Sáng 04/4, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị đánh giá tình hình triển khai, tổ chức thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh khóa XIX từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay. Các đồng chí Lê Thị Thu Hồng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nghiêm Xuân Hưởng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Thanh – Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Dự hội nghị có các đồng chí: Dương Văn Thái – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Ánh Dương – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương của tỉnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh khóa XIX đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Các hoạt động của HĐND tỉnh tác động tích cực đến việc xây dựng hệ thống chính quyền của tỉnh hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của cử tri và Nhân dân đối với hoạt động của bộ máy nhà nước. HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân đại biểu để thúc đẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND với nhiều đổi mới trên các mặt công tác.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số tồn tại hạn chế như: Một số cơ quan chức năng chưa đảm bảo thời gian quy định khi gửi báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết, ảnh hưởng đến hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh. Hiệu quả hoạt động giám sát còn có mặt chưa được toàn diện; hoạt động giám sát thường xuyên đôi khi còn hạn chế. Việc đôn đốc, theo dõi kết luận, kiến nghị sau giám sát có việc, có thời điểm chưa sát sao. Việc theo dõi, giám sát việc tổ chức, thực hiện các Nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành chưa toàn diện. Trách nhiệm của một số đại biểu trong thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế, chưa đảm bảo thời gian hoạt động theo quy định;…
Từ nay đến hết nhiệm kỳ, HĐND tỉnh khóa XIX tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy. Chủ động, tích cực chuẩn bị và tổ chức thành công các kỳ họp HĐND. Chỉ đạo hoàn thành các chương trình giám sát chuyên đề; tăng cường công tác giám sát thường xuyên. Đổi mới công tác dân nguyện; nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền. Thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công trong cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031.
Báo cáo tình hình, kết quả chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện các Nghị quyết do HĐND tỉnh khóa XIX ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn khẳng định cơ bản các Nghị quyết sau khi được ban hành đã đi vào thực tế và có tác động rõ rệt, kịp thời triển khai các văn bản, quy định của Trung ương, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện; tăng nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, phát huy lợi thế của địa phương, góp phần nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho người dân và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh; thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách trên địa bàn tỉnh.
Việc thực hiện triển khai các Nghị quyết của HĐND tỉnh có hiệu lực, hiệu quả đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến các Nghị quyết của HĐND tỉnh của một số cơ quan, đơn vị chưa được thực hiện thường xuyên, quá trình triển khai có những khó khăn, vướng mắc chưa kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để cho ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ dẫn đến hiệu quả thực hiện của Nghị quyết còn chưa cao… Một số Nghị quyết của HĐND tỉnh được ban hành đã triển khai trên thực tế nhưng tác động, hiệu quả còn chưa rõ hoặc còn một số tồn tại, hạn chế.
Để nâng cao chất lượng tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn nhấn mạnh cần giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân chủ trì triển khai thực hiện các Nghị quyết đảm bảo hiệu quả ngay sau khi được ban hành. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai các Nghị quyết. Cùng đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết bảo đảm công khai, minh bạch đúng quy định của pháp luật. Kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các Nghị quyết theo hướng linh hoạt, đơn giản hóa về thủ tục, phát huy hiệu quả cao nhất, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.
Đôn đốc việc giải quyết các nội dung có tính chất bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, được nhiều cử tri quan tâm. Chú trọng phản hồi của các cơ quan, cá nhân, tổ chức chịu tác động để kịp thời chỉ đạo, điều chỉnh bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định chưa phù hợp, bảo đảm các Nghị quyết của HĐND phát huy tác dụng tích cực. Thường xuyên rà soát các nội dung đã ban hành Nghị quyết nhưng không còn phù hợp với tình hình hình thực tế, chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng chính sách mới đảm bảo phát huy hiệu quả thiết thực.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp khả thi để triển khai các Nghị quyết của HĐND tỉnh vào thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH. Để đảm bảo các Nghị quyết được ban hành sát với thực tiễn, quá trình ban hành, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Công Thắng nhấn mạnh trong thời gian tới, cần tăng cường công tác phối hợp từ khâu nắm tình hình Nhân dân, tổng hợp ý kiến của cử tri và các tầng lớp Nhân dân, tăng cường giám sát của HĐND, MTTQ, phát huy vai trò giám sát của Nhân dân trong việc thực hiện các Nghị quyết.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Thi khẳng định ngay từ bước đầu xây dựng Nghị quyết cần tổ chức khảo sát thật kỹ nhu cầu từ thực tiễn, xin ý kiến rộng rãi, đảm bảo trình tự thủ tục và các bước theo quy định. Sau ban hành, các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan cần quán triệt, tuyên truyền, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, bố trí đủ kịp thời nguồn lực hàng năm; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân chủ trì triển khai thực hiện. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết bảo đảm công khai, minh bạch, đạt chất lượng, hiệu quả cao. Tăng cường giám sát, nắm bắt kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập; sớm kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ. Quan tâm xây dựng đội ngũ tham mưu, giúp việc chuyên sâu, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng tổ chức, triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thanh – Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao khi tỉnh Bắc Giang là tỉnh đầu tiên tổ chức hội nghị đánh giá tình hình triển khai, tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh khóa XIX từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay.
Đồng chí khẳng định Bắc Giang đang trở thành một hiện tượng mới, một điểm sáng cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước sau đại dịch với nhiều kết quả ấn tượng. Thu hút đầu tư đạt kỷ lục mới, trên 3,2 tỷ USD, trong đó thu hút FDI xấp xỉ 3 tỷ USD, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược với định hướng đón làn sóng đầu tư của Việt Nam trong lĩnh vực chế tạo điện tử bán dẫn với phương châm 2 ít, 3 cao (sử dụng ít đất, ít lao động; dự án có công nghệ, suất vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế cao). Năm 2023, Bắc Giang là tỉnh duy nhất xuất siêu. Công tác quy hoạch được triển khai đồng bộ, hiệu quả, chất lượng quy hoạch được tăng lên với tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược. Giáo dục đào tạo tiếp tục được khẳng định trên bảng vàng thành tích của cả nước. Phát triển kinh tế gắn liền với an sinh xã hội,…
HĐND tỉnh Bắc Giang là điểm sáng của cả nước trong hoạt động dân cử với tinh thần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định. Đồng chí đề nghị HĐND tỉnh nghiên cứu, rút kinh nghiệm, định hướng xây dựng và ban hành Nghị quyết cho khóa tiếp theo. Nghiên cứu, bổ sung chỉ số HPI (chỉ số hạnh phúc) vào chiến lược phát triển KT-XH các năm tiếp theo; tiếp tục xây dựng Bắc Giang là tỉnh phát triển toàn diện về KT-XH, giữ gìn văn hóa của vùng Kinh Bắc xưa, vùng Thủ đô nay.
Với những kết quả đã đạt được, đồng chí tin tưởng với sự quyết tâm và nỗ lực, hoạt động HĐND tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục đổi mới một cách tổng thể và đồng bộ với chất lượng, hiệu lực và hiệu quả mới; tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân địa phương. Tiếp tục xây dựng một Bắc Giang phát triển vượt trội, trật tự, kỷ cương, an toàn, đảm bảo cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Lê Thị Thu Hồng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan của HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định; chấp hành nghiêm túc, kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy.
Thường trực HĐND, các Ban của HĐND chủ động phối hợp, tiếp cận sớm, xin ý kiến, thẩm tra dự thảo Nghị quyết. Nâng cao chất lượng, phương thức giám sát; phát huy vai trò của các Ban và đại biểu HĐND tỉnh, trách nhiệm giải trình của UBND các cấp, các ngành, các địa phương. Thường xuyên rà soát, theo dõi giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND để triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp, khắc phục những hạn chế. Tập trung công tác dân nguyện; nâng cao hiệu quả tiếp dân và tiếp xúc cử tri; tăng cường trách nhiệm theo dõi, nắm bắt, phản ánh, giám sát, đôn đốc việc giải quyết các ý kiến kiến nghị. Tổ chức tiếp công dân định kỳ, tiếp nhận, xử lý đơn, thư của công dân bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả. Tiếp tục đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri, khuyến khích đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri theo chuyên đề.
Thường trực HĐND tỉnh duy trì chặt chẽ Quy chế phối hợp, xác định cụ thể nội dung, phương thức, trách nhiệm. Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm Quy chế phối hợp. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương để thông tin, tuyên truyền rộng rãi về hoạt động của HĐND và kết quả giải quyết những vấn đề HĐND đã đặt ra để báo chí thực sự là cầu nối quan trọng giữa cơ quan dân cử với cử tri, Nhân dân; tăng cường giao lưu, trao đổi với HĐND các địa phương để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử.
UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan tham mưu chuẩn bị kỹ, có chất lượng các nội dung trình kỳ họp, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Ban của HĐND tỉnh trong xây dựng dự thảo Nghị quyết. Đổi mới, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai các Nghị quyết; giao nhiệm vụ cụ thể trong chủ trì, phối hợp, triển khai bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc thực hiện Nghị quyết; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, từ đó chủ động tham mưu, trình HĐND sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành Nghị quyết mới.
Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh trong tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri; nâng cao chất lượng tiếp nhận, tổng hợp kiến nghị của cử tri. Thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội; kiến nghị, đề xuất HĐND, UBND tỉnh xem xét ban hành các Nghị quyết, bảo đảm, đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn và tâm tự nguyện vọng của Nhân dân trong tỉnh./.
Thảo My