BẮC GIANG – Đánh vào tâm lý muốn tìm việc làm thêm dịp Tết, không ít đối tượng đã quảng cáo tuyển người dán bao lì xì, dán hộp quà tặng, cộng tác viên làm việc online với công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao. Tuy nhiên, đằng sau những lời mời chào hấp dẫn này là trò dẫn dụ vào bẫy lừa đảo.
Trong thời gian nghỉ sinh con, lướt trên mạng xã hội thấy có quảng cáo cần người dán bao lì xì, tranh thủ vừa trông con nhỏ, vừa có thể túc tắc làm tại nhà lấy tiền tiêu vặt dịp Tết, chị Thân Thị Minh ở thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) kết bạn zalo theo số điện thoại quảng cáo trên mạng. Người tuyển dụng nói không cần kinh nghiệm, nếu chăm chỉ cũng kiếm được hơn trăm nghìn đồng mỗi ngày nên chị đồng ý làm ngay.
TAND tỉnh xét xử 3 bị cáo: Tình, Trường, Hiền phạm tội lừa đảo thông qua tuyển người dán bao lì xì. |
Họ yêu cầu chị chuyển khoản 500 nghìn đồng ứng trước mua nguyên liệu ban đầu, dán xong sẽ thu mua lại toàn bộ, tiền ứng trước này sẽ được tính vào giá sản phẩm. Tuy nhiên, dán xong số nguyên liệu họ cung cấp, liên hệ để trả hàng thì số điện thoại trong tình trạng “không liên lạc được”. Số tiền mất ít nên chị cũng không khai báo với lực lượng công an.
Tháng 5/2022, Công an huyện Lạng Giang điều tra, làm rõ 3 đối tượng gồm: Nguyễn Văn Tình (SN 1995), trú tại thôn Ao Dẻ 1, xã Hương Lạc; Hoàng Gia Trường (SN 1999), trú tại thôn Quang Hiển, xã Quang Thịnh (cùng ở huyện Lạng Giang) và Hoàng Thị Hiền (SN 2002), trú tại thôn Đồng Hèo, xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do không có việc làm ổn định, Tình đã đăng trên facebook, zalo thông tin về việc tuyển người làm thuê dán bao lì xì, túi giấy đựng hạt giống.
Tình mua nhiều tài khoản facebook trên mạng và sim số điện thoại; soạn sẵn nhiều mẫu hợp đồng khoán việc với thông tin về chủ xưởng, địa chỉ và số điện thoại không đúng; làm các video, hình ảnh hướng dẫn gia công sản phẩm; soạn sẵn các mẫu tin nhắn tuyển dụng, mẫu tin nhắn tương tác. Thuê một số người làm online đăng bài tuyển cộng tác viên; tư vấn, thuyết phục nhận làm gia công. Mỗi bộ nguyên liệu (500 sản phẩm, keo, băng dính), cộng tác viên nộp 450 nghìn đồng và tiền phí vận chuyển (30 đến 50 nghìn đồng/đơn hàng).
Khi hoàn thành sản phẩm, Tình hứa hẹn sẽ thu mua lại với giá thấp nhất là 2 nghìn đồng/sản phẩm. Nhận thấy công việc dễ làm, có lợi nhuận nên nhiều người ở khắp các tỉnh, TP trên cả nước đã nộp tiền và đăng ký nhận hàng về làm. Tuy nhiên, khi gia công xong liên hệ để gửi sản phẩm thì nhóm này không nghe điện thoại, chặn số, chặn facebook, zalo, lấy lý do người thu mua ốm, bận, cho địa chỉ giả, không rõ ràng để cộng tác viên không thể gửi được sản phẩm.
Bộ Công an gửi thông báo cảnh báo đến người dân về tội phạm lừa đảo dịp Tết. |
Có nhiều trường hợp chúng lấy lý do sản phẩm bị lỗi để từ chối nhận hoặc nhận được sản phẩm nhưng không liên hệ lại với cộng tác viên để trả tiền gia công như đã hứa hẹn. Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 6/2021 đến tháng 5/2022, Tình đã lừa đảo chiếm đoạt gần 650 triệu đồng của 1.353 người. Trường và Hiền là đồng phạm giúp sức cho Tình lừa đảo. Cuối tháng 11/2023, TAND tỉnh xét xử tuyên phạt Tình 12 năm tù; Trường 1 năm 3 tháng tù cho hưởng án treo; Hiền 1 năm 4 tháng tù cho hưởng án treo cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Lướt nhanh trên các nhóm tìm việc online nhan nhản thông tin quảng cáo, tuyển dụng việc làm thêm dịp Tết như: Tuyển người cắt mác quần áo, dán bao lì xì, dán hộp quà tặng, chốt đơn quần áo, mỹ phẩm, gia dụng… Có cả những lời mời hấp dẫn như: Tuyển cộng tác viên tại nhà, làm việc qua ứng dụng TikTok; xem video, nhấn like, thả tim là có tiền; ngồi nhà chơi cũng có tiền… Nhưng ẩn sau những lời mời hấp dẫn này là các chiêu trò dụ dỗ để chiếm đoạt tài sản.
Theo một nạn nhân kể với phóng viên, năm ngoái, muốn có việc làm thêm dịp Tết, chị đã liên hệ theo lời rao là bán sản phẩm trực tuyến nhận hoa hồng cao, làm việc tại nhà. “Công việc chốt đơn thật đơn giản. Mỗi đơn chốt thành công, mình nhận được 20% hoa hồng giá trị hợp đồng. Cuối ngày, tiền được chuyển vào tài khoản. Ngày đầu tiên mình hoàn thành 5 đơn, được trả hoa hồng 400 nghìn đồng; ngày hôm sau chốt được gấp đôi số đơn hàng và được trả gấp đôi.
Chục ngày đầu, đơn liên tục được chốt (sau này mình mới biết là bị “chim mồi”). Rồi mình được dẫn dắt nạp tiền để “giữ hàng” vì hàng Tết thường khan hiếm. Không hiểu sao mình cứ thế làm theo hướng dẫn. Khi nạp số tiền lên đến gần 100 triệu đồng thì không thể liên lạc được với họ, mất hết tiền”, nạn nhân chia sẻ.
Thượng tá Trần Huy Việt, Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) thông tin về thủ đoạn cung cấp việc làm thêm không có thật, lôi kéo người dân vào nhóm kín để lừa đảo đầu tư tài chính. Cụ thể, thời gian gần đây, một số hội nhóm đông thành viên trên facebook, zalo xuất hiện hàng loạt các bài viết có nội dung tuyển người làm việc, kiếm tiền tiêu Tết như: Bóc hành, bóc tỏi, cắt chỉ, đóng hộp bánh, dán bao lì xì… có gắn số điện thoại đăng ký zalo.
Khi liên hệ với các tài khoản trên, đối tượng sẽ dẫn dụ người dân vào các nhóm đầu tư tài chính trên sàn giao dịch tiền ảo, chứng khoán. Người dân chỉ cần truy cập vào đường link do các đối tượng cung cấp, tạo tài khoản. Sau đó đối tượng sẽ hướng dẫn nạp tiền và chốt tài khoản vào từng khung giờ. Để tạo lòng tin, chúng sử dụng nhiều tài khoản “chim mồi” liên tục đăng tải thông tin nhận lãi. Từ việc đăng tải thông tin ban đầu, đối tượng khéo léo lôi kéo người dân tham gia.
“Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi xác định các tài khoản đăng tải những bài viết như vậy đều là tài khoản ảo. Những sàn giao dịch này đều không có thông tin minh bạch về giấy phép và người quản lý, không có địa chỉ rõ ràng. Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giá, tránh bị đối tượng xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Thượng tá Việt nhấn mạnh.
Để tránh bị lừa, người dân lưu ý thông tin công việc phải rõ ràng, mức thu nhập tương đối, tránh các yêu cầu đóng tiền thế chân, làm các giấy tờ mua hàng, ứng trước. Các công ty tuyển dụng đàng hoàng đều yêu cầu hồ sơ đầy đủ, rõ ràng thông tin người ứng tuyển, trong khi các công ty có dấu hiệu đa cấp, lừa đảo thường không yêu cầu điều đó. Ngoài ra, các đơn vị, công ty uy tín không yêu cầu đặt cọc tiền tiền nguyên liệu hay đóng tiền thế chân để giữ việc làm. Người dân cần thường xuyên tìm hiểu kiến thức về pháp luật, phương thức thủ đoạn của tội phạm mà cơ quan công an khuyến cáo.
Bài, ảnh: Thu Phong
Cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng
BẮC GIANG – Hiện nay có nhiều hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, chính vì lẽ đó người dân cần lưu ý các thủ đoạn sau: Chuyển tiền làm việc thiện, giả mạo VTV tuyển thí sinh tham dự cuộc thi áo dài năm 2024, dùng mã độc đánh cắp thông tin ngân hàng, bán xe xịn giá rẻ, bình chọn Online nhận tiền hoa hồng…
Bắc Giang: Liên tiếp bắt 3 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản
BẮC GIANG – Thực hiện Mệnh lệnh của Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang về ra quân thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đồng loạt ra quân tấn công trấn áp tội phạm.
tin tức bắc giang, bắc giang, cộng tác viên làm việc online, Cảnh giác, thủ đoạn lừa đảo làm thêm, mạng xã hội, điện thoại quảng cáo trên mạng