Năm 2022-2023, tỉnh Bắc Giang xây dựng hơn 3.000 ngôi nhà từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, giúp các hộ nghèo, gia đình chính sách có căn nhà mới khang trang, ổn định cuộc sống. Năm 2024, tỉnh Bắc Giang đề ra chỉ tiêu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ 100% gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang đã phỏng vấn đồng chí Trần Công Thắng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh một số nội dung xung quanh vấn đề này.
Có thể nói những năm qua cùng với phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH), công tác an sinh xã hội luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Bắc Giang đặc biệt coi trọng. Điển hình như công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đã tạo phong trào rộng khắp, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vậy đồng chí có thể thông tin cụ thể về nội dung này?
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Công Thắng: Chủ trương xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh là một chủ trương đúng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thực tiễn cao, hợp ý Đảng, lòng dân; là món quà thiết thực, ý nghĩa, giúp các hộ nghèo có điều kiện “an cư” để “lạc nghiệp”, cùng nhau vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đồng thời thể hiện sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội đối với các hộ nghèo, giúp họ ổn định chỗ ở, yên tâm lao động, qua đó thắt chặt mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đặc biệt, niềm vui, niềm hạnh phúc được nhân lên khi các hộ nghèo được dọn đến ngôi nhà mới trong dịp Tết đến, xuân về. Đó cũng là động lực để cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục cố gắng hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH trong thời gian tới.
Chương trình vận động, hỗ trợ được triển khai đến từng hộ gia đình; bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng và minh bạch, đúng quy định; phù hợp với phong tục, tập quán và điều kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của từng địa phương. Từ đó, hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ gia đình để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở; hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Năm nay, Bắc Giang đặt ra chỉ tiêu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ 100% gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh. Vậy sẽ còn bao nhiêu ngôi nhà nữa phải tập trung xây dựng và mục tiêu này có khả quan không, thưa đồng chí?
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Công Thắng: Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh còn 2,63%, cận nghèo 3,4%. Theo số liệu thống kê bước đầu, hiện vẫn còn trên 1.300 hộ nghèo, trên 460 hộ cận nghèo, gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới. Do vậy, để hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết 307-NQ/TU ngày 06/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ lãnh đạo năm 2024 đề ra, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay, ủng hộ, giúp đỡ “nhiều nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất”.
Đặc biệt yếu tố quan trọng hơn cả chính là sự đồng thuận, đoàn kết trong Nhân dân, là tình người, đó sẽ là sức mạnh vô cùng to lớn để tỉnh hoàn thành tốt mục tiêu đề ra. Năm 2024, tỉnh Bắc Giang quyết tâm triển khai thực hiện bằng được mục tiêu xóa xong 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ 100% gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới.
Vậy để huy động nguồn lực đầu tư thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ triển khai các giải pháp như thế nào thưa đồng chí?
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Công Thắng: Xác định rõ công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ rất quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trước hết là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cơ sở. Do vậy, để triển khai tốt việc huy động các nguồn lực đầu tư để xóa nhà tạm, nhà dột nát, MTTQ các cấp cần có những giải pháp:
Một là, MTTQ triển khai thực hiện tốt Quyết định số 714-QĐ/TU ngày 15/01/2024 của Tỉnh ủy về thành lập Ban Chỉ đạo vận động, hỗ trợ xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; thường xuyên kiện toàn Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp, phân công nhiệm vụ phù hợp và động viên các thành viên nỗ lực tham gia vào hoạt động của Ban vận động để nâng cao hiệu quả công tác vận động ủng hộ người nghèo, các nội dung gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Ủy ban MTTQ và Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành chức năng để tham mưu với cấp ủy có những chủ trương chỉ đạo sát với tình hình thực tế để tăng cường vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và vận động nguồn lực thực hiện chương trình an sinh xã hội, tập trung xây dựng nhà Đại đoàn kết. Đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức thành viên của Mặt trận, hướng dẫn đoàn viên, hội viên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phối hợp thực hiện vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” ở từng cộng đồng dân cư.
Hai là, Ủy ban MTTQ Việt Nam và Ban vận động Quỹ các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền kết quả, kinh nghiệm, mô hình, điển hình tiêu biểu để nhân rộng sức lan tỏa, ảnh hưởng tích cực đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương và cộng đồng xã hội; tăng cường công tác kiểm tra nhằm phát huy những việc làm tốt, phát hiện những sai sót để uốn nắn, không để xảy ra vi phạm trong phân bổ, sử dụng Quỹ “Vì người nghèo”. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và những hình thức tuyên truyền phù hợp để nêu cao ý nghĩa và hiệu quả mà công tác vận động hỗ trợ người nghèo đã đạt được; những kinh nghiệm tốt và điển hình của các tổ chức, cá nhân đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Bằng những hoạt động thiết thực, tự nguyện của từng cá nhân, đơn vị đã góp phần tạo thêm nguồn lực cùng cấp ủy và chính quyền giúp đỡ người nghèo từng bước vươn lên ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững.
Ba là, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp tiếp tục nghiên cứu tham mưu bổ sung, sửa đổi Quy chế xây dựng, quản lý và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” phù hợp trong từng thời gian tổ chức thực hiện vận động ủng hộ người nghèo. Bên cạnh đó phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt vai trò trung tâm tổng hợp, điều phối, hướng dẫn các đơn vị thăm, tặng quà, bảo đảm thời gian, giá trị quà tặng phù hợp với tình hình thực tế, tránh tình trạng chồng chéo; quan tâm chú ý tới các đối tượng hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt ở vùng sâu, đồng bào dân tộc thiểu số.
Thưa đồng chí, được biết tỉnh không chỉ quan tâm đến số lượng mà còn đặc biệt quan tâm đến chất lượng của từng ngôi nhà để người nghèo được ở trong những ngôi nhà khang trang, chắc chắn. Vậy vấn đề này sẽ được quan tâm như thế nào?
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Công Thắng: Mục tiêu cao nhất là vì hạnh phúc của Nhân dân. Việc chăm lo cho người nghèo vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ. Do đó, để thực hiện tốt “3 an” (an ninh, an sinh, an toàn), tỉnh thống nhất quan điểm“Phải làm cho mỗi ngôi nhà của hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình người có công được xây dựng không chỉ bằng gạch đá, xi măng, sắt thép mà còn được xây dựng bằng tinh thần đoàn kết, bằng truyền thống tương thân tương ái, bằng tình cảm và tấm lòng của toàn xã hội”. Chính vì vậy, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp phải quan tâm nhiều hơn, tập trung nâng cao chất lượng, nâng mức hỗ trợ cho các hộ gia đình để có thêm kinh phí, có điều kiện xây những ngôi nhà khang trang, thoải mái và ấm áp.
Bắc Giang đang trong giai đoạn phát triển, do đó công tác an sinh xã hội được tỉnh đặc biệt coi trọng. Vậy công tác an sinh xã hội sẽ được tỉnh triển khai như thế nào để ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất thưa đồng chí?
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Công Thắng: Với quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, là nguồn lực phát triển. Do đó, trong mọi hoàn cảnh phải làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là những thời điểm tỉnh đang trong giai đoạn phát triển. Vì họ chính là chủ thể, quyết định đến sự phát triển của tỉnh.
Do vậy, năm 2024, Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết 307-NQ/TU ngày 06/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ lãnh đạo năm 2024, trong đó giao cho MTTQ chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị tuyên truyền vận động; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đặc biệt là sự đồng thuận của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh góp công, góp sức nhiều nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất để triển khai thực hiện bằng được mục tiêu xóa xong 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ 100% gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Dương Thủy (thực hiện)