BẮC GIANG – Những ngày cận Tết Nguyên đán 2024, dịch vụ đổi tiền mới nở rộ, nhất là thị trường online. Thế nhưng đây là hành vi vi phạm pháp luật đã được cơ quan chức năng cảnh báo.
Thời điểm này, dịch vụ đổi tiền mới trên mạng xã hội (facebook, zalo) bắt đầu rầm rộ. Chỉ cần gõ từ khóa “đổi tiền mới”, hàng loạt tài khoản, hội nhóm công khai liên quan đến dịch vụ này xuất hiện. Mệnh giá thường đổi nhỏ nhất là 1, 2 nghìn đồng; cao là 20, 50 nghìn đồng. Mỗi mệnh giá có mức phí khác nhau. Tiền mệnh giá càng nhỏ phí chênh lệch càng cao.
Trong một nhóm đổi tiền lì xì trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, tài khoản N.T.T đăng nhiều bài viết có nội dung đổi tiền mới. Cụ thể, mệnh giá 1 nghìn đồng có mức phí 140 nghìn đồng/triệu đồng; mệnh giá 2 nghìn đồng phí 90 nghìn đồng/triệu đồng; mệnh giá 5 nghìn đồng phí 70 nghìn đồng/triệu đồng; 10 nghìn đồng phí 75 nghìn đồng/triệu đồng; mệnh giá 20 nghìn đồng “lướt” (không nguyên seri), 63 nghìn đồng/triệu đồng… Theo người này, tiền mệnh giá 20 nghìn đồng mới đang “cháy hàng”.
Một tài khoản đăng bài đổi tiền mới trên mạng xã hội. |
Một số nhóm khác trên facebook cũng có nhiều tài khoản đăng bài nhận đổi tiền mới, tại mỗi bài viết có hàng chục lượt bình luận hỏi phí đổi tiền. Thấy tài khoản D.H đăng đổi tiền mới, chúng tôi liên hệ thì người này cho hay, tất cả các mệnh giá đều có mức phí 50 nghìn đồng/1 triệu đồng và hẹn sau 1-2 ngày có thể chuyển tiền cho khách. Trong bài đăng, chủ tài khoản còn nhấn mạnh: “Nhanh thì còn, chậm thì hết!”; “Đổi càng sớm phí càng rẻ”… để thu hút sự chú ý, mời chào được nhiều khách hàng. Nhiều tài khoản còn rao tuyển cộng tác viên; có máy đếm tiền khi giao dịch trực tiếp.
Nhiều người có nhu cầu sử dụng tiền mới dịp Tết với mong muốn gặp may mắn trong năm mới song nếu không cẩn thận khi đổi tiền có thể gặp rủi ro. Thực tế, không ít trường hợp bị lừa tiền do phải đặt cọc trước hoặc đã mất phí đổi tiền mới nhưng nhận lại là tiền cũ, thậm chí lẫn tiền giả.
Theo Thông tư số 25/2013/TT-NHNN ngày 2/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì chỉ các cơ quan là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới có thẩm quyền thu, đổi tiền. Mọi hành vi đổi tiền diễn ra ngoài các cơ quan trên đều trái pháp luật. Việc đổi tiền lấy phần trăm chênh lệch cũng là một trong các hành vi trái pháp luật về đổi tiền.
Theo điểm a, khoản 5, Điều 30, Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, việc đổi tiền mới hưởng chênh lệch giá như trên sẽ bị xử phạt hành chính từ 20 – 40 triệu đồng.
Vì thế, người dân muốn đổi tiền có thể đến các ngân hàng. Tuy nhiên qua khảo sát thực tế tại thời điểm này, nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh như: Nông nghiệp và PTNT (AgriBank), Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)… đều không còn tiền mới mệnh giá từ 20 nghìn đồng trở xuống để đổi. Theo nhân viên một ngân hàng, số tiền mới “dân buôn” rao đổi trên mạng xã hội nhiều khả năng là tiền tồn được in từ những năm trước.
Được biết, nhiều năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chủ trương hạn chế in tiền lẻ mệnh giá từ 10 nghìn đồng trở xuống, nhất là trong dịp Tết để tiết kiệm chi phí in ấn.
Để ngăn ngừa vi phạm liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, bảo vệ quyền lợi cho người dân, mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành công điện yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tăng cường phối hợp kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm trong mua bán ngoại tệ, vàng và đổi tiền không đúng quy định.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Giang cũng chủ động nắm bắt; bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời tiền mặt với mệnh giá khác nhau cho các tổ chức tín dụng phục vụ thanh toán, chi trả lương và chi tiêu trong đời sống của người dân.
Đồng thời chỉ đạo, yêu cầu cán bộ ngân hàng không tiếp tay cho các đối tượng đổi tiền mới hưởng chênh lệch giá; phối hợp với các cơ quan liên quan bảo đảm an ninh, an toàn tiền tệ; khuyến khích sử dụng hình thức chuyển khoản trong các giao dịch.
Tin, ảnh: Thành Nguyên
Cận Tết, “xe dù, bến cóc” hoạt động mạnh
BẮC GIANG – Thời điểm cuối năm, nhất là dịp cận Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng từ 30-40% so với ngày thường nên lượng “xe dù, bến cóc” hoạt động nhiều hơn. Thực trạng này cần được khẩn trương chấn chỉnh để lập lại trật tự, giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông.
Nhiều dịch vụ hút khách dịp Tết
BẮC GIANG – Cận Tết Nguyên đán, các loại hình dịch vụ như làm đẹp, sửa xe, dọn nhà, nấu cỗ, cho thuê cây cảnh, dựng rạp, âm thanh loa đài… luôn đông khách. Đối với nhiều người, đây là thời điểm “hái” ra tiền, bởi cả năm mới có vài ngày.
bắc giang, tết nguyên đán, đổi tiền mới, dịch vụ đổi tiền mới