Bộ Công an cho rằng quy định “dao có tính sát thương cao” là vũ khí thô sơ nhằm ngăn chặn từ giai đoạn chuẩn bị phạm tội, ngoại trừ dao sử dụng trong lao động, sản xuất, sinh hoạt.
Bộ Tư pháp đang thẩm định Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Một trong những điểm mới của dự thảo là đề xuất bổ sung “dao có tính sát thương cao” vào nhóm vũ khí thô sơ.
Đối tượng Huỳnh Minh Trí ở tỉnh Long An bị bắt vì hành vi đâm chủ quán nước trọng thương. Ảnh minh họa |
Bộ Công an định nghĩa dao có tính sát thương cao là dao sắc, nhọn, sắc nhọn, có chiều dài lưỡi từ 20 cm trở lên, dưới 20 cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao
Trong 5 năm qua, công an đã phát hiện, bắt trên 16.000 vụ, 26.000 người sử dụng các loại dao và công cụ, phương tiện tương tự dao để gây án. Hành vi của họ chủ yếu là giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng.
Bộ Công an nhận định tội phạm sử dụng các loại dao gây án chiếm tỷ lệ rất cao, trong đó nhiều vụ là các băng, nhóm đối tượng có tổ chức gây án với tính chất manh động, dã man. “Cần thiết phải quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ để kịp thời ngăn chặn hành vi nguy hiểm ngay từ giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc định hướng hành vi”, tờ trình dự thảo nêu.
Dự thảo cũng đề xuất các loại dao có tính sát thương cao không được coi là vũ khí khi người dân sở hữu để sử dụng trong lao động, sản xuất, sinh hoạt. Bộ Công an cho rằng quy định như trên giúp điều chỉnh được hành vi của người sử dụng dao và là căn cứ để xử lý vi phạm.
Để quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh dao có tính sát thương cao mà không phát sinh thủ tục hành chính, dự thảo đề xuất cơ sở sản xuất, kinh doanh khai báo số lượng, chủng loại dao với công an cấp xã; không áp dụng theo kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
Tại văn bản góp ý nội dung này, Ủy ban Dân tộc cho rằng đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa thường rèn thủ công các loại dao nhọn và sắc, dài từ 20 cm trở lên để phục vụ lao động, sản xuất. Chiếu theo dự thảo, các loại này là dao có sát thương cao, là vũ khí thô sơ. Nếu người sử dụng phải khai báo có thể dẫn đến nhiều bất cập trong thực tế. Do đó, Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ lưỡng nội dung này.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng theo định nghĩa của dự thảo, hiện nhiều loại dao dùng trong sinh hoạt gia đình, lao động sản xuất cũng có thể là vũ khí thô sơ. Bộ đề nghị Bộ Công an nghiên cứu đánh giá tác động kỹ, bảo đảm tính khả thi, phân biệt rõ dao được coi là vũ khí với dao sử dụng cho lao động, sản xuất, sinh hoạt. Việc này sẽ giúp “tránh gây khó khăn” cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 20/6/2017, tại Kỳ họp thứ 3 và được sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 25/11/2019 tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14. Theo quy định hiện hành, vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.
Diện được trang bị vũ khí thô sơ bao gồm: quân đội nhân dân; dân quân tự vệ; cảnh sát biển; công an nhân dân; cơ yếu; kiểm lâm, kiểm ngư; an ninh hàng không; hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của hải quan; câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động; trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh.
Bộ Công an họp báo: Tiếp tục điều tra giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát
Tại họp báo về tình hình, kết quả công tác công an năm 2023 chiều 27/12, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (C03), Bộ Công an, thông tin về quá trình điều tra giai đoạn 2, trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan.
Theo Vnexpress
Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Tô Lâm, quản lý dao nhọn