BẮC GIANG – Phát triển công nghiệp được tỉnh Bắc Giang xác định là một trong 3 trụ cột phát triển toàn diện các ngành kinh tế. Những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp (KCN) tạo lợi thế thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Ông Đào Xuân Cường – Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đã trao đổi một số nội dung xung quanh vấn đề này.
Bắc Giang phát triển các khu công nghiệp, tạo động lực thu hút đầu tư. |
Trong những năm qua, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang luôn nằm trong tốp đầu cả nước, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lĩnh vực công nghiệp. Vậy ông đánh giá thế nào về sự phát triển của các KCN trên địa bàn tỉnh cũng như vai trò, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương?
Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Đào Xuân Cường: Trong những năm qua, Bắc Giang có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, luôn nằm trong tốp đầu của cả nước. Có được kết quả như vậy là sự đóng góp của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo và chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh, sự phối hợp quản lý chặt chẽ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và nhân dân trong tỉnh. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn có sự đóng góp rất lớn từ lĩnh vực công nghiệp.
Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn chung do dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Bắc Giang đạt 13,02%, đứng đầu cả nước, trong đó tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế tăng từ 7% (năm 2000) lên hơn 47% (năm 2020), trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh vẫn đạt 7,82%, đứng thứ 10 cả nước.
Năm 2022, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 19,3% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước), cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 2 cả nước. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, trong đó công nghiệp – xây dựng chiếm 62,3%, tăng 4,5% (Công nghiệp chiếm 54,1%, tăng 5,5%; xây dựng chiếm 8,2%, giảm 1%); dịch vụ chiếm 22,8%, giảm 2%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 14,9%, giảm 2,5% so với năm 2021.
Sản xuất công nghiệp có đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang. |
Năm 2023, tỷ trọng công nghiệp của tỉnh Bắc Giang tiếp tục tăng mạnh, dự kiến công nghiệp – xây dựng chiếm 65,8%, tăng 2,8% (Công nghiệp chiếm 59%, tăng 3,4%; xây dựng chiếm 6,9%, giảm 0,5%); dịch vụ (bao gồm cả thuế sản phẩm) chiếm 21,2%, giảm 1,2%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 13%, giảm 1,7% so với năm 2022.
Quy mô GRDP được mở rộng, giá trị cả năm (giá hiện hành) ước đạt 181,8 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 7,6 tỷ USD), vượt 0,2% kế hoạch (dự kiến đứng thứ 12 cả nước); GRDP bình quân đầu người đạt 3.950 USD, tăng 10%, vượt 3% kế hoạch (dự kiến đứng thứ 23 cả nước).
Công nghiệp được xác định là trụ cột chính, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Bắc Giang. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, kế hoạch phát triển hạ tầng công nghiệp và thu hút đầu tư của tỉnh từ nay đến năm 2025 đã được xây dựng ra sao, thưa ông?
Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Đào Xuân Cường: Thực hiện Nghị quyết số 147-NQ/TU ngày 15/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang (nhiệm kỳ 2020-2025) về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh trọng điểm về công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng.
Để các KCN được phát triển theo kế hoạch và đảm bảo chất lượng trong quy hoạch, Ban Quản lý các KCN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3393/KH-UBND ngày 15/7/2022 về việc triển khai thực hiện các KCN thành lập giai đoạn 2022-2025, trong đó ưu tiên thành lập mới 15 KCN, với tổng diện tích đất quy hoạch khoảng 835ha; giao Ban Quản lý các KCN tỉnh chủ trì lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các KCN trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định, từ đó sớm thu hút các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN.
KCN Hòa Phú được đầu tư đồng bộ, hiện đại, góp phần không nhỏ vào việc đẩy mạnh kinh tế công nghiệp tại Bắc Giang. |
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 20 KCN (trong đó có 08 KCN đang hoạt động) được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, với tổng diện tích đất quy hoạch gần 4.600ha. Hiện nay có 08 KCN mới, 01 KCN mở rộng đã có Nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục quan tâm đến công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu về phát triển các KCN, nhất là hệ thống hạ tầng về giao thông, hạ tầng cấp điện, cấp nước và hạ tầng xã hội phục vụ người lao động làm việc tạo các KCN tỉnh.
Vậy với vai trò quản lý các KCN trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ có những giải pháp gì để đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp thưa ông?
Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Đào Xuân Cường: Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp trong thời gian tới, Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ thực hiện một số giải pháp chính.
Một là, tập trung cao cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó, trọng tâm là việc nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, đổi mới tư duy, quyết liệt thực hiện cải cách hành chính một cách thực chất.
Hai là, thực hiện công tác quy hoạch và đầu tư hạ tầng các KCN phải đi trước một bước. Đẩy mạnh thu hút đầu tư hạ tầng các KCN đảm bảo đồng bộ và sẵn sàng quỹ đất để thu hút đầu tư.
Ba là, chủ động, thường xuyên nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư; tập trung vào những tập đoàn, doanh nghiệp lớn; có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các nhà đầu tư lớn, quan trọng; ưu tiên thu hút dự án có đóng góp nhiều cho ngân sách, sử dụng ít lao động, công nghệ tiên tiến và hạn chế tác động đến môi trường.
Bốn là, tăng cường công tác hỗ trợ và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư sau cấp phép. Thường xuyên nắm bắt tình hình, hỗ trợ khó khăn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư; thường xuyên tuyên tuyền, phổ biến các quy định pháp luật trên các lĩnh vực; kịp thời phát hiện, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường.
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
An Nhiên (thực hiện)
Thị trấn Bích Động (Việt Yên): Nỗ lực giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư
BẮC GIANG – “Cách thức địa phương triển khai, tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) rất chặt chẽ, trách nhiệm khiến chúng tôi bất ngờ về tiến độ GPMB liên quan đến dự án do doanh nghiệp thực hiện…” – đó là nhận xét của ông Phan Đức Hoan, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển xây dựng đô thị và công nghiệp HLC, chủ đầu tư dự án Khu dân cư mới Bích Sơn khi nói về công tác GPMB tại thị trấn Bích Động (Việt Yên).
Thu hút vốn FDI, nhìn từ Bắc Giang
Năm 2006, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc về đầu tư khu công nghiệp tại Bắc Giang. Dưới đây là chia sẻ của ông Đặng Thành Tâm về phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Giang.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang,khu công nghiệp, tạo động lực, phát triển hạ tầng công nghiệp, thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế, lâm nghiệp, thủy sản