Vượt qua nhiều thách thức khó khăn, kinh tế của tỉnh Bắc Giang vẫn duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2024. Tốc độ tăng trưởng GRDP quý II cao hơn quý I, qua đó nâng mức tăng 6 tháng đầu năm lên 14,14% đứng đầu cả nước.
Tăng trưởng cao nhất cả nước
Theo Cục Thống kê tỉnh, bước sang quý II, tình hình kinh tế của tỉnh tiếp tục khởi sắc và duy trì được mức tăng trưởng kinh tế cao. Tốc độ tăng trưởng GRDP quý II ước đạt 14,31%, quý I đạt 13,96%, đưa tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm tỉnh Bắc Giang tăng 14,14% đứng đầu cả nước.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,82%, đóng góp 0,22 điểm %, thấp hơn tăng trưởng 2,15% của quý I. Khu vực công nghiệp – xây dựng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao và là động lực chính tác động đến tăng trưởng chung của tỉnh. Khu vực này tăng 18,11%, đóng góp 12,71 điểm % vào mức tăng trưởng chung. Khu vực dịch vụ tăng 6,42%, đóng góp 1,01 điểm %.
Như vậy, cả 3 khu vực kinh tế đều có tốc độ tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, trong khu vực công nghiệp – xây dựng, ngành công nghiệp duy trì đà tăng trưởng từ cuối năm 2023 đến nay. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng ước tính tăng 19,11% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì xu thế tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, còn khu vực dịch vụ biến động không lớn. Kết quả 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 13,64%; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 65,34%; khu vực dịch vụ chiếm 19,23%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 1,8%. Với sản lượng vải thiều đạt thấp cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục giảm mạnh trong 6 tháng cuối năm.
Ngành công nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế trọng điểm, với vai trò là động lực chính cho phát triển kinh tế của tỉnh. Công nghiệp tiếp tục là ngành có tốc độ phát triển cao, đóng góp lớn nhất vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế. Trong đó, tập trung chủ yếu ở ngành sản xuất linh kiện điện tử do các doanh nghiệp FDI dẫn dắt.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm ước tăng 26,45%; giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) ước đạt 315.145 tỷ đồng, bằng 47,3% kế hoạch và tăng 28% so cùng kỳ năm ngoái. Phân theo địa bàn, sản xuất công nghiệp tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố đều có tăng trưởng.
Nhờ lợi thế về hạ tầng, môi trường kinh doanh, Bắc Giang là tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài. Tính từ đầu năm, địa phương này đứng thứ 7 cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc về kết quả thu hút vốn FDI.
Quyết tâm phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch phát triển năm 2024
Dự báo trong 6 tháng cuối năm 2024, sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đặc biệt là công nghiệp, xây dựng, xuất nhập khẩu… Để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế, tỉnh Bắc Giang yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực vượt khó, khắc phục hạn chế, bất cập, phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, quyết tâm phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch phát triển năm 2024.
Theo đó, tỉnh tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và Kế hoạch của UBND tỉnh về các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh năm 2024. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, mặt bằng để chủ động đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nguồn vốn chất lượng với công nghệ tiên tiến, sản xuất chất bán dẫn.
Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, đẩy mạnh phát triển sản xuất. Tập trung rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; chủ động hỗ trợ, giải quyết những đề xuất, kiến nghị nhất là về vốn, thị trường tiêu thụ, lao động, chi phí nguyên vật liệu… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất, thúc đẩy phục hồi chuỗi cung ứng, tạo năng lực sản xuất mới.
Tập trung rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống các quy định, cơ chế chính sách để tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt hiện nay, nhất là trong cải cách hành chính, đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực thi.
Tập trung cao, chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn, đặc biệt là các dự án lớn, trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sớm đưa vào hoạt động, thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong năm 2024 và thời gian tiếp theo.
Đôn đốc chủ đầu tư các dự án khu đô thị, khu dân cư, nhà ở đẩy nhanh tiến độ. Chủ động rà soát, đôn đốc hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản, dự án nhà ở xã hội cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi các Luật mới được ban hành.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh./.
An Nhiên
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/bac-giang-tiep-tuc-la-quan-quan-tang-truong-kinh-te