BẮC GIANG – Chiều 22/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) góp ý vào dự thảo Luật.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh thảo luận tại hội trường. |
Đại biểu Phạm Văn Thịnh tán thành với quy định nhiệm vụ xem xét, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử theo quy định của dự thảo Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi) với các lý do sau:
Một là, nội dung này của dự thảo Luật là sự kế thừa quy định tại khoản 7 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Điều 265 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Điều 221 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và các Điều 111, 112, 113, 114 Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Về cơ bản, nhiệm vụ này đã và đang được các Tòa án thực hiện nhiều năm qua và hiện chưa phát sinh vướng mắc liên quan đến hệ quả pháp lý của quy định này.
Hai là, theo quy định tại khoản 2 Điều 119 Hiến pháp năm 2013, chủ thể bảo hiến ở nước ta bao gồm nhiều cơ quan, trong đó có các Tòa án nhân dân. Nhiệm vụ này được thực hiện thông qua chức năng chính của Tòa án là xét xử vụ án. Tòa án chỉ xem xét tính hợp hiến của một văn bản quy phạm pháp luật trong điều kiện một vụ án cụ thể, khi tính hợp hiến của văn bản luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và cần thiết cho việc giải quyết vụ án.
Ba là, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều giao chức năng bảo hiến cho Tòa án thông qua nhiệm vụ xem xét, quyết định tính hợp hiến, hợp pháp đối với văn bản quy phạm pháp luật, nhằm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước.
Bốn là, dự thảo đề xuất nhiệm vụ xem xét, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử của Tòa án là phù hợp, không chồng chéo với chức năng của Quốc hội. Việc dùng cụm từ “xem xét” trước cụm từ “kiến nghị” không gây nhầm lẫn với thẩm quyền của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Vì Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền “xem xét để bãi bỏ văn bản trái Hiến pháp, luật”. Tòa án có nhiệm vụ “xem xét” để “kiến nghị” Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ văn bản đó. Nhiều đạo luật hiện nay đều quy định trách nhiệm của cơ quan phải “xem xét” thận trọng, nếu có căn cứ thì mới thực hiện thẩm quyền “kiến nghị”.
Có ý kiến băn khoăn về việc giao nhiệm vụ này cho Tòa án có ổn thỏa hay không vì việc nhận định một văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp là không dễ dàng. Theo quan điểm của đại biểu Phạm Văn Thịnh, Thẩm phán là người áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp một cách chuyên nghiệp, nắm rõ kiến thức pháp luật tổng thể và chuyên ngành của một quốc gia nên sẽ có góc nhìn đa chiều, sâu sắc về hệ thống pháp luật. Việc xem xét văn bản pháp luật khi xét xử cũng chính là cách nâng cao trách nhiệm của cơ quan tư pháp, tạo sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử của Thẩm phán, tạo nên sự cân bằng, đối trọng với các nhánh quyền lực nhà nước.
TS (tổng hợp)