Cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe hay nới lỏng quy định vì quá nghiêm khắc là vấn đề được các đại biểu Quốc hội và dư luận quan tâm.
Dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội bàn thảo tại kỳ họp thứ 6 và dự kiến được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 (năm 2024).
Trong đó, hành vi bị nghiêm cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, khiến nghị trường Quốc hội trở nên sôi động với những phần phát biểu, tranh luận mang góc nhìn khác nhau.
Cán bộ cảnh sát giao thông – Công an huyện Lục Nam (Bắc Giang) kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển ô tô trên đường tỉnh 293. |
Hình thành văn hóa “đã uống rượu bia thì không lái xe”
Ở chiều ủng hộ “cấm tuyệt đối”, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) dẫn chứng bằng kết quả của việc vừa qua, Bộ Công an rất quyết liệt trong chỉ đạo tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Điều này đã góp phần rất quan trọng vào việc bảo đảm an toàn giao thông, trật tự xã hội, phòng ngừa nguy cơ tai nạn, hạn chế rất lớn những vụ tai nạn thương tâm xảy ra.
Đặc biệt, theo bà Ngọc, động thái này góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe”.
Ủng hộ quy định cấm trong dự thảo luật, nữ đại biểu cho rằng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông với quyết tâm không có ngoại lệ, dù người vi phạm là ai, kể cả những cán bộ trong ngành. “Nếu vi phạm cần bị xử phạt theo đúng quy định của pháp luật để làm gương cho nhân dân, tăng thu ngân sách từ việc xử lý vi phạm nồng độ cồn”, bà Ngọc nói.
Cho rằng không cần thiết phải bàn thêm về việc này, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nhấn mạnh quy định do pháp luật đặt ra nên tường minh, giúp người dân dễ chấp hành, có thể dễ dàng tự mình đánh giá, kiểm chứng được vi phạm hay không vi phạm. “Giữa lựa chọn có ngưỡng hay cấm uống rượu, phương án cấm sẽ tường minh, giúp công dân dễ chấp hành, tự mình cũng có thể đánh giá được mình vi phạm hay không vi phạm”, ông Thịnh nói. Ông Thịnh dẫn số liệu từ cơ quan chức năng cho thấy trên 50% số vụ người lái xe gây tai nạn có nồng độ cồn trong máu, hơi thở.
Đề nghị cân nhắc vì quy định “quá nghiêm khắc”
Trong khi đó, đại biểu Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) cho rằng, nếu sử dụng một lượng rượu bia nhất định, căn bản con người vẫn khỏe mạnh, tỉnh táo, không ảnh hưởng đến việc điều khiển phương tiện giao thông. Theo ông Hiếu, quy định như dự thảo có phần quá nghiêm khắc nên đề nghị ban soạn thảo cân nhắc tham khảo ngành y tế, quy định một mức tối đa cho phép về nồng độ cồn trong máu và trong hơi thở của người tham gia giao thông.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh lại đồng thuận với ý kiến cho rằng không nên quy định cấm một cách tuyệt đối. Thay vào đó, theo ông Khánh, nên để cho phép nồng độ cồn trong máu và hơi thở ở một ngưỡng an toàn theo quy định, quy chuẩn của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy là phù hợp với thực tiễn. “Có chăng nên quy định cấm tuyệt đối với những người hành nghề lái xe chuyên nghiệp, có công việc chính là lái xe dịch vụ như lái xe hợp đồng các cơ quan, tổ chức Nhà nước, xe kinh doanh và thu nhập chính từ nghề lái xe”, vị đại biểu nêu quan điểm.
Ông Khánh cho biết thêm vừa qua, cử tri và nhân dân rất đồng tình việc Bộ Công an đã tổ chức các đoàn kiểm tra nồng độ cồn ở các địa phương với quan điểm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, kể cả trong lực lượng công an nhân dân.
Nhấn mạnh việc này đã góp phần hạn chế tai nạn, va chạm giao thông đường bộ do rượu bia, ông Khánh đề nghị Bộ Công an tiếp tục triển khai đồng bộ để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Việc cấm xe không được uống rượu bia khi tham gia giao thông là rất cần thiết và có hiệu quả trong thời gian qua, theo góc nhìn của đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng nên cân nhắc lại quy định nồng độ cồn bằng 0, vì thực tế người có uống rượu bia đã ngủ qua đêm hoặc khoảng cách từ khi uống đến lúc lái xe đã lâu nhưng nếu rủi ro vẫn bị phạt vì có nồng độ cồn. “Đề nghị nồng độ cồn phải có ngưỡng nhất định, không thể quy định nồng độ cồn bằng con số 0”, ông Hòa nói.
Để khách quan, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp với ngành y tế và các chuyên gia hàng đầu phân tích kỹ lưỡng, để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cũng nhấn mạnh cần bằng chứng và căn cứ khoa học cho việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn như trong dự thảo luật. “Điều cần thiết nhất để đại biểu Quốc hội và Quốc hội có thể quyết định hay không đó chính là bằng chứng và căn cứ khoa học. Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời chính thức cho Quốc hội về căn cứ khoa học và bằng chứng khoa học để có quy định này”, vị đại biểu tỉnh Gia Lai nêu quan điểm.
Xử lý 232 cán bộ, công chức, nhà báo vi phạm nồng độ cồn
Từ ngày 30/8/2023 đến ngày 15/10/2023, thực hiện đợt tổng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, các tổ công tác của Bộ Công an đã triển khai ở 58 địa phương, qua đó phát hiện bàn giao cho công an địa phương 6.119 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, ghi nhận 232 trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức, nhà báo…
Thiếu tướng công an lý giải vì sao cấm tuyệt đối vi phạm nồng độ cồn?
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã xem xét, thảo luận, cho ý kiến đối với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nhiều nội dung trong dự thảo luật được các đại biểu và nhân dân quan tâm. Vừa qua, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an đã có cuộc trao đổi với báo chí một số nội dung liên quan dự thảo luật.
Theo Dân trí
Vi phạm nồng độ cồn, xử lý vi phạm, lái xe vi phạm nồng độ cồn, uống rượu bia không lái xe