BẮC GIANG – Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh vừa khởi tố vụ án hình sự: “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. Các đối tượng trong đường dây này đã tổ chức đưa người sang Thái Lan lao động trái phép với danh nghĩa đi du lịch.
Bánh vẽ … “việc nhẹ lương cao”
Cuối năm 2022, Vi Văn Cường (SN 1995) trú tại thôn Chão, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) được một người đồng hương rủ sang Thái Lan lao động nhưng phải làm thủ tục xuất cảnh bằng hình thức… đi du lịch. Theo chỉ dẫn, Cường làm hộ chiếu bay sang Băng Cốc, sau đó được bố trí làm tại một doanh nghiệp giáp khu vực biên giới Thái Lan và Myanmar, công ty này do người Trung Quốc điều hành.
Cán bộ phòng An ninh điều tra Công an tỉnh làm việc với đối tượng Vi Văn Cường. |
Công việc hằng ngày là gọi điện, kết bạn làm quen, tư vấn cho khách hàng là người Việt Nam tham gia mua hàng tại các trang mua bán Shopee, đánh giá món ăn. Ngoài ra, Cường được giao thêm nhiệm vụ tìm kiếm, rủ rê, lôi kéo người Việt Nam. Theo mức khoán, mỗi tháng Cường phải tìm kiếm được 2 người Việt Nam, tổ chức đưa trót lọt sang đây sẽ được trả công 800 USD. Nếu không hoàn thành mức khoán sẽ không được trả công mà còn bị đánh đập. Nếu đưa vượt mức khoán sẽ được trả thêm từ 400 – 500 USD/người (khoảng 10 triệu đồng).
Vy Văn Doóng. |
Từ nước ngoài, Cường đã liên hệ với Vy Văn Doóng (SN 1979) ở thôn Việt Ngoài, xã Tân Hoa (Lục Ngạn) và nói cho Doóng biết mình làm trong một công ty tại Thái Lan. Công việc rất đơn giản, chỉ ngồi trong phòng, làm việc trên máy tính, tìm kiếm và tư vấn cho khách mua hàng tại trang mua bán Shopee, chăm sóc khách hàng. “Nắng không đến mặt, mưa chẳng đến đầu”, công việc nhàn hạ, ổn định, lương lại cao (từ 20 – 30 triệu đồng/tháng). Công ty lại đang cần người, làm 6 tháng thì được về Việt Nam, nếu ai muốn làm tiếp thì ở lại.
Chi phí sang bên này Cường sẽ lo hết, ai sang chỉ phải chuẩn bị hộ chiếu là xong. Cường còn đặt vấn đề với Doóng tìm thêm người đưa sang Thái Lan làm công việc như trên. Mỗi người sang đến nơi, Cường sẽ trả công từ 400 – 500 USD. Thấy hấp dẫn, Doóng đồng ý và tìm được 7 người trong đó có 4 người ở các xã: Phú Nhuận, Tân Hoa, Tân Quang, Đồng Cốc (Lục Ngạn), 2 người ở tỉnh Lạng Sơn và 1 người ở tỉnh Tuyên Quang.
Diệp Văn Minh. |
Trong quá trình tư vấn cho các trường hợp trên sang Thái Lan lao động, Doóng liên hệ qua zalo để Cường tiếp tục rủ rê, lôi kéo, các lao động sang làm việc. Sau khi thống nhất số lượng người, Cường yêu cầu chuẩn bị hộ chiếu, đồng thời thông tin để chủ người Trung Quốc đặt vé máy bay cho các lao động từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) sang Băng Cốc. Doóng hướng dẫn các lao động liên lạc với Cường để được bố trí ô tô đưa đón, sắp xếp chỗ ở khi sang đến nơi.
Cũng với thủ đoạn tương tự, trong một vụ án khác, ngày 18/10, Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố đối tượng Diệp Văn Minh (SN 1989) trú tại thôn Hai Cũ, xã Quý Sơn (Lục Ngạn). Minh bị 3 công dân tố giác về hành vi lừa đảo khi dụ dỗ, lôi kéo, đưa họ sang Thái Lan để lao động với “bánh vẽ” công việc nhẹ nhàng, hưởng mức lương cao.
Dính bẫy nơi xứ người
Sang Thái Lan, các lao động được đưa đến một khu vực giáp biên giới với Myanmar. Mỗi lao động được cấp một danh sách khách hàng phân công làm từng công đoạn để thực hiện cho mục đích lừa đảo. Người thì kết nối, gọi điện, tư vấn cho khách mua hàng tại trang mua bán Shopee, người thì khơi gợi khách hàng đánh giá món ăn…
Mục đích của công đoạn này là lấy được số zalo của khách sau đó chuyển sang bộ phận khác. Bộ phận này gửi đường link (mã độc) vào zalo, mời gọi khách mua “đồ đẹp, giá rẻ”, đề nghị chuyển tiền trước sau đó chiếm đoạt. Ngoài ra sau khi có số điện thoại thậm chí chiếm được zalo, chúng tiếp tục mời gọi đầu tư tiền ảo và vô số thủ đoạn lừa đảo khác.
Đáng chú ý là chúng bắt ký kết hợp đồng (1 năm) với những quy định bất lợi cho người lao động. Đề phòng người lao động bỏ trốn, chúng giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân, không cho ra ngoài, làm việc liên tục 12 tiếng một ngày. Trong quá trình làm, chúng ép sử dụng thiết bị của công ty nói chuyện điện thoại với người Việt Nam ở trong nước để làm việc “thất đức” là lôi kéo, rủ rê vào trò lừa đảo.
Nếu không hoàn thành chỉ tiêu chúng sẽ bắt đứng cả ngày làm việc; nhốt, đánh đập, không cho ăn uống thậm chí chích điện vào cơ thể. Không thể chịu được, khi các lao động đòi trở về Việt Nam thì chúng đưa ra lý do làm chưa đủ thời gian nên muốn về phải nộp phạt vi phạm hợp đồng từ 100 – 200 triệu đồng mỗi người. Cực chẳng đã, các lao động phải liên hệ với gia đình để gửi tiền. Sau đó còn phải chi thêm hàng chục triệu đồng để thuê người đưa từ Myanmar về Thái Lan rồi từ Thái Lan sang Lào hoặc Campuchia để về Việt Nam.
Nhiều rủi ro, không được bảo hộ
Tại cơ quan công an, Cường khai, với việc tổ chức đưa 10 người sang, Cường được công ty trả 30 triệu đồng và 50 triệu đồng tiền lương. Doóng được trả 58 triệu đồng tiền công giúp Cường tìm người, tổ chức đưa sang Thái Lan.
Trung tá Hán Văn Mạnh, Phó Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh cho biết: “Cường mua vé máy bay cho các lao động sang Băng Cốc theo hình thức du lịch chính là thủ đoạn để tổ chức cho người lao động xuất, nhập cảnh theo đường hàng không sang lao động bất hợp pháp, không được Nhà nước Việt Nam đồng ý. Hành vi của Cường và Doóng cấu thành tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” theo khoản 2 Điều 349 Bộ luật Hình sự. Còn một số đối tượng liên quan, cơ quan công an đang điều tra”.
Không bao giờ có chuyện làm việc nhẹ mà lại có lương cao, đây là “cái bẫy” mà các đối tượng giăng ra để lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin đang cần việc làm. Hệ lụy là tiền lương đâu không thấy, chỉ thấy làm việc vất vả, bị đánh đập, thậm chí phải bỏ mạng nơi xứ người. Nhiều gia đình để có tiền chuộc con về phải bán hết ruộng vườn, nhà cửa, vay mượn khắp nơi.
Qua tìm hiểu cho thấy không ít người dân nhất là ở vùng cao hiểu biết hạn chế, nghĩ lao động trái phép là đi chui lủi theo đường mòn, lối mở, chứ đi máy bay hay ô tô công khai thì chắc là hợp pháp nên tin tưởng nghe theo. Hiện nay, giữa 3 nước Việt Nam, Thái Lan và Myanma chưa ký kết hợp tác về lao động. Người dân đi nước ngoài theo hình thức du lịch mà ở lại đó lao động là bất hợp pháp sẽ gặp rất nhiều rủi ro, không được bảo hộ.
Thu Phong
Ngăn chặn tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động trái phép
BẮC GIANG – Trước tình trạng một số tổ chức, cá nhân quảng cáo, tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước, xuất khẩu lao động (XKLĐ) không đúng sự thật để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Khuyến cáo về các chiêu lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài
Gần đây, với việc một số thị trường lao động nước ngoài mở cửa có tuyển lao động Việt Nam nên đã xuất hiện tình trạng, nhiều người lao động mong muốn đi làm việc ở nước ngoài bị rơi vào “bẫy” lừa đảo. Để ngăn ngừa tình trạng trên, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã khuyến cáo người lao động nên tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi quyết định đi làm việc ở ngoài.
tin tức bắc giang, bắc giang, khởi tố vụ án hình sự, thủ đoạn lừa đảo, Cả tin, sang nước ngoài, lao động trái phép, Tiền mất, tật mang, An ninh điều tra, Công an tỉnh bắc giang