Năm 2024, tỉnh Bắc Giang tiếp tục triển khai các chương trình giảm nghèo bền vững với mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo và hộ cận nghèo. Những nỗ lực này không chỉ nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo mà còn xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của tỉnh.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm
Theo kết quả điều tra thống kê hộ nghèo tại thời điểm 01/10/2023, toàn tỉnh có 12.558 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,63%, giảm 5.388 hộ so với năm 2022, tương đương giảm 1,18%, vượt kế hoạch đề ra; 16.215 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,40%, giảm 3.584 hộ so với năm 2022, tương đương với tỷ lệ giảm 0,8%. Toàn tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng người có công với cách mạng, vượt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX của tỉnh đề ra.
Trong thời gian qua, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ưu tiên phát triển toàn diện, bền vững cho công tác giảm nghèo; thực hiện các chính sách liên tục trong nhiều năm và tập trung nguồn lực đầu tư đã tác động trực tiếp đến đời sống KT-XH, cơ sở vật chất, hạ tầng… cho các đối tượng của Chương trình. Nhiều mô hình phát triển kinh tế được nhân rộng và triển khai hiệu quả; cơ cấu lao động trong vùng từng bước chuyển dịch, qua đó giải quyết việc làm góp phần giảm nghèo bền vững. Thông qua thực hiện các chính sách, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực vươn lên của người dân, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh bình quân giảm mỗi năm trên 1%; huyện nghèo Sơn Động giảm 5 – 6%; xã đặc biệt khó khăn giảm 3 – 4%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%; cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với phát triển các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của vùng; bản sắc văn hóa được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đến nay, tỉnh chưa có kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 để so sánh chính xác các chỉ số xã hội với cùng kỳ nhưng đa số các chỉ số đều cải thiện tích cực thông qua đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng lên. Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh và 10/10 huyện, thị xã, thành phố hàng năm đều hoàn thành vượt mức kế hoạch; các hoạt động an sinh xã hội triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời; cải cách hành chính đạt nhiều kết quả tích cực đáp ứng sự hài lòng của Nhân dân.
Phong trào xã hội hóa về giảm nghèo tiếp tục được quan tâm thực hiện, thu hút sự tham gia của toàn xã hội. Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể Nhân dân đã làm tốt công tác vận động, phân công đoàn viên, hội viên giúp nhau về xóa đói, giảm nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững… Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền về giảm nghèo bền vững được đổi mới với nhiều phương pháp, đa dạng về hình thức nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền về các chính sách giảm nghèo và những sáng kiến, kinh nghiệm hay về giảm nghèo bền vững; 100% đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực về công tác giảm nghèo.
Chăm lo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống người dân
Với mục tiêu đến hết năm 2025, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,9%. Tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm trên 4%; xã đặc biệt khó khăn giảm trên 3%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%. Đến hết năm 2025, huyện Sơn Động thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Toàn tỉnh không phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo là người có công với cách mạng.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, thực hiện đẩy mạnh giảm nghèo thực chất, thoát nghèo bền vững, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Dương Ngọc Chiên cho biết, tỉnh Bắc Giang tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác giảm nghèo; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với người nghèo… Đồng thời, động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo về kiến thức trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại. Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, UBND các cấp, các ngành, đơn vị có liên quan trực tiếp, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án, hoạt động về giảm nghèo trên địa bàn, trong lĩnh vực được phân công phụ trách. Xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp về giảm nghèo trong chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH hằng năm, 5 năm (giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030) của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh. Nâng cao năng lực và tăng cường trách nhiệm cho lãnh đạo và cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp, nhất là ở cấp huyện, xã, đây là yếu tố quan trọng để thực hiện hiệu quả mục tiêu của kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, hoạt động về giảm nghèo. Triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân như chính sách hỗ trợ học phí, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế, các chính sách tín dụng ưu đãi xã hội, chính sách hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ về nhà ở, nước sạch hợp vệ sinh và các chính sách an sinh xã hội khác. Thực hiện đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động, hộ nghèo có đối tượng người có công với cách mạng, hộ nghèo dân tộc thiểu số; khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn. Đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển KT-XH kết nối vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển với vùng khó khăn; chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn. Phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo. Tăng cường chính sách, giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, nhất là phụ nữ, người khuyết tật nghèo.
Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Bố trí đủ nguồn lực thực hiện các chính sách đối với người nghèo, hộ nghèo; nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn; kết hợp lồng ghép kế hoạch giảm nghèo của tỉnh với kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; thúc đẩy việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực lồng ghép khác cho công tác giảm nghèo bền vững. Tăng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội dành cho vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn khác. Tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, khuyến khích các doanh nghiệp giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; vận động các tổ chức, cá nhân và hộ khá giả giúp đỡ hộ nghèo theo địa chỉ.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; gắn kiểm điểm việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo với kiểm điểm, đánh giá tập thể, cá nhân cán bộ, lãnh đạo quản lý hằng năm trong công tác giảm nghèo./.
Diệu Hoa
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/bac-giang-ay-manh-giam-ngheo-thuc-chat-thoat-ngheo-ben-vung