BẮC GIANG – Từ một xã an ninh trật tự (ANTT) tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã vươn lên trở thành đơn vị kiểu mẫu về ANTT, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Dấu ấn người đứng đầu Công an xã
Đại úy Trương An Ninh (SN 1986, người dân tộc Sán Dìu), Trưởng Công an xã Quý Sơn đón chúng tôi trong một căn phòng cũ được tận dụng do chưa có trụ sở mới. Đại úy Ninh cho biết: “Quý Sơn được ví như một Lục Ngạn thu nhỏ hội tụ các loại cây ăn quả. Tết vừa rồi, bà con thu nhập cũng khá, ăn Tết rất vui vẻ. Trên địa bàn không xảy ra vấn đề phức tạp về ANTT, đó là điều rất mừng đối với một xã có diện tích rộng như Quý Sơn”.
Đại úy Trương An Ninh (người đứng) và đồng đội. |
Tháng 3/2020, Đại úy Trương An Ninh được điều động về làm Trưởng Công an xã. Nhận nhiệm vụ mới ở một xã có diện tích rộng tới 40,75 km², 25 thôn, dân số hơn 20 nghìn người, có 6 dân tộc anh em (Kinh, Hoa, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí) cùng chung sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm tới 48% tổng dân số toàn xã, địa bàn giáp ranh với một số khu vực phức tạp về ANTT… là một áp lực rất lớn với Đại úy Ninh.
Sau khi nhận nhiệm vụ, Đại úy Ninh đã chủ động nắm bắt và dự báo tình hình, kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và Công an huyện thực hiện tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Hằng năm, tham mưu triển khai kế hoạch thực hiện các đợt cao điểm đấu tranh với hoạt động xuất cảnh trái phép, tội phạm mua bán người…
Camera giám sát an ninh ở xã Quý Sơn. |
Cách làm của Đại úy Ninh là 3 bám (bám đơn vị; bám địa bàn; bám chủ trương, chính sách) và 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào) với nhân dân.
Chẳng hạn như đối với 59 đối tượng chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, anh nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia để dễ quản lý; gặp gỡ, trò chuyện để họ cảm thấy không bị kỳ thị, xa lánh; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong xã phân công người phụ trách, theo dõi, giúp đỡ; tìm hiểu nguyện vọng.
Ghi nhận những kết quả đó, từ năm 2020 đến nay, Đại úy Trương An Ninh được Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch UBND tỉnh tặng 3 Bằng khen; Chủ tịch UBND huyện và Giám đốc Công an tỉnh tặng nhiều Giấy khen. 4 năm qua anh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. |
Đối với những đối tượng có tiền án nghiêm trọng, Công an xã sẽ quản lý theo nghiệp vụ. Với những người nghiện ma tuý, Công an xã lập hồ sơ đưa 6 người vào diện giáo dục tại xã; 12 người cai nghiện tự nguyện tại gia đình; quản lý 5 đối tượng diện sau cai; phối hợp với Công an huyện lập 4 hồ sơ đưa 4 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc.
Nhờ những cách làm đó mà các vụ việc về an ninh trật tự giảm dần qua từng năm. Năm 2020 xảy ra 22 vụ; năm 2021 xảy ra 16 vụ; năm 2022 xảy ra 15 vụ việc và năm 2023 xảy ra 10 vụ việc (trong đó có 6 vụ trộm cắp tài sản; 2 vụ cố ý gây thương tích; 1 vụ đánh bạc; 1 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản). Trên địa bàn không có đơn thư khiếu kiện phức tạp, kéo dài, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.
Duy trì hiệu quả các mô hình
Nhắc đến công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn, Đại uý Trương An Ninh khẳng định: “Nhân dân là cánh tay phải, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng công an chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Có thể kể đến các mô hình như: Cựu Công an xã tham gia bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh với 54 thành viên; Camera giám sát an ninh; 25 mô hình “Tổ tuần tra nhân dân”; 25 mô hình “Đội dân phòng” tham gia phòng cháy chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; nhóm Zalo bảo đảm ANTT Công an xã Quý Sơn;…
Một tuyến đường thôn ở xã Quý Sơn. |
Đặc biệt, Công an xã Quý Sơn tranh thủ 16 người có uy tín ở địa phương để tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng, chống âm mưu gây mất đoàn kết, gây rối an ninh trật tự trong đồng bào dân tộc. Bằng uy tín, trách nhiệm của mình, những người có uy tín trong xã đã vận động nhân dân các dân tộc đoàn kết, phối hợp kịp thời với các cơ quan chức năng giải quyết tốt những mâu thuẫn ngay trong nội bộ gia đình, dòng họ, thôn. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Những nỗ lực, kết quả đạt được nổi bật của lực lượng công an xã đã góp phần đưa xã Quý Sơn hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí về đích nông thôn mới nâng cao năm 2021; đồng thời thực hiện việc chuyển hóa địa bàn ra khỏi diện trọng điểm phức tạp về ANTT, được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận Quý Sơn đạt xã kiểu mẫu về ANTT. Năm 2023, xã được công nhận đạt chuẩn An toàn về ANTT, an toàn giao thông; xếp loại xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” của huyện Lục Ngạn.
Hoàng Thị Nga (Công an huyện Lục Ngạn)
Hội hát Sloong hao và phiên chợ xuân vùng cao huyện Lục Ngạn năm 2024
BẮC GIANG – Hằng năm, cứ đến ngày 11, 12 tháng Giêng, đồng bào các dân tộc vùng cao lại nô nức về phiên Chợ Thác Lười (nay là chợ Tân Sơn), xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Họ đến chợ không chỉ để mua sắm mà còn gặp gỡ, giao lưu và trao đổi tâm tình qua câu Sloong hao của đồng bào Nùng. Nét đẹp văn hóa đó được huyện Lục Ngạn lưu giữ và tổ chức thành hội hát Sloong hao và phiên chợ xuân vùng cao.
Thơm hương vùng cây trái Lục Ngạn
BẮC GIANG – Từ lâu, du khách gần xa đã biết đến Lục Ngạn với hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn nước biếc non xanh; những phong trào trồng mía, trồng sắn, đậu tương với điển hình Tân Mộc được Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm. Vài chục năm qua, cả nước lại biết đến Lục Ngạn – vương quốc vải thiều xứ Bắc nổi tiếng hơn cả vùng quả vải gốc xứ Đông.