Sáng 17/02, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang tổ chức khai mạc “Phiên giao dịch việc làm trực tiếp và kết nối trực tuyến với 13 tỉnh, thành phố lần thứ nhất năm 2025” nhằm kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tuyển dụng lao động và cung cấp thông tin thị trường lao động.
Tới dự có đồng chí Mai Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu khai mạc tại phiên giao dịch, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Dương Ngọc Chiên cho biết, năm 2025, với sự mở rộng sản xuất của các DN, nhu cầu lao động dự kiến lên tới 110 nghìn người đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực. Việc tổ chức phiên giao dịch việc làm góp phần là cầu nối quan trọng giữa DN và người lao động, giúp các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên, học sinh mới ra trường có cơ hội tiếp cận thực tế, nâng cao kỹ năng và tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực và định hướng phát triển của bản thân.
Phiên giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến năm 2025 với sự tham gia của đông đảo người lao động, các cơ sở GDNN, các trung tâm dịch vụ việc làm, DN dịch vụ việc làm và các DN trực tiếp tuyển lao động tại 13 điểm cầu của các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Thái Nguyên, thành phố Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hải Dương, Ninh Bình, Phú Thọ, Hải Phòng, Hà Nam, Quảng Ninh, Nam Định. Đây là một hoạt động thiết thực và ý nghĩa mang đến cho người lao động hơn 71 nghìn vị trí việc làm từ nhiều lĩnh vực khác nhau, từ lao động phổ thông đến trình độ đại học, mở ra nhiều cơ hội lựa chọn việc làm và học nghề phù hợp; giúp DN giảm thiểu chi phí tuyển dụng, tiếp cận nguồn nhân lực đa dạng và phong phú, đồng thời rút ngắn khoảng cách giữa cung và cầu lao động.
Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm, nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trên địa bàn tỉnh năm 2025 là 107.682 người, trong đó lao động nữ trên 65,6 nghìn người (chiếm 61,5%). Nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu tại các khu, cụm công nghiệp, trong đó có một số DN có nhu cầu tuyển số lượng lớn lao động như: Công ty TNHH Luxshare-ICT; Tập đoàn KHKT Hồng Hải; Công ty TNHH Newwing Interconnect Technology Bắc Giang. Các nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao bao gồm: Điện – Điện tử – Tin học; Dệt – may – bao bì – giày da; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Thương mại – Dịch vụ; các ngành khác.
Được biết, mức lương cơ bản dao động dưới 7 triệu đồng, chiếm 59,47% (đối với lao động phổ thông); từ 7 – 10 triệu đồng, chiếm 26,75% (lao động kỹ thuật, nhân viên văn phòng); từ 10 – 15 triệu đồng, chiếm 11,85% (kế toán, phiên dịch…); trên 15 triệu đồng, chiếm 1,93% (các vị trí quản lý, trưởng phòng). Ngoài lương, người lao động được hưởng các khoản phụ cấp (xăng xe, ăn trưa, nhà ở), thưởng (chuyên cần, theo quý, theo năm) và tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Năm 2025, Trung tâm Dịch vụ việc làm tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức 80 phiên giao dịch việc làm (trong đó 48 phiên định kỳ tại Sàn giao dịch việc làm tỉnh; 15 phiên online kết nối thông tin thị trường lao động các tỉnh, thành phố; 12 phiên lưu động và 02 phiên chuyên đề); 03 ngày Hội việc làm cho người lao động, cơ sở GDNN và DN tại các huyện, thành phố, thị xã. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm phổ biến thông tin thị trường lao động và thu hút người lao động, người sử dụng lao động tham gia các hoạt động giao dịch việc làm.
Phát biểu tại phiên giao dịch, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn cho biết những năm qua, Bắc Giang đã có những bước phát triển mạnh mẽ, giữ vững vị trí trong nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Tuy nhiên, tốc độ phát triển kinh tế nhanh cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với thị trường lao động. Theo dự báo, trong năm 2025, toàn tỉnh cần tuyển mới khoảng 110 nghìn lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các DN, khu công nghiệp. Vì vậy, cần có những giải pháp đồng bộ, linh hoạt để bảo đảm cung ứng đủ nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới.
Đồng chí đề nghị Trung tâm Dịch vụ việc làm và các DN dịch vụ việc làm tiếp tục nắm bắt sát sao nhu cầu tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực, phối hợp chặt chẽ với các DN. Mở rộng mô hình tư vấn, phỏng vấn, tuyển dụng trực tuyến; đồng thời ứng dụng công nghệ AI trong phân tích, sàng lọc hồ sơ để giới thiệu cơ hội việc làm sát với năng lực, nhu cầu của người lao động.
Các DN tuyển dụng lao động quan tâm đầu tư đào tạo, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, chế độ đãi ngộ hợp lý để thu hút và giữ chân người lao động. Các cơ sở GDNN tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, gắn kết chặt chẽ với thực tế thị trường, đảm bảo người học được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đối với sinh viên và người lao động, tận dụng phiên giao dịch này để tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu của DN, từ đó có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, chủ động nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng mềm.
Đồng chí cũng nhấn mạnh, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN và người lao động trong việc hoàn thiện chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý lao động, hỗ trợ các DN tuyển dụng nhanh chóng, thuận lợi hơn.
và cung ứng nhân lực với một số đơn vị.
Nhân dịp này, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang đã ký kết Biên bản thỏa thuận, hợp tác về đào tạo và cung ứng nhân lực với Hiệp hội cung ứng nhân lực tỉnh, Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt – Hàn và một số DN./.
Diệu Hoa
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/phien-giao-dich-viec-lam-khai-xuan-at-ty-ket-noi-truc-tuyen-15-tinh-thanh-pho