BẮC GIANG – Từ năm 2025, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT với 2 môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và lựa chọn 2 môn trong số các môn còn lại ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Các trường THPT đã chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy và học tập đáp ứng yêu cầu của kỳ thi đổi mới.
Chuyển hướng ôn tập
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), kỳ thi là cơ sở để đánh giá chất lượng dạy và học, cung cấp dữ liệu tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Do đó, việc giảng dạy ở các trường THPT được điều chỉnh theo hướng chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, không chỉ đánh giá kiến thức, kỹ năng như trước đây.
Giáo viên Trường THPT Lục Nam tư vấn cho học sinh lớp 10 lựa chọn các môn học tự chọn theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. |
Mới đây, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố cấu trúc định dạng, đề thi minh họa của kỳ thi, trong đó có thêm một số hình thức trắc nghiệm mới. Ngay sau khi có phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng thay đổi kế hoạch giảng dạy và học tập ở khối lớp 10 và lớp 11 nhằm chuẩn bị cho các em sẵn sàng tâm thế, kiến thức trước kỳ thi đổi mới.
Trường THPT Lạng Giang số 1 có hơn 1,8 nghìn học sinh, trong đó có hơn 1,2 nghìn học sinh lớp 10 và lớp 11 đang theo học chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Ngay khi vào lớp 10, nhà trường phân lớp theo 4 nhóm các môn học tự chọn liên quan đến khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, công nghệ và nghệ thuật.
Cô giáo Huỳnh Thị Hòa Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường triển khai kế hoạch giảng dạy theo chuẩn kiến thức môn học, chú trọng phân luồng giáo dục nghề nghiệp, yêu cầu học sinh chủ động hơn trong phân bố, đầu tư thời gian cho từng môn tùy thuộc vào mục tiêu tham dự tuyển sinh đại học hay học nghề để có kết quả tốt. Trong đó tăng cường bồi dưỡng kiến thức trọng tâm, kiến thức nâng cao vào buổi chiều, ôn tập theo chủ đề, chủ điểm để học sinh có đủ kiến thức tham gia các kỳ thi”.
Việc đổi mới phương thức thi như hiện nay đặt ra yêu cầu cao hơn với các trường THPT trong việc giảng dạy đó là vừa bảo đảm giáo dục toàn diện, vừa phân hóa cho học sinh để thi đại học, cao đẳng hay học nghề. Bộ đề minh họa ở từng môn học là cơ sở để các nhà trường ra đề kiểm tra định kì, giúp học sinh thay đổi cách học, cách thi theo hướng thực học, thực hành.
Theo đánh giá của giáo viên bộ môn, với cấu trúc đề thi minh họa đòi hỏi thầy, cô giáo phải nghiên cứu vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống để xây dựng ngân hàng câu hỏi phù hợp. Để có thể ra đề kiểm tra như đề minh họa của Bộ GD&ĐT, giáo viên phải tự bồi dưỡng, đổi mới, nâng cao nghiệp vụ. Việc giảng dạy của giáo viên cũng đòi hỏi tích hợp liên môn, tạo cơ hội cho học sinh khái quát, tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc nhiều lĩnh vực để các em hiểu sâu, hứng thú với bài học, dễ nhớ, dễ thuộc hơn.
Nắm chắc chuẩn kiến thức
Toàn tỉnh hiện có gần 19 nghìn học sinh lớp 11 đang theo học chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đây là thế hệ học sinh đầu tiên sẽ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025. Cách thức thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được đánh giá sẽ giảm áp lực học tập, thi cử cho học sinh, giúp các em lựa chọn môn thi là thế mạnh, môn dễ học để học tập, ôn luyện sớm.
Giờ học Tiếng Anh của cô và trò Trường THPT Việt Yên số 1. |
Bên cạnh những ưu điểm, theo phản ánh của nhiều giáo viên, khi một số môn trở thành môn thi tự chọn, học sinh sẽ sao nhãng học các môn này, nhất là Tiếng Anh. Đặc biệt, với học sinh miền núi, vùng khó khăn, vốn không có nhiều lợi thế học ngoại ngữ.
Toàn tỉnh hiện có gần 19 nghìn học sinh lớp 11 đang theo học chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đây là thế hệ học sinh đầu tiên sẽ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025 theo phương án 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. |
Bộ GD&ĐT đánh giá trình độ Tiếng Anh của học sinh phổ thông Việt Nam nằm trong tốp trung bình thấp so với các nước trên thế giới. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, phổ điểm trung bình môn Tiếng Anh trên cả nước đạt thấp. Trong đó, học sinh Bắc Giang nằm trong nhóm thấp so với toàn quốc, vẫn có bài thi Tiếng Anh đạt điểm dưới 1.
Thầy giáo Nguyễn Tuấn Hiệp, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Hiệp Hòa số 1 cho biết: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa thì ngoại ngữ là kỹ năng tất yếu. Dù không phải môn thi tốt nghiệp bắt buộc nhưng tổ ngoại ngữ vẫn chú trọng xây dựng kế hoạch giảng dạy và học tập bảo đảm hiệu quả, trong đó tập trung đổi mới phương pháp truyền đạt, yêu cầu học sinh thành thạo các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, đáp ứng xu thế hội nhập”.
Hiện nay, ngoài xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp, xu hướng các trường đại học tổ chức kỳ thi riêng để đánh giá năng lực ngày càng nhiều. Học sinh muốn vào được các trường đại học danh tiếng vẫn phải học đều, có kiến thức toàn diện ở tất cả các môn mới đáp ứng được các kỳ thi đánh giá năng lực. Vì vậy, dù một số môn không phải thi tốt nghiệp THPT nhưng để tăng cơ hội trúng tuyển, Trường THPT Việt Yên số 1 thay đổi phương pháp giảng dạy, nhất là cho học sinh lớp 10 và lớp 11 đang theo học chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Các tổ bộ môn chú trọng mở rộng liên hệ thực tế theo cấu trúc đề thi đánh giá năng lực do các trường đại học tổ chức trong những năm qua để học sinh làm quen. Giáo viên xây dựng kho học liệu, bộ đề thi, chủ động tổ chức cho học sinh ôn tập. Nhà trường thường xuyên nắm thông tin, xu hướng tuyển sinh từ các trường đại học, cao đẳng để tư vấn, định hướng từ sớm. Qua đó không chỉ bảo đảm yêu cầu tốt nghiệp mà còn trang bị kiến thức, kỹ năng để các em có thể đáp ứng các kỳ thi riêng.
Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp cũng như dạy học phân hóa đối tượng. Theo đó, các trường THPT xây dựng kế hoạch giảng dạy theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, bám sát khung chương trình giáo dục phổ thông ở tất các các môn học để học sinh được trang bị đầy đủ kiến thức ứng dụng vào cuộc sống và bảo đảm đáp ứng yêu cầu kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Các trường ưu tiên chọn đội ngũ giáo viên cốt cán giảng dạy, bám sát năng lực học sinh. Giáo viên giao bài tập theo hướng mở để học sinh phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu. Từ kết quả bài làm, thầy, cô giáo tiếp tục bồi dưỡng kiến thức, tạo nền tảng vững chắc, phát huy năng lực cho từng em. Nhà trường, gia đình chú trọng làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 để các em chọn môn học đúng, trúng, tránh ôn luyện dàn trải, giảm áp lực, chi phí cho phụ huynh.
Bài, ảnh: Minh Thu
Bắc Giang: 110 em tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia
BẮC GIANG – Ngày 21/12, tại Trường THPT Chuyên Bắc Giang, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức lễ ra quân các đội tuyển học sinh giỏi tỉnh Bắc Giang tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024. Dự lễ ra quân có đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
tin tức bắc giang, bắc giang, Bám sát trọng tâm, chương trình, kỳ thi đổi mới, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế, pháp luật, Tin học