BẮC GIANG – Ngày làm việc cuối của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (chiều 28/11), tại Phòng họp Diên Hồng, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các ĐBQH đã bấm nút thông qua một nghị quyết quan trọng: “Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ”. Từ đây, sẽ có những chính sách đặc thù mở ra cho các địa phương khi đầu tư công trình đường bộ từ cách làm chưa có tiền lệ ở Bắc Giang. Như vậy, Bắc Giang không những gỡ nút thắt cho tỉnh, cho cả nước về giao thông mà còn góp phần để Chính phủ hoàn thiện thể chế, chính sách trình Quốc hội ban hành những quyết sách mang hơi thở cuộc sống, phục vụ cử tri, Nhân dân ngày một tốt hơn.
Từ mô hình đột phá đến nghị quyết thí điểm
Là tỉnh đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ cho phép dùng ngân sách địa phương mở rộng, nâng cấp công trình thuộc Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) đầu tư, sau đó bàn giao lại cho Bộ quản lý theo quy định, cách làm của Bắc Giang thu hút sự quan tâm của nhiều ĐBQH.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang bấm nút thông qua Nghị quyết của Quốc hội. |
Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) tại Kỳ họp thứ 5 (ngày 7/6/2023) đề nghị Bộ GTVT cho biết quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng: Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước có hạn mà nhiều tuyến đường xuống cấp thì việc địa phương bố trí được vốn để cùng Trung ương đầu tư, nâng cấp các tuyến quốc lộ là rất quan trọng, phù hợp. Bộ trưởng thông tin thêm, hiện ngân sách Trung ương mà Bộ GTVT được giao mới đáp ứng khoảng 66%. Nhiệm kỳ này cần 462.000 tỷ đồng nhưng ngân sách chỉ bố trí được 366.000 tỷ đồng, trong khi cả nước có hàng nghìn tuyến đường.
Từ mô hình đột phá của Bắc Giang là cơ sở, thực tiễn sinh động để Bộ GTVT tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành xin ý kiến Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho phép địa phương tham gia cùng ngân sách Trung ương để xây dựng quốc lộ, cao tốc. Khi Quốc hội có ý kiến sẽ triển khai.
Giữa hai kỳ họp (từ Kỳ họp thứ 5 đến Kỳ họp thứ 6), Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã có Tờ trình và được Quốc hội nghiên cứu, thảo luận, bấm nút thông qua “Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ” vào ngày làm việc cuối của kỳ họp, chiều 28/11. Trong số các nội dung của Nghị quyết, Chính phủ sẽ xem xét quyết định giao UBND cấp tỉnh có khả năng bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án đường cao tốc, quốc lộ đi qua địa phương mình, như mô hình cầu Như Nguyệt.
Theo các ĐBQH, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm này là đòn bẩy quan trọng khơi thông nguồn lực, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông ở các địa phương. Trung ương mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho địa phương; tin tưởng và giao cho địa phương thực hiện các dự án hạ tầng lớn trên địa bàn; thiết kế công cụ kiểm tra giám sát, đôn đốc, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Với các địa phương, bằng chiếc “gậy” cơ chế này, sẽ mạnh dạn chia sẻ với Trung ương, dám nghĩ dám làm, xóa bỏ tư duy xin – cho để chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh, nhất là về hạ tầng giao thông…
Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. |
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam)- người tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng về “Bắc Giang còn thiếu thủ tục gì để được đầu tư cầu Cẩm Lý, Xương Giang” cho biết: “Tôi rất ấn tượng với Bắc Giang khi xử lý cầu Như Nguyệt và càng đánh giá cao Quốc hội, Chính phủ khi kịp thời ban hành Nghị quyết thí điểm cho các địa phương để xử lý điểm nghẽn về giao thông. Hy vọng Nghị quyết sớm được thực thi hiệu quả, trong đó có cầu Cẩm Lý và cầu Xương Giang”.
Mục tiêu cao nhất là sự hài lòng của Nhân dân
Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, có chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội, ĐBQH không giải quyết vấn đề cho một địa phương nào nhưng nếu đó là những vấn đề bức thiết, đặt ra từ cuộc sống, là tiếng lòng của cử tri, Nhân dân thì Quốc hội sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu và tìm cách tháo gỡ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành cầu Như Nguyệt (giai đoạn 2). |
Từ thực tiễn ở Bắc Giang, từ mô hình đột phá đến nghị quyết thí điểm, thêm một lần chứng minh, Quốc hội đã và đang kéo dần khoảng cách từ cuộc sống đến nghị trường, mang “hơi thở cuộc sống” trong từng nghị quyết. Ngược lại, với người dân, việc gì có lợi cho dân, dân đều biết ơn. Như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại lễ khánh thành cầu Như Nguyệt: “Khi có khó khăn, điểm nghẽn thì cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, Nhân dân lên trên hết. Chúng ta làm vì lợi ích chung thì Đảng, Nhà nước sẽ ghi nhận, Nhân dân biết ơn”.
Thành công của dự án mở rộng cầu Như Nguyệt (giai đoạn 2) là kinh nghiệm tốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Khi có khó khăn, điểm nghẽn thì cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, cái chung lên trên hết; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Các tỉnh khác cũng cần phát huy tinh thần này. Cần nhân lên tinh thần tự lực tự cường, không vì khó mà bó tay; đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết; Đảng, Nhà nước sẽ ghi nhận, Nhân dân biết ơn”. Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH |
Trở lại dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 31, ở thời điểm cần giải phóng mặt bằng nhanh nhất, trong quãng đường dài gần 40 km, liên quan tới cùng lúc 4 địa phương, 3.000 hộ mà lòng dân đồng thuận, mọi việc đều hanh thông. Dự án được Bộ GTVT đánh giá là dự án khởi công sớm nhất và hoàn thành đầu tiên trong các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Thông cầu, thông đường, thông cơ chế chính sách, Bắc Giang trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, các tập đoàn xuyên quốc gia. Không chỉ người dân, doanh nghiệp trong nước ghi nhận, các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất khen ngợi sự năng động, trách nhiệm, dám nghĩ dám làm của Bắc Giang.
Giám đốc một doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư ở Khu Công nghiệp Vân Trung (Việt Yên) bày tỏ: “Doanh nghiệp chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn. Trước đây, chúng tôi gặp khó khăn khi đưa hàng hóa từ nhà máy ra sân bay và ngược lại. Giờ cầu Như Nguyệt mở rộng, không còn khó khăn nữa, chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng đầu tư nhiều hơn trong những năm tới ở Bắc Giang. Tôi rất cảm ơn Bắc Giang”.
Thông cầu, thông đường tạo thuận lợi cho Bắc Giang kết nối phát triển công nghiệp, thương mại. Ảnh: KCN Quang Châu. |
Bắc Giang đang vào mùa tiêu thụ cam, bưởi. Con đường từ thành phố chạy lên Lục Ngạn thông thoáng khiến việc làm ăn, tiêu thụ của bà con thuận lợi hơn bao giờ hết. Ông La Văn Nam- Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn phấn khởi nói: Thiên nhiên ưu đãi cho Lục Ngạn đất đai trù phú, không khí mát lành. Nhân dân cần cù chịu khó, trồng ra quả ngọt, hoa trái tốt tươi. Nhà nước mở đường cho dân đi, cho dân tiêu thụ nông sản, giao thương buôn bán, dân biết ơn Đảng, Chính phủ, Quốc hội nhiều!
Những ngày cuối năm, UBND tỉnh Bắc Giang họp phiên thường kỳ tháng 11 thông báo tin vui: Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh dẫn đầu cả nước, ước đạt 13,45%. Thu hút đầu tư, nhất là thu hút vốn đầu tư nước ngoài đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước đến nay. Lòng dân đồng thuận, phấn khởi, trên dưới đồng lòng. Bắc Giang xếp thứ nhất cả nước về chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp…
*
Cách đây gần 80 năm, trên báo Cứu Quốc số ra ngày 12/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Sao cho được lòng dân?”; đến hôm nay, vẫn còn nguyên giá trị. “Sao cho được lòng dân” không chỉ là nói cho dân vui mà phải làm cho dân thấy, dân thụ hưởng; từ đó, dân đồng lòng, cùng làm, cùng chung tay gánh vác.
“Sao cho được lòng dân”, như Bác dạy, “phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy”. Để làm được điều đó, phải lắng nghe, thấu hiểu và hòa ý chí của đại biểu với ý nguyện của Nhân dân. Có như vậy, không chỉ hun đúc nên những công trình mà việc gì cũng thành công.
Thu Hương – Thu Phong
tin tức bắc giang, bắc giang, cầu Như Nguyệt, Thông cầu, thông đường, thông cơ chế, ngân sách địa phương, hạ tầng giao thông, chính sách đặc thù, đầu tư xây dựng