Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương, tuyển dụng, đãi ngộ, thu hút, bảo đảm điều kiện cần thiết để giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ.
Ảnh minh họa. |
Chỉ thị ban hành ngày 5/1 của Bộ Chính trị cũng đồng thời yêu cầu các đơn vị có chính sách ưu đãi giáo viên vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, cơ sở giáo dục chuyên biệt.
Hiện lương giáo viên dao động 3,8-12,2 triệu đồng một tháng, tùy hạng bậc. Ngoài lương, mỗi giáo viên tùy vị trí, nơi công tác, có thể nhận được một hoặc một số khoản phụ cấp sau: phụ cấp thâm niên (5% sau 5 năm công tác, mỗi năm cộng thêm 1%), ưu đãi nghề (25-50%), phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp đặc thù.
Dù vậy, nhìn chung thu nhập của giáo viên vẫn còn thấp. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhiều lần kiến nghị cấp bách tăng lương cho giáo viên để cải thiện đời sống và giảm tình trạng thôi việc.
Ngoài ra, theo Chỉ thị, các cơ quan đổi mới toàn diện chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp. Đội ngũ giáo viên sẽ được chuẩn hóa, tiếp cận dần chuẩn của các nước tiên tiến.
Một số đại học sư phạm trọng điểm được tập trung đầu tư và hình thành một số trường sư phạm vệ tinh, làm nòng cốt đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chất lượng cao.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu hoàn thiện hệ thống chính sách, nâng cao việc phổ cập giáo dục và phân luồng học sinh sau trung học. Các chương trình giáo dục cần chuyển đổi thuận lợi, hướng tới liên thông giữa các trình độ đào tạo giáo dục nghề nghiệp và cấp học cao hơn.
Trẻ từ 3-5 tuổi được ưu tiên phổ cập giáo dục mầm non, mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất cũng được bảo đảm.
Cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước được tạo điều kiện xây dựng trường lớp, nhất là tại khu công nghiệp, khu chế xuất, đô thị, vùng sâu, vùng xa.
Chỉ thị của Bộ Chính trị được ban hành trong bối cảnh toàn quốc hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; chất lượng giáo dục tiểu học, trung học, hướng nghiệp được nâng cao.
Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ được tiếp cận giáo dục mầm non còn thấp, chênh lệch giáo dục vùng miền còn lớn, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở chưa đạt yêu cầu. Tình trạng thiếu giáo viên có xu hướng tăng, nhất là khối mầm non, dạy môn mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo VnExpress