Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang, nhờ tích cực phối hợp chỉ đạo, thực hiện, đến nay công tác bồi thường GPMB các KCN, nhất là KCN Quang Châu mở rộng, Tân Hưng và Yên Lư đạt kết quả cao.
Tại KCN Quang Châu phần mở rộng, đến nay, tổng diện tích mặt bằng đã giao cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần KCN Sài Gòn – Bắc Giang đạt hơn 75,2 ha/90 ha.
KCN Tân Hưng có tổng diện tích 105,3 ha, đến nay cơ bản GPMB xong. UBND tỉnh đã cho thuê 103,9 ha. Đối với KCN Yên Lư, hiện UBND huyện Yên Dũng đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB hơn 189,9/377 ha; đã giao mặt bằng cho chủ đầu tư hơn 140 ha.
Phần diện tích chưa GPMB xong chủ yếu do người dân chưa đồng thuận với mức bồi thường; còn vướng mắc về thủ tục pháp lý,… Hiện các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ kiểm kê tài sản; ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ,…
Có mặt bằng sạch đến đâu, tỉnh bàn giao cho chủ đầu tư ngay đến đó để xây dựng hạ tầng KCN. Đại diện Công ty cổ phần KCN Sài Gòn – Bắc Giang cho biết: Dự kiến hết tháng 11/2023, Công ty sẽ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật KCN Quang Châu phần mở rộng, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp. Hiện có 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Công nghệ chính xác Fulian (Singapo) và Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam đang xây dựng nhà máy tại KCN Quang Châu phần mở rộng.
Tại KCN Tân Hưng, tiến độ thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đang được đẩy nhanh. Tổng khối lượng thực hiện các hạng mục đạt từ 40-80%.
Đối với KCN Yên Lư, đến nay thi công trạm xử lý nước thải đạt 60%; thi công hạ tầng giao thông, thoát nước mưa, nước thải đạt 15% toàn bộ KCN,…
Việc đẩy nhanh GPMB, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các KCN tạo thêm quỹ đất công nghiệp cho tỉnh, góp phần thu hút đầu tư vào địa bàn. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút hơn 2,14 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2022, với hơn 60 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới.
Tin, ảnh: Bảo Lâm
Động lực phát triển nông nghiệp vùng đô thị, công nghiệp
BẮC GIANG – Tốc độ đô thị và công nghiệp hóa diễn ra nhanh đã làm thu hẹp đáng kể diện tích đất nông nghiệp, song nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học và đưa những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, gắn với nhu cầu thị trường vào sản xuất đã góp phần nâng giá trị, hiệu quả canh tác, tăng thu nhập cho nông dân khu vực đô thị, công nghiệp.