BẮC GIANG – Tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) tại huyện Sơn Động đạt hơn 99,9%. Nhờ vậy, người dân có thêm điều kiện chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng đời sống.
Gần 80 nghìn người có thẻ BHYT
Từng có thời gian làm nghề lái xe, ông Nguyễn Quang Trung (SN 1973), tổ dân phố Thượng 2, thị trấn An Châu luôn chủ động bảo vệ sức khỏe đề phòng rủi ro có thể xảy ra trong cuộc sống. Năm 2018, sau khi tìm hiểu, nhận thấy chính sách BHYT có nhiều ưu điểm nên ông Trung đã tham gia.
Bệnh nhân có thẻ BHYT lọc máu tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Động. |
Cuối năm 2020, ông bị tai biến mạch máu não, sức khỏe giảm rõ rệt nên công việc lái xe phải gác lại. “Dù không còn thu nhập như lúc khỏe mạnh song tôi vẫn có điều kiện đến Trung tâm Y tế huyện để điều trị định kỳ hằng tháng. Chi phí khám, chữa bệnh khoảng 7-8 triệu đồng/đợt, tương đương với số tiền gần 100 triệu đồng/năm. Trong số này, Nhà nước thanh toán 80%, tôi đóng 20% còn lại”, ông Trung kể.
Trong gia đình, ngoài ông Trung còn có vợ là bà Vi Thanh Hiếu và con trai ngay sau khi tốt nghiệp đại học cũng mua BHYT. Quá trình tham gia, các thành viên được hưởng mức ưu đãi theo quy định. Cụ thể, người thứ nhất mua thẻ với mức phí 972.000 đồng/năm, người thứ hai và thứ ba lần lượt chỉ phải đóng với mức 70% và 60%.
Từ đầu năm đến nay, BHXH huyện Sơn Động đã thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho gần 8,3 nghìn lượt người với hơn 4 tỷ đồng. Chi phí trung bình cho mỗi lần điều trị nội trú là 2,8 triệu đồng/người, có trường hợp hàng chục triệu đồng. |
Thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Sơn Động, toàn huyện có gần 80 nghìn người có thẻ BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 99,9%. Từ đầu năm đến nay, cơ quan đã giám định, thanh toán phí khám, chữa bệnh BHYT cho gần 8,3 nghìn lượt người với hơn 4 tỷ đồng. Bình quân mỗi lượt điều trị nội trú là 2,8 triệu đồng/người, có trường hợp hàng chục triệu đồng.
Ví như, bà Đinh Thị Chúc (SN 1936), ở xã Lệ Viễn bị suy hô hấp cấp phải điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Động đầu năm 2023. Hơn 2 tuần nằm viện, chi phí điều trị hết gần 30 triệu đồng đều được BHXH thanh toán. Bệnh nhân Nguyễn Minh Liên (SN 1940), xã An Bá được BHXH thanh toán gần 37 triệu đồng cho quá trình điều trị bệnh về đường tiêu hóa. Các bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Sơn Động cho hay, nhờ chính sách BHYT bao phủ đến hầu hết các hộ nên những năm gần đây không có trường hợp bỏ dở liệu trình điều trị, chất lượng chăm sóc sức khỏe chuyển biến tích cực.
Phương thức vận động phù hợp
Hiện nay, đa số người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, có hộ khẩu ở vùng đặc biệt khó khăn, người có công với cách mạng và cán bộ hưu trí được ngân sách hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ BHYT. Tuy vậy, qua rà soát vẫn còn hơn 2,4 nghìn người dân trong huyện chưa tham gia và đã tham gia nhưng sắp hết hạn cần tiếp tục vận động mua BHYT. Những trường hợp này thuộc các địa bàn như: Xã Tuấn Đạo, Long Sơn; thị trấn An Châu. Nếu không may bị ốm đau đột xuất hoặc phải điều trị kéo dài với chi phí cao, cuộc sống của họ sẽ rất khó khăn, nguy cơ cao rơi vào nhóm hộ nghèo, cận nghèo.
Cán bộ BHXH huyện Sơn Động tư vấn chính sách BHYT cho người dân thị trấn An Châu. |
Xã Long Sơn hiện có gần 5,3 nghìn người có thẻ BHYT. Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Để duy trì 99,9% người dân trong xã có thẻ BHYT trong năm 2024, xã cần vận động thêm 293 cá nhân tham gia. Địa phương đã xây dựng kế hoạch tích cực tuyên truyền trên loa truyền thanh cơ sở và các hội, nhóm về ý nghĩa của BHYT. Đối với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, địa phương sẽ tính toán huy động các nguồn lực để mua tặng thẻ”.
Theo lãnh đạo UBND huyện, trong lộ trình phát triển KT-XH, huyện Sơn Động xác định mục tiêu triển khai hiệu quả chính sách an sinh giúp người dân trên địa bàn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống ổn định, thoát nghèo bền vững. BHYT là một trong những chính sách nhân văn góp phần chia sẻ gánh nặng về tài chính khi người dân đau ốm phải đến cơ sở y tế điều trị.
Trong “Tháng cao điểm” vận động nhân dân tham gia BHYT năm 2024 (từ ngày 1/11 đến ngày 30/11), UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai, giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn. Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan, đơn vị, thôn, tổ dân phố tăng cường rà soát các nhóm đối tượng. Từ đó có biện pháp vận động linh hoạt, phù hợp để người dân hiểu rõ ý nghĩa của BHYT, tự nguyện tham gia.
Cùng với các giải pháp trên, hiện nay, huyện chỉ đạo các đơn vị chuyên môn nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ kinh phí mua BHYT cho người dân ở các thôn mới ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn mà chưa được cấp thẻ BHYT. Rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo xong trước ngày 15/12/2023 để BHXH huyện có căn cứ triển khai chính sách năm 2024, bảo đảm chi trả đầy đủ, kịp thời quyền lợi cho người bệnh theo quy định. Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế quan tâm nâng cao chất lượng tiếp đón, khám và điều trị giúp người dân có thẻ BHYT yên tâm tham gia chính sách.
Bài, ảnh: Mai Toan
Bảo hiểm y tế – “phao cứu sinh” của người nghèo
BẮC GIANG – Chi phí cho việc điều trị bệnh tật luôn là nỗi lo đối với người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Với người nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được coi như có “phao cứu sinh” nếu không may đau ốm, mắc trọng bệnh.
Quản lý, sử dụng dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
BẮC GIANG – Để tiếp tục tăng cường quản lý và sử dụng có hiệu quả, hướng tới mục tiêu cân đối dự toán chi khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2023, đồng thời bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang có công văn yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan tăng cường quản lý, sử dụng dự toán chi KCB BHYT.
tin tức bắc giang, bắc giang, thẻ bảo hiểm y tế, Rà soát kỹ đối tượng, tăng tỷ lệ bao phủ, bảo vệ sức khỏe, phí khám, chữa bệnh, hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số