Ngoài các đường dây hiện hữu, Bộ Công Thương yêu cầu EVN tính toán, đề xuất đầu tư thêm đường dây truyền tải điện mới từ Lào về Việt Nam để tăng nguồn cung trong nước.
Ảnh minh họa. |
Theo kế hoạch cung cấp, vận hành điện năm 2024 của Bộ Công Thương, sản lượng điện sản xuất, nhập khẩu gần 306,26 tỷ kWh, trong đó mùa mưa chiếm 52%, còn lại mùa khô.
Điện than, thủy điện và turbin khí vẫn giữ vai trò quan trọng trong bảo đảm cung cấp điện cho hệ thống quốc gia năm sau. Trong khi đó, năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) được huy động theo nhu cầu sử dụng và khả năng hấp thụ của lưới điện.
Với phương án này, Bộ Công Thương khẳng định điện cho sản xuất, sinh hoạt năm sau “cơ bản được bảo đảm”. Tuy nhiên, bộ này đánh giá 2024 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, khó khăn cho cung ứng điện, như không có nguồn điện lớn nào vận hành, lượng khí cấp cho phát điện từ các nguồn khí hiện hữu suy giảm, nguồn khí mới chậm tiến độ. Cùng đó, nhu cầu than cho phát điện tăng cao, nên phải tăng nhập khẩu. Dự kiến các nhà máy sẽ phải nhập thêm hơn 26 triệu tấn than cho điện năm 2024.
Vì thế, để đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng, tại cuộc họp ngày 9/12, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị EVN đề xuất việc đầu tư thêm đường dây truyền tải mới từ Lào về Việt Nam trên cơ sở nhu cầu, khả năng nhập điện từ nước bạn. Ngoài ra, EVN được yêu cầu trong quý I/2024 trình Chính phủ cơ chế giá điện nhập khẩu từ Lào.
Việc này nhằm tăng công suất, lượng điện nhập khẩu từ Lào về Việt Nam, bổ sung nguồn điện cho miền Bắc, nhất là vào cao điểm mùa khô, khi chưa có dự án nguồn điện lớn nào vận hành tới 2025.
Hiện, điện từ Lào nhập về Việt Nam được truyền tải qua đường dây 220 kV. Cuối tháng 9, EVN rót hơn 1.100 tỷ đồng đầu tư đường dây 500 kV Monsoon – Thạnh Mỹ (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam), dài 45 km để kéo điện từ Lào về Việt Nam. Tập đoàn này hồi tháng 9 từng đề nghị Bộ Công Thương tính toán, cho phép đẩy nhanh nhập điện từ Lào.
Theo Quy hoạch điện VIII và Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và Lào năm 2019, Việt Nam sẽ mua 3.000 MW điện từ Lào đến 2025 và khoảng 5.000 MW vào 2030 và có thể tăng lên 8.000 MW nếu điều kiện cho phép. Sáu nhà máy điện được Thủ tướng chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ Lào, tổng công suất 449 MW.
Việc nhập thêm điện từ Lào còn do giá cạnh tranh so với một số nguồn trong nước. Chẳng hạn, giá điện mua từ Lào với các nhà máy thủy điện là khoảng 6,95 cent một kWh. Mức này thấp hơn 2-30% so các nguồn trong nước.
11 tháng, tổng lượng điện nhập khẩu (Lào, Trung Quốc) gần 4 tỷ kWh, chiếm 1,5% sản lượng toàn hệ thống.
Theo TTXVN