BẮC GIANG – Kể từ khi dân ca quan họ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2009), tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Giờ đây, mỗi khi đến Bắc Giang, du khách trong nước, quốc tế không chỉ ngỡ ngàng trước những danh lam, thắng cảnh đẹp mà còn đắm mình trong những lời ca quan họ mượt mà, say đắm.
Say trong câu hát
Thị xã Việt Yên là “cái nôi” của văn hóa Kinh Bắc với 18 làng quan họ được đưa vào danh sách bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, 50 câu lạc bộ (CLB) quan họ do UBND cấp xã ra quyết định thành lập, 120 CLB quan họ thực hành. Đây cũng là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch văn hóa – tâm linh gắn với du lịch làng nghề của tỉnh.
Hát quan họ trên thuyền tại lễ hội đình Vĩnh Ninh, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang). |
Từ nhiều năm nay, trên địa bàn thị xã, hầu hết các CLB quan họ được thành lập đều duy trì hoạt động thường xuyên. Đa số các thành viên CLB sinh hoạt đều đặn từ 1-3 buổi/tuần ở nhà văn hóa thôn, tổ dân phố hoặc tại gia đình chủ nhiệm CLB. Nhiều CLB có tới ba thế hệ trong một gia đình cùng tham gia sinh hoạt.
CLB Quan họ Nội Ninh, phường Ninh Sơn hiện có 40 thành viên, phần lớn là những người làm ruộng, buôn bán nhỏ. Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Đàm Thị Bùi, Chủ nhiệm CLB chia sẻ, nhiều người ban đầu sinh hoạt chưa biết lấy hơi, luyến láy, được bà kèm cặp, hỗ trợ đã tiến bộ nhiều. Người ít cũng có thể hát được 50 bài, người nhiều từ 120 – 150 bài. Riêng bà Bùi thuộc và hát gần 200 bài quan họ lời cổ.
Được biết, ngoài sinh hoạt tại các CLB, hằng năm, thị xã Việt Yên duy trì tổ chức Liên hoan hát quan họ tại lễ hội chùa Bổ Đà thu hút hàng chục làng quan họ với hàng trăm người tham gia. Hiện, hầu hết các trường tiểu học, THCS và ở các xã, phường, thôn, tổ dân phố đều có CLB văn nghệ, chủ yếu là hát quan họ.
Kể từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2009), những năm qua, tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị dân ca quan họ với việc ban hành, thực hiện nhiều đề án, kế hoạch, đề tài nghiên cứu…
Toàn tỉnh có gần 80 CLB quan họ (có quyết định thành lập), hoạt động ở 10 huyện, thị xã, TP (tập trung nhiều ở thị xã Việt Yên). Tại các địa phương bờ Bắc sông Cầu, hát quan họ đã trở thành nét đẹp không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng. |
Trong đó có 2 Đề án về Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh giai đoạn 2010-2020 và giai đoạn 2021-2030 do UBND tỉnh ban hành. Hiện nay, dân ca quan họ được thực hành thường xuyên tại hầu hết các địa phương trong tỉnh. Toàn tỉnh có gần 80 CLB quan họ (có quyết định thành lập), hoạt động ở 10 huyện, thị xã, TP (tập trung nhiều ở thị xã Việt Yên). Tại các địa phương bờ Bắc sông Cầu, hát quan họ đã trở thành nét đẹp không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng.
Hoạt động tuyên truyền, quảng bá bước đầu đã lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Các hội thi, hội diễn được duy trì, ngày càng mở rộng quy mô. Công tác truyền dạy quan họ tại các CLB, trường học bước đầu đạt được kết quả tích cực, khơi dậy niềm đam mê cho thế hệ trẻ. Ông Trần Mai Phong, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang cho biết: Mỗi năm, nhà trường phối hợp mở 3 lớp bồi dưỡng học hát quan họ cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh (mỗi lớp khoảng 80 em), các em cảm thấy hào hứng khi được truyền dạy loại hình dân ca đặc sắc này.
Đưa di sản thành sản phẩm du lịch
Có thể thấy, dân ca quan họ ở Bắc Giang ngày càng khẳng định “thương hiệu”. Không chỉ ở các liên hoan, hội diễn, hội thi, giờ đây, quan họ xuất hiện ở nhiều khu, điểm du lịch, như: Chùa Bổ Đà (thị xã Việt Yên), Địa điểm chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang), bản Ven (Yên Thế)… thông qua hình thức hát giao lưu giữa các nghệ nhân, ca sĩ, du khách, góp phần quảng bá di sản.
Du lịch văn hóa – tâm linh đang được nhiều du khách lựa chọn. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp lữ hành cho rằng, các địa phương, nhất là thị xã Việt Yên cần đưa di sản quan họ trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Đơn cử như ở làng Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên), di sản quan họ được người dân quan tâm bảo tồn, gìn giữ bao đời. Nơi đây có nhiều di tích nổi tiếng như đình, chùa Thổ Hà, cổng làng cổ, nhà cổ cùng nghề làm bánh đa nem truyền thống. Nếu địa phương biết khai thác di sản quan họ, làm cho quan họ trở thành sản phẩm du lịch sẽ thu hút rất nhiều khách trong nước, quốc tế tham quan.
Theo Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với các địa phương, đơn vị tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá. Tổ chức sinh hoạt văn hoá gắn với dân ca quan họ tại các lễ hội truyền thống, khôi phục tục kết chạ; tham gia các hoạt động giao lưu cộng đồng tại các địa phương có thực hành dân ca quan họ. Duy trì, nâng cao chất lượng Liên hoan hát quan họ tỉnh Bắc Giang và Liên hoan hát quan họ thị xã Việt Yên.
Nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các hình thức hát quan họ truyền thống và một số phong tục đặc trưng trong sinh hoạt văn hoá quan họ. Ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND thị xã Việt Yên thông tin: Du lịch văn hóa- tâm linh là một trong 4 sản phẩm du lịch chính được địa phương quan tâm đầu tư, trong đó có hoạt động bảo tồn di sản dân ca quan họ gắn phát triển du lịch. Thị xã sẽ quy hoạch, đầu tư các không gian quan họ gắn với các làng quan họ cổ; trùng tu, nâng cấp một số di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng, hình thành một số điểm du lịch.
Theo đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL, giai đoạn 2026-2030, các đơn vị, địa phương liên quan sẽ khôi phục thi hát của các làng quan họ, trong đó chú trọng các hình thức hát quan họ cổ. Mở 40 lớp truyền dạy quan họ cho các CLB tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, Nhà hát Chèo Bắc Giang; 5 lớp đào tạo hệ trung cấp chính quy nghệ thuật biểu diễn dân ca quan họ tại Trường Trung cấp VHTTDL; tổ chức giảng dạy từ 10-15 lớp dân ca quan họ tại các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn các huyện, thị xã, TP. Xây dựng 2 nhà trưng bày và biểu diễn quan họ tại xã Tiên Sơn và phường Ninh Sơn (Việt Yên)…
Mới đây, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ Nghệ nhân Nhân dân, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng đối với Nghệ nhân Nhân dân, 1,5 triệu đồng/người/tháng đối với NNƯT. Đây là chính sách thể hiện sự quan tâm của tỉnh nhằm khích lệ các nghệ nhân tiếp tục đóng góp cho việc bảo tồn di sản văn hóa, trong đó có quan họ. Với sự quan tâm của các cấp, ngành, người dân, chắc chắn di sản quan họ của tỉnh ngày càng lan tỏa, phát huy giá trị, xứng tầm di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận.
Công Doanh
Gia đình bốn thế hệ say mê quan họ
BẮC GIANG – Gia đình bà Nguyễn Thị Nạp (SN 1947) ở làng Hữu Nghi, xã Ninh Sơn (Việt Yên) có 4 thế hệ cùng say mê hát quan họ, góp phần gìn giữ, bảo tồn làn điệu dân ca đặc sắc bên bờ bắc sông Cầu.
Liền chị Đặng Thị Nhung: Nối dài tình yêu quan họ
BẮC GIANG – Không sinh ra ở làng quan họ cổ nhưng bà Đặng Thị Nhung (SN 1960), Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) quan họ thôn Chàng, xã Việt Tiến (Việt Yên) như “kho tư liệu sống” về những làn điệu dân ca này.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, Bảo tồn dân ca quan họ, nâng tầm di sản, Di sản văn hóa phi vật thể, bảo tồn, phát triển du lịch văn hóa – tâm linhphát huy giá trị di sản