Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 gồm hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn cùng hai môn tự chọn, theo kiến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023, tại Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1. |
Nội dung trên được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong báo cáo dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà hôm 6/11.
Bộ này cho biết đã lấy ý kiến rộng rãi về ba phương án thi. Trong đó, phương án 1 là thí sinh thi hai môn bắt buộc Ngữ văn, Toán và hai môn tự chọn (trong các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Phương án 2 gồm ba môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và hai môn tự chọn. Phương án 3 là thi bốn môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và hai môn tự chọn.
Kết quả, đa số lựa chọn phương án hai hoặc ba môn bắt buộc. Cụ thể, khi khảo sát gần 130.700 cán bộ, giáo viên cả nước về phương án 2 và 3, gần 74% chọn phương án 2 – thi ba môn bắt buộc. Sau đó, Bộ khảo sát thêm gần 18.000 cán bộ, giáo viên ở TP Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang với cả ba phương án thì 60% chọn phương án 1 (thi hai môn bắt buộc).
Ngoài ra, Bộ lấy ý kiến 10 chuyên gia tại cuộc họp do Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực phối hợp với Cục Quản lý chất lượng hôm 5/10. Kết quả, 6 chuyên gia chọn phương án thi hai môn bắt buộc.
Dựa trên kết quả này cùng các ý kiến góp ý, cũng như dựa theo những nguyên tắc cốt lõi trong quá trình xây dựng phương án thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm hai môn bắt buộc và hai môn lựa chọn.
Lý do mà Bộ đưa ra là giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho gia đình các em và cả xã hội bởi so với kỳ thi hiện tại, số môn thi giảm hai, số buổi thi giảm một.
Phương án này cũng không gây mất cân bằng giữa khối khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên. Trong khi đó, tỷ lệ thí sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội của ba năm gần đây luôn khoảng 64-68%.
Bên cạnh đó, Bộ cho rằng với 9 môn học lựa chọn, học sinh đã được kiểm tra, đánh giá toàn diện, thể hiện điểm số trong học bạ. Việc lựa chọn hai trong số 9 môn tạo điều kiện để thí sinh lựa chọn môn thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp, năng lực và sở thích của bản thân. Các em có thể tiếp tục học lên đại học, học nghề hay tham gia vào thị trường lao động ngay.
Trước đó, nhiều chuyên gia, giáo viên cũng lên tiếng ủng hộ phương án thi hai hoặc ba môn bắt buộc, cùng hai môn tự chọn. Theo GS Đỗ Đức Thái, tổng chủ biên môn Toán của chương trình giáo dục phổ thông 2018, hầu hết kỳ thi hoặc xét tốt nghiệp THPT trên thế giới đều theo hướng gọn nhẹ, nên thi 2-3 môn bắt buộc là phù hợp. Tuy nhiên, không ít người lo ngại nếu chỉ thi hai môn bắt buộc, học sinh sẽ bỏ bê môn Ngoại ngữ – môn học quan trọng trong thời buổi hội nhập.
Về nội dung thi tốt nghiệp THPT 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm, tương tự như hiện nay.
Bộ cũng dự kiến giữ ổn định thi tốt nghiệp THPT trên giấy trong giai đoạn 2025-2030, song song với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; sau năm 2030 từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện.
2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp. Hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với 6 môn thi, gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).
Theo VnExpress