Chiều 18/10, tại Phiên họp cấp cao về “Kinh tế số – động lực mới của tăng trưởng” (trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đề xuất các quốc gia hợp tác, tập trung vào 3 trụ cột là: Thể chế số, hạ tầng số và nhân lực số. Qua đó góp phần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các quốc gia và mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân trong quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại phiên họp cấp cao với chủ đề “Kinh tế số – Động lực mới của tăng trưởng”. |
Trước đó, sáng cùng ngày đã diễn ra Lễ khai mạc trọng thể Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba (BRF 3) tại Đại Lễ đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Hơn 20 Nguyên thủ quốc gia/Người đứng đầu Chính phủ đã đến tham dự Diễn đàn.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn.
Tại Lễ khai mạc, các nhà Lãnh đạo và các đại biểu đều đánh giá cao những thành tựu và đóng góp quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trong 10 năm qua với hàng loạt dự án và chương trình hợp tác trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, kinh tế số, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ… Hợp tác Vành đai và Con đường đã góp phần thúc đẩy kết nối khu vực, hỗ trợ các nước chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước. Hướng tới mục tiêu chung về tương lai tươi sáng, thịnh vượng và cuộc sống ấm no cho người dân, các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường phối hợp nhằm huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia, gắn kết hơn các nền kinh tế, đồng thời bảo đảm yêu cầu bền vững về môi trường, tài chính và hài hòa xã hội.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu bật những thành tựu của chặng đường 10 năm hình thành và phát triển năng động của Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI). Sau hơn một thập kỷ, Sáng kiến BRI đã mở rộng không gian liên kết và kết nối từ lục địa Á-Âu sang châu Phi và châu Mỹ La tinh; không chỉ hình thành các tuyến hành lang kinh tế, các tuyến đường bộ và đường sắt, mà còn đầu tư phát triển năng lượng sạch, hạ tầng thông tin, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, giao lưu văn hóa nghệ thuật, trao đổi học giả, kết nối doanh nghiệp. Những thành tựu 10 năm qua sẽ là nền tảng cho “một thập kỷ vàng” tiếp theo của Sáng kiến.
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá với quyết tâm cao, đầu tư lớn, nhiều chương trình, dự án, hành động cụ thể, Vành đai và Con đường đã trở thành một cơ chế hợp tác quốc tế lớn, có nhiều đóng góp quan trọng vào kết nối hạ tầng, liên kết kinh tế toàn cầu, là khuôn khổ hợp tác mở bao trùm, chất lượng cao, mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả các bên tham gia, và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị và sự gắn kết giữa nhân dân các nước.
Chủ tịch nước cũng khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ các sáng kiến có lợi cho hòa bình, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam hoan nghênh và đã tích cực tham gia nhiều cơ chế, sáng kiến toàn cầu quan trọng do Trung Quốc khởi xướng.
Trao đổi về kinh tế số – động lực mới của tăng trưởng, Chủ tịch nước chia sẻ chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng trên toàn cầu, được thúc đẩy bởi những đột phá công nghệ mới, hiện đại. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh phát triển kinh tế số mở ra tiềm năng và không gian phát triển mới to lớn và nhanh chóng tạo sự liên kết giữa các quốc gia. Mỗi quốc gia sẽ tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, trở thành một phần không thể tách rời của kinh tế số toàn cầu.
Tuy nhiên, kinh tế số cũng tiềm ẩn những rủi ro về an ninh, an sinh xã hội nếu không được định hướng và quản lý phù hợp. Hợp tác Vành đai và Con đường đã kịp thời nắm bắt xu thế này và đóng góp quan trọng vào sự thay đổi mạnh mẽ của các quốc gia dọc Con đường tơ lụa kỹ thuật số, từ kết cấu hạ tầng số hiện đại, các thành phố thông minh, đến hoạt động thương mại sôi động trên không gian số.
Chủ tịch nước chia sẻ, Việt Nam coi trọng các con đường kết nối với thế giới cả trên đất liền, trên không, trên biển, trên không gian số. Theo đó, Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Trên tinh thần đó, Việt Nam xác định: Không gian mới là kinh tế số. Lực lượng sản xuất mới là nhân lực số, công nghệ số và dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng cao; năm 2022 đóng góp 14,26% vào GDP, và đang hướng đến mục tiêu 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030.
Để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các quốc gia và mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân trong quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, Chủ tịch nước đề xuất hợp tác về kinh tế số dựa trên ba trụ cột.
Thứ nhất là hợp tác về thể chế số để xây dựng các quy định phù hợp, bảo đảm sự thông suốt, an toàn, bảo mật dữ liệu; tạo môi trường kinh doanh thân thiện; phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an toàn, an ninh và chủ quyền quốc gia, cần tính đến trình độ phát triển, đặc thù của các quốc gia, bảo đảm cân bằng lợi ích, bình đẳng cho các bên.
Thứ hai là hợp tác về hạ tầng số để bảo đảm và nâng cao năng lực tham gia của các nước vào nền kinh tế số toàn cầu. Chủ tịch nước kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế, các doanh nghiệp hợp tác đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng tại Việt Nam và các nước trong khu vực.
Thứ ba là hợp tác nhân lực số để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới, hiện đại. Chủ tịch nước nhấn mạnh trong lĩnh vực kinh tế số cần thúc đẩy các dự án chuyển giao tri thức và công nghệ.
* Bên lề Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế về “Vành đai và Con đường” lần thứ 3, chiều ngày 17/10/2023 cũng đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Vành đai và con đường với sự tham dự của 1.200 đại biểu đến từ hơn 80 quốc gia, trong đó có 60 đại diện của các công ty thuộc nhóm 500 công ty hàng đầu thế giới.
Theo Nhân Dân
Các quốc gia, tập trung hợp tác, 3 trụ cột, Thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số