Bộ Giáo dục và Đào tạo kết nối hồ sơ sinh viên với bảo hiểm xã hội, qua đó xác định việc làm cụ thể của họ sau khi ra trường.
Sinh viên tham gia ngày hội việc làm tại Học viện Ngân hàng hồi tháng 5. |
Hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục đại học (HEMIS) được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng năm 2023 nhằm thu thập, tổng hợp dữ liệu, phục vụ công tác quản lý về giáo dục đại học. Từ tháng 6 đến nay, Bộ đã thu thập, số hóa dữ liệu của 442 cơ sở đào tạo đại học và sau đại học, hơn 152.000 giảng viên và hơn 2,1 triệu người học.
HEMIS tập hợp nhiều nội dung như thông tin về trường, danh mục ngành, chương trình đào tạo, đội ngũ cán bộ, giảng viên, người học, cơ sở vật chất, tài chính… Riêng về dữ liệu người học, hệ thống gồm hồ sơ lý lịch, quá trình học tập, kết quả học tập và rèn luyện, văn bằng, việc làm khi ra trường.
TS Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết từ 23/6, hệ thống đã kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và có những thử nghiệm bước đầu trong việc xác định việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Đến ngày 30/7, các trường đã nhập dữ liệu của hơn 237.000 trong khoảng 500.000 sinh viên tốt nghiệp năm 2022 lên hệ thống. Trong số này, hệ thống đồng bộ được dữ liệu của 146.000 người.
Kết quả cho thấy có hơn 97.000 hồ sơ khớp thông tin định danh và đã có mã số bảo hiểm xã hội. Số này được xem là đã có việc làm ổn định. Trong đó, trên 29.300 hồ sơ có thông tin về loại hình, lĩnh vực ngành nghề; 95.300 hồ sơ có thông tin liên quan đến chức danh, vị trí việc làm.
Theo ông Hải, hiện các đại học chưa điền đầy đủ dữ liệu. Khi các trường hoàn tất việc này, con số thống kê sẽ sát hơn, giúp các trường nắm bắt được thông tin về việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp có tương đương như khảo sát hay phù hợp với văn bằng được đào tạo hay không.
Ông Hải cho rằng đây là công cụ quan trọng để các nhà trường phân tích, đánh giá hiệu quả đào tạo, từ đó có thể điều chỉnh quy mô, các chuyên ngành, chương trình đào tạo…
“Đây mới là những thông tin bước đầu thử nghiệm, số liệu cũng chưa hoàn toàn bao phủ tất cả sinh viên đã tốt nghiệp song bức tranh việc làm sau đây sẽ dần rõ nét”, ông Hải nói.
Kể từ năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường đại học phải công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp trên website và đưa vào đề án tuyển sinh hàng năm.
Theo báo cáo tình hình việc làm của sinh viên giai đoạn 2018-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp luôn trên 90%. Ở nhiều ngành, tỷ lệ này lên tới 100% như Kế toán, Hệ thống thông tin quản lý, Thương mại điện tử của Đại học Thương mại; Thiết kế nội thất, Kiến trúc cảnh quan, Kỹ thuật cấp thoát nước, Công nghệ thông tin của Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh.
Tỷ lệ do các trường công bố quá cao khiến nhiều người nghi ngờ, cho rằng không chính xác. Thí sinh, phụ huynh cũng gặp khó khăn trong định hướng nghề nghiệp.
Theo các trường, việc thu thập số liệu việc làm hiện chủ yếu dựa trên thông tin sinh viên cung cấp, không có công cụ kiểm chứng.
Trao 370 suất học bổng tại chương trình “Vì em hiếu học”
BẮC GIANG – Ngày 7/10, tại hội trường UBND huyện Sơn Động, Hội Khuyến học tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội chi nhánh Bắc Giang (Viettel Bắc Giang) phối hợp tổ chức chương trình “Vì em hiếu học” năm 2023.
Theo VnExpress