BẮC GIANG – Những năm gần đây, các cấp chính quyền, ngành chức năng huyện Tân Yên quan tâm hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành tiểu thủ công nghiệp (TTCN) phù hợp điều kiện, lợi thế địa phương, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Đa dạng sản phẩm làng nghề
Nghề làm chổi chít được đưa về thôn Nội Hạc, xã Việt Lập đã hơn 20 năm nay và ngày càng phát triển, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân. Ông Đặng Văn Huy – người làm nghề lâu năm cho biết: “Thời gian đầu, gia đình tôi dùng nguồn nguyên liệu sẵn có để làm chổi phục vụ sinh hoạt, khi thừa mới mang ra chợ bán lẻ. Sau này, chổi chít được người tiêu dùng ưa chuộng nên chúng tôi nhập nguyên liệu từ tỉnh khác về để mở rộng quy mô sản xuất”.
Đóng gói mỳ Châu Sơn. |
Lúc cao điểm, 4 người trong nhà ông Huy đều làm nghề, mỗi ngày giao hơn 100 chiếc chổi với giá bán buôn từ 40 nghìn – 60 nghìn đồng/chiếc, lãi khoảng 2 triệu đồng. Vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu của khách hàng tăng nên trước đó cả tháng, gia đình ông Huy nhập hàng tấn nguyên liệu, thuê 3-5 lao động làm việc liên tục mới có đủ hàng bán.
Theo người dân nơi đây, việc làm chổi không nặng nhọc, người già, trẻ nhỏ đều có thể tham gia nhặt lá chít, khâu, bó chổi, cuốn cán. Công việc này vốn đầu tư ít, tranh thủ được mọi thời gian trong ngày lại cho thu nhập ổn định nên rất phù hợp với vùng nông thôn.
Ông Nguyễn Hải Sơn, Bí thư Chi bộ thôn Nội Hạc cho biết: Hiện trong thôn có hơn 20 hộ sản xuất quy mô lớn và nhiều hộ tranh thủ lúc nông nhàn làm nghề với hơn 100 lao động tham gia. Mỗi năm, doanh thu từ nghề làm chổi ước đạt khoảng 7 tỷ đồng. Nghề làm chổi đã giúp nhiều hộ giàu lên. Thu nhập của người dân trong thôn bình quân đạt khoảng 68 triệu đồng/người/năm.
Cũng phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế khá là nghề làm mỳ gạo ở thôn Châu Sơn, xã Ngọc Châu. Trải qua nhiều công đoạn khắt khe từ chọn gạo ngâm, xay bột nước, lọc, ép khô và đưa vào máy tạo sợi, phơi khô thủ công, mỳ Châu Sơn được người tiêu dùng ưa chuộng bởi sợi dẻo, dai, không sử dụng hóa chất bảo quản, tẩy trắng; đã được công nhận sản phẩm OCOP.
Ông Phạm Văn Lượng, Chủ tịch Hội Sản xuất mỳ gạo Châu Sơn cho biết: Thôn hiện có hơn 50 hộ làm nghề. Tại đây đã hình thành 2 hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ mỳ thu hút hơn 200 lao động; thu nhập bình quân 10-12 triệu đồng/người/tháng. Nhờ làm nghề mà nhiều hộ có thu nhập ổn định.
Trên địa bàn huyện Tân Yên hiện có 3 làng nghề, 40 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tạo việc làm cho hơn 15 nghìn lao động. Tại đây còn có hơn 3 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, làm nghề TTCN như: Đan mây nhựa, làm hương, trồng nấm…
Các làng nghề, cơ sở TTCN đã tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, có thương hiệu và tiêu thụ ổn định như: Chổi chít Việt Lập, mỳ gạo Châu Sơn (Ngọc Châu), mỳ gạo Ý Thu (thị trấn Nhã Nam), mật ong Thành Trung (Liên Sơn), nấm sò Lam Cốt, bánh gio Song Vân, tương Liên Chung, chè lam ngũ vị Dà Liên (Ngọc Vân); nụ hoa sâm Nam núi Dành (Việt Lập), bánh quế Ông Phú. Hoạt động của làng nghề và ngành nghề TTCN ngày càng phát triển góp phần giúp giá trị sản xuất CN – TTCN của huyện những năm gần đây tăng cao, bình quân đạt hơn 6,5 nghìn tỷ đồng/năm.
Tạo động lực phát triển nghề
Phát triển làng nghề, TTCN đóng góp quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định, nâng cao đời sống của người dân, giảm nghèo bền vững. Vì vậy, huyện Tân Yên đã quan tâm, tạo điều kiện cho các làng nghề, cơ sở sản xuất TTCN hoạt động. Hằng năm, từ nguồn quỹ khuyến công các cấp, các làng nghề, nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn được hỗ trợ kinh phí lắp đặt máy móc, xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm và đào tạo nâng cao tay nghề người lao động. Hai năm nay, ngành chức năng tỉnh đã hỗ trợ hơn 600 triệu đồng trang bị dây chuyền sản xuất mì gạo hiện đại cho HTX Mỳ gạo Quế Hằng, thôn Châu Sơn; hỗ trợ HTX Hưng Phú (xã Tân Trung) nâng cấp thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất bánh quế thêm năng suất, hiệu quả.
Đồng thời, đơn vị chuyên môn và tổ chức đoàn thanh niên địa phương tích cực hỗ trợ chuyển đổi số, hướng dẫn gần 300 cơ sở sản xuất, hộ làm nghề mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi tới người tiêu dùng. Đó là động lực để cơ sở sản xuất, người làm nghề tự tin đầu tư duy trì hoạt động, phát triển mạnh hơn.
Trên địa bàn huyện Tân Yên hiện có 3 làng nghề, 40 doanh nghiệp, HTX, tạo việc làm cho hơn 15 nghìn lao động. |
Trước kia, nghề làm chổi ở Nội Hạc từng gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ bó hẹp, người làm nghề thường phải chở hàng đi bán rong, thu nhập bấp bênh nên còn ít hộ tham gia sản xuất. UBND xã đã thành lập Ban Quản lý làng nghề, xây dựng quy chế, điều lệ hoạt động nhằm giúp công việc này phát triển đúng hướng và bền vững. Các hộ được hỗ trợ thông tin, giới thiệu mở rộng thị trường. Từ đó, những chiếc chổi chít bền đẹp của người dân Nội Hạc đã được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến, làm ra đến đâu bán hết đến đó.
Sự động viên, hỗ trợ cũng giúp HTX Hưng Phú ở thôn Lục Hạ, xã Tân Trung mở rộng quy mô sản xuất. Từ 50 máy làm bánh quế ban đầu, hai năm nay, đơn vị đã đầu tư tăng lên hơn 100 máy, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 12 lao động địa phương. Bánh quế Ông Phú được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc HTX cho biết: “Cùng với nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm, chúng tôi xây dựng 12 nhà phân phối ở các tỉnh phía Bắc; tiếp thị sản phẩm trên mạng xã hội. Hiện nay, các mặt hàng được phân phối rộng khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên và trên sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Sendo”.
Chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện Tân Yên trong những năm tới là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và quan tâm phát triển ngành nghề, TTCN để tạo việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân. Theo ông Phạm Văn Dũng, Phó trưởng Phòng Tài chính – Kế hoạch, UBND huyện chỉ đạo tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX, cơ sở, người làm nghề phát triển sản xuất, nhất là những ngành nghề phù hợp với điều kiện, lợi thế địa phương.
Trong đó quan tâm xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho cụm công nghiệp, làng nghề, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. Khuyến khích các cơ sở, hộ sản xuất ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong tìm kiếm, mở rộng thị trường, đưa sản phẩm vươn xa.
Vi Lệ Thanh
Nỗ lực bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động
BẮC GIANG – Những tháng gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự và thời gian làm việc khiến không ít lao động mất việc hoặc thiếu việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống. Chia sẻ khó khăn với người lao động (NLĐ), các cấp chính quyền, ngành chức năng đã và đang tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ.
Kết nối, hỗ trợ tìm việc làm cho lao động nông thôn
BẮC GIANG – Cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, ngành chức năng, tổ chức chính trị – xã hội, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã chung tay hỗ trợ giải quyết việc làm cho hội viên, đoàn viên góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Giúp người lao động thuận lợi tìm việc làm
BẮC GIANG – Ngày 26/11, tại Quảng trường trung tâm huyện, UBND huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) tổ chức Ngày hội việc làm năm 2023. Sự kiện này thu hút gần 20 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng hơn 3 nghìn học sinh, sinh viên (HSSV), người lao động tham gia.
Phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, cấp chính quyền, ngành chức năng