC, Trịnh Văn Quyết, Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán