Bộ Công an đề xuất mẫu thẻ căn cước mới sẽ không còn mục quê quán, nơi đăng ký khai sinh, vân tay, đặc điểm nhận dạng…
Dự thảo thông tư quy định về mẫu thẻ Căn cước, mẫu giấy Chứng nhận căn cước đang được lấy ý kiến đóng góp trong hai tháng, từ 7/2. Nếu thông tư được thông qua, thẻ căn cước mới sẽ được triển khai cấp từ 1/7, đúng với thời điểm Luật căn cước công dân (sửa đổi) có hiệu lực.
Mẫu thẻ căn cước mới đề xuất (bên trên) và thẻ căn cước hiện tại. Ảnh: P.D |
Theo dự thảo, Bộ Công an đề xuất 6 thay đổi về các trường thông tin trên bề mặt trước và sau của thẻ căn cước công dân gắn chip. Trong đó, tên gọi của thẻ sẽ là “Căn cước” thay cho dòng chữ “Căn cước công dân” đang được sử dụng.
Mục “quê quán” đổi thành “nơi đăng ký khai sinh”, “nơi thường trú” đổi thành “nơi cư trú”. Hai thông tin này cùng với mã QR Code đang ở mặt trước của thẻ song Bộ Công an đề xuất chuyển sang mặt sau.
Tại mặt sau của thẻ, dự thảo đề xuất đổi chữ ký của cơ quan cấp từ “Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, xã hội” thành “Bộ Công an”. Đặc điểm nhận dạng, hai vân tay của ngón trỏ trái và phải cũng được đề xuất bỏ.
Các thông tin khác như dòng MRZ, chip điện tử ở mặt sau và màu sắc, kích thước, chất liệu khác của thẻ sẽ giữ nguyên. Mặt trước in bản đồ hành chính Việt Nam, trống đồng, các hoa văn họa tiết truyền thống trang trí. Mặt sau in các hoa văn được kết hợp với hình ảnh hoa sen và các đường cong vắt chéo đan xen.
Hiện, Bộ Công an chỉ cấp một thẻ căn cước công dân duy nhất cho người từ 14 tuổi. Nhưng dự thảo đề xuất cấp hai loại là thẻ cho công dân 0-6 tuổi và thẻ cho người 6 tuổi trở lên.
Hai thẻ căn cước có nội dung, hình thức, thông tin, màu sắc như nhau. Tuy nhiên, thẻ cho người 0-6 tuổi sẽ không in ảnh công dân.
Từ năm 2016, Bộ Công an bắt đầu cấp thẻ căn cước công dân có mã vạch in trên thẻ nhựa cứng, song song với việc cấp chứng minh thư nhân dân 9 và 12 số. Sau nhiều năm liên tục cải tiến, từ tháng 1/1/2021, thẻ căn cước công dân gắn chip được cấp trên toàn quốc cho người từ 14 tuổi.
Tính đến cuối năm 2023, Bộ Công an đã hoàn thành cấp hơn 87 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip cho những người đủ điều kiện. Khi thẻ gắn chip đã ổn định, Bộ Công an tiếp tục hướng đến mục tiêu xa hơn, thể hiện tại các đề xuất thay đổi về thẻ căn cước và các trường thông tin trong đó.
Đại diện C06 Bộ Công an từng giải thích, việc thay đổi thông tin trên bề mặt thẻ nhằm phù hợp với quốc tế và tăng tính bảo mật thông tin cá nhân; hạn chế phải cấp đổi nhiều lần. “Thẻ căn cước” sẽ chỉ thực hiện khi công dân đi làm lại thẻ ở các mốc tuổi theo quy định (14, 25, 40 và 60 tuổi). Bởi thế, người dân đã được cấp thẻ căn cước gắn chip “vẫn sử dụng bình thường, không cần phải làm lại”.
Lần đầu cấp giấy chứng nhận căn cước
Khoản 5 Điều 30 Luật Căn cước (có hiệu lực từ 1/7) lần đầu tiên đề cập về giấy chứng nhận căn cước. Theo đó, giấy được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.
Giấy có giá trị chứng minh về căn cước với người gốc Việt Nam, để thực hiện các giao dịch trên nước mình.
Theo dự thảo thông tư, giấy chứng nhận căn cước in bằng giấy, có hình chữ nhật, kích thước 125 x 170 mm. Nền mặt trước giấy in bản đồ hành chính Việt Nam màu đỏ cùng với trống đồng, các hoa văn họa tiết truyền thống trang trí in màu xanh. Quốc huy được in màu trực tiếp trên giấy.
Bề mặt giấy còn thể hiện các thông tin như số định danh cá nhân, họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, tình trạng hôn nhân, nơi ở hiện tại… Người ký là Giám đốc Công an.
Theo Vnexpress
Bộ Công an, 6 thay đổi trên thẻ căn cước mới, thẻ căn cước mới