Sáng 10/12, các đại biểu HĐND tỉnh dự Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX đã nghe các báo cáo của lãnh đạo một số ngành. Đồng chí Lâm Thị Hương Thành – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ tọa điều hành kỳ họp.
Tình hình tội phạm về trật tự xã hội được kiềm chế, kéo giảm
Tại kỳ họp, các đại biểu đã nghe Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Quốc Toản báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Theo đó, năm 2024, trước diễn biến phức tạp của tình hình và tác động của nhiều yếu tố đến công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, điều hành linh hoạt, hiệu quả công tác bảo đảm ANTT nói chung, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật nói riêng; các Đề án về công tác bảo đảm ANTT tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, tình hình tội phạm về trật tự xã hội được kiềm chế, kéo giảm, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Trong năm, Công an tỉnh phát hiện, điều tra làm rõ, khởi tố mới 932 vụ, 1.952 bị can; giảm 158 vụ so với cùng kỳ năm 2023. Một số loại tội phạm giảm như: Giết người, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, cướp tài sản, cướp giật tài sản, cưỡng đoạt tài sản… Nổi lên tình hình lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đáng chú ý, thủ đoạn giả danh cán bộ, lãnh đạo các cơ quan chức năng, giả danh y, bác sĩ để lừa đảo, kêu gọi đầu tư lợi nhuận cao, đối tượng cắt ghép khuôn mặt vào hình ảnh “nhạy cảm” để đòi nợ, tống tiền…
Lực lượng Công an khởi tố mới 345 vụ, 601 bị can phạm tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó phát hiện một số đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy số lượng lớn.
Cơ quan điều tra hai cấp đã phát hiện, khởi tố mới 21 vụ 64 bị can, thu hồi 2,816 tỷ đồng, chủ yếu các hành vi tham ô tài sản trong doanh nghiệp tư nhân, đưa, nhận, môi giới hối lộ; cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ ở cấp xã, xảy ra ở một số lĩnh vực liên quan quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế khởi tố 76 vụ 139 bị can (tăng 21 vụ so với cùng kỳ năm 2023) xảy ra chủ yếu là hành vi tàng trữ, vận chuyển, sản xuất, buôn bán hàng cấm (chủ yếu là pháo nổ). Tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường khởi tố 07 vụ 16 bị can (tăng 02 vụ so với cùng kỳ năm 2023), nổi lên là hành vi buôn bán, tàng trữ cá thể động vật nguy cấp, quý, hiếm…
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục được quan tâm chỉ đạo đi vào thực chất, huy động các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn dân tham gia, phối hợp hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực tiếp tục được tăng cường; tiến độ, chất lượng các chương trình, kế hoạch, đề án về bảo đảm ANTT được đảm bảo.
Tuy nhiên, công tác đấu giá, đấu thầu còn có vi phạm bị xử lý hình sự; tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có chiều hướng tăng và tiềm ẩn phức tạp, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng không gian mạng; tình trạng nhóm thanh thiếu niên tụ tập gây rối trật tự công cộng; vi phạm liên quan đến pháo; vi phạm lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản còn xảy ra để cơ quan báo chí, dư luận phản ánh; tình trạng chặt, phá rừng còn xảy ra ở một số địa phương. Tình hình vi phạm trên lĩnh vực đất đai tại một số địa phương xảy ra chưa được giải quyết dứt điểm. Công tác điều tra, xử lý một số vụ án, vụ việc còn có hạn chế; việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong cung cấp tài liệu, giám định, định giá một số vụ án, vụ việc còn chưa kịp thời.
Đồng chí nhấn mạnh năm 2025, tỉnh Bắc Giang tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, đảm bảo ổn định ANTT, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm đối với công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Nắm chắc tình hình, giải quyết đơn thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến giải phóng mặt bằng, phục vụ triển khai các dự án phát triển KT-XH trên địa bàn; bảo đảm ANTT tại các khu, cụm công nghiệp. Giải quyết hiệu quả các điểm mâu thuẫn, tranh chấp khiếu kiện, đơn thư khiếu nại, tố cáo; nhất là một số vụ mâu thuẫn, khiếu kiện kéo dài và tranh chấp đất lâm nghiệp trên địa bàn. Bảo đảm ANTT phục vụ Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và các sự kiện lớn của Đảng, đất nước. Tăng cường công tác quản lý đối tượng tại địa bàn cơ sở; tiếp tục triển khai có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; bảo đảm yêu cầu công tác điều tra, xử lý tội phạm.
Đảm bảo giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vụ án, vụ việc
Báo cáo tình hình, kết quả công tác năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tỉnh Nguyễn Xuân Hùng cho biết, năm 2024, Viện Kiểm sát hai cấp đã khắc phục khó khăn và đề ra nhiều giải pháp, biện pháp bảo đảm hoàn thành tốt các chỉ tiêu công tác, tạo bước chuyển biến trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Theo đó, tình hình an chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, góp phần quan trọng cho phát triển KT-XH.
Viện Kiểm sát hai cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới hơn 1.580 vụ án hình sự, với hơn 2.990 bị can (giảm 76 vụ, 278 bị can so với cùng kỳ năm 2023). Kiểm sát thụ lý gần 2.700 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (số mới 2.257 tin, giảm 185 tin). Cơ quan điều tra đã giải quyết 2.447 tin, tỷ lệ giải quyết đạt 91% (giảm 0,5%). Đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra trên 2.180 vụ án hình sự, với gần 4.100 bị can (khởi tố mới hơn 1.580 vụ/2.994 bị can, giảm 76 vụ, 278 bị can). Cơ quan điều tra hai cấp đã xử lý 1.748 vụ, 3.285 bị can, đạt tỷ lệ 80,1% (tăng 3,5%)…
Tham gia 1.936 lượt điều tra; trực tiếp, tham gia lấy lời khai người bị bắt, tạm giữ, người làm chứng, người bị hại 1.673 lượt; trực tiếp hỏi cung bị can 2.443 lượt và tham gia hỏi cung 1.050 lượt. Qua kiểm sát đã yêu cầu cơ quan điều tra áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản đối với 10 vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ; ra quyết định phục hồi giải quyết 04 vụ án đang tạm đình chỉ; khởi tố 08 vụ, 23 bị can; thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố 05 vụ, 02 bị can; truy nã 13 bị can. Viện KSND tỉnh ban hành 1.583 văn bản yêu cầu điều tra (đạt tỷ lệ 100%).
Bên cạnh đó, kiểm sát chặt chẽ việc lập hồ sơ và tham gia các phiên họp xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho 2.127 phạm nhân, xét tha tù trước thời hạn có điều kiện cho 51 phạm nhân, đề nghị đặc xá cho 225 phạm nhân tại Trại giam Ngọc Lý và Trại tạm giam Công an tỉnh. Đã kiểm sát 100% các quyết định thi hành án dân sự của Cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp. Kiểm sát chặt chẽ việc theo dõi, đôn đốc thi hành đối với 10 việc thi hành án hành chính. Kiểm sát việc bắt, tạm giữ về hình sự 1.990 người, đã giải quyết chuyển xử lý hình sự 1.972 người, đạt 100% (vượt 3%).
Qua kiểm sát đã phát hiện nhiều sơ hở, thiếu sót, vi phạm trong hoạt động tư pháp cũng như trong quản lý Nhà nước trên nhiều lĩnh vực, qua đó đã kịp thời ban hành 33 kháng nghị, 320 kiến nghị vi phạm và 104 kiến nghị phòng ngừa với các cơ quan hữu quan… Chất lượng và hiệu quả công tác kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên, chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với một số vụ án, vụ việc còn hạn chế, thiếu sót; còn có vụ án phải hủy để điều tra, xét xử lại có trách nhiệm của cấp sơ thẩm; số án trả hồ sơ điều tra bổ sung trong các giai đoạn tố tụng có trách nhiệm của Viện kiểm sát giảm chưa đáng kể, mặc dù vẫn đảm bảo giới hạn cho phép của ngành;…
Năm 2025, Viện KSND tỉnh tập trung nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp để phục vụ Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Bảo đảm ổn định biên chế, cơ sở vật chất để các đơn vị mới được sáp nhập, chia tách tổ chức thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ ngay sau khi Nghị quyết có hiệu lực.
Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; đẩy mạnh việc “số hóa hồ sơ” và “sơ đồ tư duy” trong việc báo cáo, đề xuất giải quyết các vụ án; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nghiên cứu các phần mềm ứng dụng vào các khâu công tác một cách thiết thực; tăng cường công tác bảo mật, không để xảy ra việc lộ, lọt thông tin trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ công tác.
Tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức và người lao động, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ và chủ động phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Không để xảy ra việc xét xử oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm
Trình bày Báo cáo về kết quả công tác năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Lương Xuân Lộc cho biết, trong năm 2024, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững và ổn định, tuy nhiên tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, khiếu kiện hành chính vẫn diễn ra phức tạp, số lượng thụ lý nhìn chung vẫn có chiều hướng tăng so với cùng kỳ năm 2023. Trước tình hình trên, công tác Tòa án đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chi tiêu, kế hoạch được giao.
Tòa án hai cấp thụ lý 10.208 vụ, việc (giảm 192 vụ so với cùng kỳ năm 2023). Đã giải quyết 9.087 vụ, việc đạt tỷ lệ 89,02%. Còn lại 1.021 vụ, việc đang giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong năm, tranh chấp dân sự vẫn diễn ra phức tạp; chủ yếu là các tranh chấp về hợp đồng vay tài sản, tranh chấp về quyền sử dụng đất, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản, tranh chấp hôn nhân gia đình,…
Về công tác thi hành án dân sự, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, thụ lý 172 hồ sơ (tăng 35 hồ sơ so với năm 2023), đã giải quyết 170 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đạt 98,84%. Đồng thời, kiểm tra toàn diện 10/10 Tòa án cấp huyện, kiểm tra tổng số 12.159 hồ sơ các loại. Tòa án hai cấp thực hiện nghiêm việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tổ chức tiếp 342 lượt người, tiếp nhận 228 đơn các loại. Thụ lý 112 đơn thuộc thẩm quyền; đã giải quyết 112. Các đơn khiếu nại, tố cáo Tòa án đã xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Không có đơn tồn đọng, kéo dài gây bức xúc trong dư luận, Nhân dân.
Trong năm, Tòa án hai cấp đã hoàn thành các yêu cầu, chỉ tiêu công tác mà Nghị quyết của Quốc hội và TAND tối cao đề ra trong công tác giải quyết, xét xử các loại án. Các loại án đều vượt chỉ tiêu thi đua đề ra, các phiên tòa được tổ chức thực hiện đúng quy định của pháp luật. Việc giải quyết xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp nào kết án oan người không có tội. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết, xét xử của Tòa án hai cấp, còn một số vụ án phải hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan như vi phạm tố tụng, thiếu người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, xác minh thu thập chứng cứ không đầy đủ, không giải quyết hết yêu cầu…
Năm 2025, TAND tỉnh tiếp tục quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp. Phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo các đơn vị TAND thành phố Bắc Giang, Lục Ngạn, Yên Dũng thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội và Kế hoạch của Tỉnh ủy về việc chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, tỉnh Bắc Giang.
Xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế. Chỉ đạo các đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác Tòa án, đảm bảo các chỉ tiêu công tác theo Nghị quyết của Quốc hội và TAND tối cao. Không để xảy ra việc xét xử oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, Thẩm phán Tòa án các cấp./.
Nhóm PV
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/bao-am-an-ninh-trat-tu-giai-quyet-kip-thoi-co-hieu-qua-cac-vu-an-vu-viec