Ông Nguyễn Anh Dũng, anh ruột chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn, được tòa phúc thẩm giảm từ 36 xuống 20 tháng tù trong vụ thông thầu tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh.
Phán quyết được TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên ngày 26/2 với ông Dũng về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Trong vụ án, ông Dũng bị cáo buộc đứng tên làm Tổng giám đốc Công ty Phúc Hưng, giúp em gái, Nguyễn Thị Thanh Nhàn ký các hồ sơ giấy tờ làm “quân xanh”.
Ông Nguyễn Anh Dũng trong phiên phúc thẩm ngày 26/2. |
Qua hành vi thông thầu, ông Dũng bị cáo buộc giúp Công ty AIC trúng 5 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 24 tỷ đồng.
Cùng tội danh, 3 người kháng cáo khác cũng được tòa chấp nhận giảm từ 6 tháng đến 2 năm tù do có các tình tiết giảm nhẹ mới về nhân thân, bồi thường thiệt hại. Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương (cựu trưởng bộ phận Thư ký tài chính Công ty AIC) được giảm từ 6 năm tù xuống 4 năm; Tạ Hải Anh (cựu trưởng Ban xuất khẩu lao động Công ty AIC) và Cao Việt Bách (cựu tổng giám đốc Công ty BVA) cùng được giảm từ 18 tháng tù xuống 12 tháng.
12 người còn lại không kháng cáo, trong đó có bà Nhàn. Đây là vụ án thứ 3 trong số 5 vụ án bà Nhàn bị truy tố, xử lý hình sự nhưng hiện vẫn trốn truy nã.
Tròn 4 tháng trước, trong bản án sơ thẩm, TAND tỉnh Quảng Ninh đánh giá vụ án vi phạm đấu thầu xảy ra ở Bệnh viện Sản – Nhi Quảng Ninh “được thực hiện bằng thủ đoạn tinh vi với sự phân công từng khâu, từng công đoạn”. Có những công ty lập ra chỉ để làm “quân xanh” cho AIC, phục vụ bà Nhàn rút ruột ngân sách.
Theo bản án, bà Nhàn chỉ đạo ông Phương điều hành 4 công ty trong hệ sinh thái của AIC và công ty đối tác để làm “quân xanh” tham dự 6 gói thầu của dự án mua sắm thiết bị tại Bệnh viện Sản – Nhi Quảng Ninh. Dưới sự sắp xếp của bà Nhàn, AIC đã trúng 4 gói thầu với tổng trị giá hơn 206 tỷ đồng, được thanh toán hơn 197 tỷ; Mopha trúng hai gói thầu hơn 25,5 tỷ đồng, được thanh toán hơn 25,1 tỷ.
Để tính toán giá chênh lệch và cơ sở xác định giá thầu, bà Nhàn giao Trương Thị Xuân Loan, Trưởng Ban quản lý dự án 3 của AIC, liên hệ với ông Nguyễn Đức Quang (đã chết) khi đó là Phó phòng tài chính Kế hoạch Ban quản lý dự án các công trình y tế, Sở Y tế Quảng Ninh, lấy danh sách thiết bị cần mua sắm (đã có tiêu chí về model, xuất xứ) sau đó liên hệ với các hãng sản xuất, đơn vị cung cấp thu thập cấu hình, thông số kỹ thuật, đơn giá.
Ông Quang sau đó chỉ đạo cấp dưới gửi danh mục và đơn giá trang thiết bị cho Công ty TNHH thẩm định giá Cimeco để ban hành chứng thư thẩm định giá đúng với giá đã ấn định. Đây được xem là nguồn gốc dẫn đến thiệt hại cho nhà nước.
Hành vi nâng khống giá thiết bị của AIC còn được tiếp tay bởi sự thiếu trách nhiệm của các bị cáo Lương Văn Tám, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình y tế và Lê Thị Phú, Phó trưởng phòng Quản lý giá, Sở Tài chính Quảng Ninh.
Hai người này bị cáo buộc chưa thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ được giao, tin tưởng cấp dưới nên không kiểm tra, không yêu cầu cung cấp tài liệu thẩm định giá theo đúng quy định, từ đó xác định sai giá trị tài sản mua sắm.
Hội đồng thẩm định tài sản trong tố tụng của tỉnh Quảng Ninh đã kết luận, giá trang thiết bị 6 gói thầu tại thời điểm mở thầu so với giá trị đã quyết toán là chênh lệch hơn 50 tỷ đồng.
Bắt tạm giam nhiều bị can trong vụ án tại Sở Y tế Bắc Ninh, Công ty AIC
Thông tin từ Bộ Công an ngày 22/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị liên quan.
Theo VnExpress
Hà Nội,AIC,thông thầu,Nguyễn Thị Thanh Nhàn,vi phạm quy định đấu thầu,gian lận đấu thầu