BẮC GIANG – Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, người dân xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang -Bắc Giang) luôn năng động tìm tòi, phát triển nghề mới để tăng thu nhập cho gia đình và làm giàu cho quê hương. Tổng giá trị sản xuất các ngành nghề chủ yếu của xã vượt mức 1.000 tỷ đồng trong năm nay đã chứng minh sự năng động đó.
Về lại xã Nghĩa Hòa, nhiều người sẽ không nhận ra vùng đất cuối huyện vốn có nhiều khó khăn nay đổi thay rõ nét. Các tuyến đường từ quốc lộ 1, đường tỉnh 292 được đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, mở rộng giúp cho Nghĩa Hòa kết nối dễ dàng với các khu vực xung quanh, mở rộng không gian phát triển, hàng hóa lưu thông thuận lợi. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã hoạt động hiệu quả đã cho thấy sự năng động từ cán bộ đến từng người dân.
Mô hình nuôi chim gáy trắng của gia đình bà Đồng Thị Thuận ở thôn Sâu, xã Nghĩa Hòa. |
Gia đình bà Đồng Thị Thuận và ông Nguyễn Đình Quy ở thôn Sâu gần đây được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến là nơi cung cấp chim cu gáy trắng với số lượng lớn, chất lượng cao. Bà Thuận nói: “Cách đây vài năm, tình cờ đến thăm người bạn nuôi chim cu gáy trắng hiệu quả, tôi mày mò học theo. Ban đầu chỉ nuôi 200 đôi, qua thời gian chăm sóc, tôi nắm được kỹ thuật cơ bản, thấy chim cu gáy dễ nuôi, tiêu thụ ít thức ăn, thịt thơm ngon, điều trị bệnh thông thường không khó. Chỉ sau 40-45 ngày nở là có thể xuất bán, giá khoảng 70-80 nghìn đồng/đôi chim thương phẩm và 250 nghìn/đôi chim giống.
Thời gian mới nuôi, sản phẩm chim thịt tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh, sau đó tôi mở rộng thị trường ra Hà Nội, Quảng Ninh”. Quy mô chăn nuôi của gia đình bà Thuận hiện mở rộng lên 350 m2 chuồng trại với 1.400 đôi, trong đó thường xuyên có 1.200 đôi chim thịt, còn lại là chim hậu bị, sinh sản duy trì đàn. Gia đình bà đầu tư hoàn chỉnh hệ thống nhà lưới, lồng, nước uống tự động, tổng giá trị gần 1 tỷ đồng. Mỗi năm bán khoảng 6 nghìn đôi, trừ chi phí lãi 250 – 300 triệu đồng. Một số hộ khác ở địa phương cũng đang học theo để mở rộng đàn. Vài ngày một lần, thương nhân đến tận nơi thu mua.
Có truyền thống, thế mạnh về nông nghiệp, Đảng ủy, chính quyền xã Nghĩa Hòa xác định muốn tăng năng suất, hiệu quả phải ứng dụng công nghệ. Từ đầu năm đến nay, xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện và Hội Nông dân huyện mở 6 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi với 175 lượt hội viên tham gia; tổ chức giới thiệu các giống cây trồng, vật nuôi mới. Trên địa bàn xã xuất hiện các cơ sở chăn nuôi gia cầm tại thôn Đảng, thôn Giữa với quy mô 50.000 con/năm; mô hình sản xuất lúa thân thiện với môi trường tại thôn Vàng, thôn Sâu…
Gia đình ông Nguyễn Văn Mậu, thôn Hạ, xã Nghĩa Hòa đầu tư cải tạo trang trại, đưa nhiều giống mới vào sản xuất. |
Cùng các cán bộ xã đến trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Mậu ở thôn Hạ, chúng tôi cảm nhận được niềm vui gặt hái thành quả sau bao ngày vất vả của ông. Đưa chúng tôi đi thăm vườn bãi bạt ngàn cây ăn quả, ông Mậu kể: “Khi tôi đầu tư cải tạo gần 2 ha đất này, nhiều người bảo tôi đổ tiền tỷ xuống mà không chắc thu lại được vì lâu nay không trồng cấy gì, ngập cỏ dại. Vợ chồng tôi bỏ điểm kinh doanh đang thuận lợi trên mặt đường lớn để ngày đêm cuốc đất, đào mương. Trước hết, tôi cải tạo hệ thống thoát nước, tưới tự động, đào ao, san gạt rồi quy hoạch thành khu vực chuồng trại chăn nuôi, vườn cây ăn quả.
Tôi chọn giống ổi, táo mới, áp dụng kỹ thuật để rải vụ, bán sẽ được giá hơn, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học, chỉ dùng phân hữu cơ nên cây sinh trưởng tốt, quả ngon. Riêng vụ ổi này, gia đình thu được hơn 10 tấn quả”. Đến nay, trang trại đi vào hoạt động ổn định, doanh thu từ các loại cây ăn quả, chăn nuôi hằng năm khoảng 600 triệu đồng. Trừ chi phí lãi khoảng 200 triệu đồng. Tại các kỳ giới thiệu sản phẩm của xã, ông đều được lựa chọn tham gia, đại diện cho địa phương. Gần đây, trên địa bàn xã nổi lên cơ sở sản xuất cơm cháy của gia đình anh Đồng Văn Thăng ở thôn Heo, mỗi ngày ra lò hơn một nghìn sản phẩm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động.
Năm 2023, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu của xã tăng 18,8%; tổng giá trị sản xuất đạt hơn 1.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 106 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,03%. |
Những mô hình trên phản ánh rõ nhất truyền thống cần cù, năng động, sáng tạo, không ngại khó của người dân Nghĩa Hòa. Bên cạnh nỗ lực của nhân dân, cán bộ từ xã tới thôn luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh đầu tư trên địa bàn. Thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Xã hiện có 372 cơ sở, hộ kinh doanh dịch vụ, 4 doanh nghiệp lớn hoạt động có hiệu quả, giải quyết việc làm cho 2.150 lao động của địa phương, thu nhập của người lao động ổn định với mức hơn 7 triệu đồng/tháng.
Trao đổi với đồng chí Đồng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa được biết, với sự năng động, cần cù, phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất, nỗ lực vượt khó, năm nay, giá trị sản xuất tăng 18,8%, tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Xã huy động mọi nguồn lực để hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới kiểu mẫu, tổng nguồn vốn thực hiện hơn 58 tỷ đồng.
Toàn xã còn 45 hộ nghèo, chiếm 2,03% và 50 hộ cận nghèo (2,26%). Từ kết quả này, xã tiếp tục thực hiện tốt chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; lựa chọn mô hình, cây, con giống mới phù hợp và có hiệu quả kinh tế cao để đưa vào sản xuất. Khuyến khích đào tạo nghề, giải quyết việc làm để người dân có thể làm giàu trên chính quê hương.
Bài, ảnh: Quốc Phương
Không để rác tồn lưu tại chợ Nghĩa Hòa (Lạng Giang)
BẮC GIANG – Theo phản ánh của người dân, điểm tập kết rác thải phía sau chợ Nghĩa Hòa, thôn Bằng, xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang) thường xuyên xảy ra tình trạng rác tồn lưu lâu ngày, gây ảnh hưởng đến khu vực xung quanh.
Đội nữ dân quân Nghĩa Hòa năm xưa
(BGĐT) – Từ năm 1965, bị thua đau ở miền Nam, đế quốc Mỹ đã tăng cường đánh phá miền Bắc. Tại Bắc Giang, quốc lộ (QL) 1A và nhiều nơi khu vực sân bay Kép là địa điểm bắn phá ác liệt. Chung sức cùng với bộ đội, ở xã Nghĩa Hoà (Lạng Giang – Bắc Giang), có một đội nữ dân quân vừa sản xuất, vừa chiến đấu, kịp thời có mặt cấp cứu thương binh, giữ cho tuyến đường huyết mạch luôn thông suốt.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, Lạng Giang, Năng động Nghĩa Hòa, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chuồng trại chăn nuôi, vườn cây ăn quả, Quy mô chăn nuôi