BẮC GIANG – Sáng 26/9, tại Trường Chính trị tỉnh, Tỉnh ủy Bắc Giang phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (lớp thứ hai).
Các đại biểu dự lễ khai giảng. |
Dự buổi lễ, về phía Học viện có PGS.TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Về phía tỉnh Bắc Giang có đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo lớp bồi dưỡng.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy: Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Tống Ngọc Bắc, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Hương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh; Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy.
Phát biểu khai giảng, PGS.TS Hoàng Phúc Lâm khẳng định: Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng, thông qua đó xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn, thích ứng với yêu cầu trên từng vị trí công tác.
Lớp bồi dưỡng nhằm trang bị, cập nhật, cung cấp một cách có hệ thống những vấn đề mới về tình hình trong nước và quốc tế; những chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực và các vấn đề thực tiễn của tỉnh Bắc Giang đang đặt ra…
PGS.TS Hoàng Phúc Lâm phát biểu tại lớp bồi dưỡng. |
Do vậy, đòi hỏi mỗi học viên cần thể hiện tốt tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, tăng cường trao đổi, thảo luận trong suốt quá trình học tập. Thông qua đó tiếp tục trau dồi kiến thức, kỹ năng, nâng cao tầm nhìn, khả năng tư duy, phân tích, dự báo tình hình; hoàn thiện kỹ năng lãnh đạo, quản lý, khả năng xử lý tình huống thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Được biết, lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thứ hai có 159 học viên, là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Theo kế hoạch, lớp diễn ra từ ngày 26 đến hết ngày 30/9.
Tại đây, các học viên được học tập, nghiên cứu 9 chuyên đề: Vấn đề Biển Đông – những đối sách của Việt Nam trong giải quyết vấn đề Biển Đông; Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng; Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng tiêu cực; Kinh nghiệm xử lý tình huống chính trị trong lãnh đạo, quản lý ở địa phương cơ sở; Năng lực giao việc và phân quyền của người lãnh đạo, quản lý trong tổ chức công và quản lý nhân sự hành chính nhà nước; Quản trị địa phương trong bối cảnh chuyển đổi số; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay; Quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, liên kết vùng giữa Bắc Giang với các tỉnh, TP khác; Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Trong quá trình học tập, các học viên được yêu cầu tăng cường trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm, kết quả tại đơn vị, địa phương và các vấn đề phát sinh trong thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý…
Phát biểu chỉ đạo lớp bồi dưỡng, đồng chí Lê Thị Thu Hồng nhấn mạnh: Trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế đòi hỏi đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị phải hội đủ các điều kiện về văn hóa, chuyên môn, lý luận chính trị; những yếu tố ấy thống nhất, tác động lẫn nhau tạo nên phẩm chất và năng lực của người cán bộ cách mạng.
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng phát biểu chỉ đạo. |
Thực tế trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thời gian qua đã chứng minh, một trong những tiền đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công ở các ngành, địa phương là chất lượng nguồn nhân lực, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu.
Sau Đại hội XIII của Đảng, nhiều chủ trương, nhiệm vụ đã được Đảng ta thể chế hóa, tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, do vậy việc bổ sung, cập nhật kiến thức để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, tư duy lãnh đạo, quản lý, điều hành và khả năng hoạch định chính sách phát triển KT-XH, năng lực tổ chức đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống là hết sức cần thiết.
Từ kinh nghiệm tổ chức lớp thứ nhất, đồng chí đề nghị, để lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thứ hai đạt kết quả tốt, Ban Chỉ đạo lớp học phải thường xuyên quản lý, chỉ đạo, điều hành, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chương trình, tài liệu và các điều kiện khác nhằm tổ chức lớp theo đúng kế hoạch, tiến độ, quy chế, quy định đề ra. Làm đầu mối thường xuyên nắm bắt tình hình, báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy về những vấn đề liên quan đến học tập, rèn luyện và các vấn đề phát sinh.
Đối với các học viên, thời gian tham gia lớp học không dài, do vậy phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình, học tập nghiêm túc, lắng nghe đầy đủ với tinh thần khiêm tốn, cầu thị. Chủ động tự nghiên cứu tài liệu, dành thời gian trên lớp để trao đổi, biến quá trình học thành quá trình tự học, tự nghiên cứu.
Trong quá trình học tập cần lưu ý gắn lý luận với thực tiễn, gắn tài liệu, sách vở với thực tế công tác. Đây cũng là dịp thuận lợi để các đồng chí cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, bổ sung cho nhau và giúp nhau cùng tiến bộ.
Tin, ảnh: Quốc Trường
Bắc Giang, Lê Thị Thu Hồng, cập nhật kiến thức, cán bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý