Bộ Chính trị yêu cầu không lợi dụng chức vụ, quan hệ để tác động, tranh thủ gây sức ép trong thanh tra, kiểm toán và kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng.
Hội nghị Trung ương 8 khóa 13, tháng 10/2023. |
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành quy định 131 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và thanh tra, kiểm toán.
Theo đó, ngoài hành vi tham nhũng, hối lộ, Bộ Chính trị nêu rõ các hành vi tiêu cực như: lợi dụng các mối quan hệ thân quen, gia đình hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín để tác động, tranh thủ, gây sức ép; thao túng, can thiệp vào kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán; đưa ý đồ cá nhân, đề ra tiêu chí, điều kiện, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, sự thật để có lợi hoặc gây bất lợi cho đối tượng kiểm tra.
Ngoài ra còn có hành vi như gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi không đúng quy định với đối tượng kiểm tra; sử dụng các tài liệu thẩm tra, xác minh không đúng mục đích; bao che, tiếp tay, trì hoãn, không kết luận, không xử lý hoặc kết luận, xử lý không đúng nội dung, tính chất, mức độ vi phạm.
Về xử lý vi phạm, Bộ Chính trị yêu cầu phải kịp thời xem xét, thi hành kỷ luật nghiêm minh cấp ủy tổ chức Đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực. “Trường hợp vi phạm chưa đến mức phải xử lý kỷ luật thì cũng phải tự kiểm điểm, có biện pháp khắc phục vi phạm, khuyết điểm và cam kết không tái phạm”, quy định nêu.
Đối với cá nhân đang công tác còn bị áp dụng các biện pháp như: đình chỉ công tác, chức vụ, không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán; không quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu bầu cử, ứng cử chức vụ tương đương và cao hơn, công nhận chức danh, phong tặng danh hiệu, khen thưởng.
Với vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, Bộ Chính trị yêu cầu phải kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý, nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính hoặc nội bộ.
Trường hợp để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, cấp ủy, tổ chức Đảng bị kỷ luật phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, thành viên cấp ủy, tổ chức Đảng, thành viên tập thể lãnh đạo có liên quan; kịp thời thay thế, bố trí công tác khác đối với trường hợp không còn đủ uy tín lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, cơ quan vi phạm phải hủy bỏ, thu hồi kết luận, quyết định ban hành không đúng.
Lãnh đạo cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị sẽ được xem xét miễn, giảm trách nhiệm khi không thể biết hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.
Việc miễn, giảm trách nhiệm cũng được áp dụng khi đã sử dụng biện pháp cần thiết để ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng, tiêu cực hoặc kịp thời phát hiện, chủ động báo cáo; chủ động xin thôi giữ chức vụ, từ chức trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý (trừ trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự).
Hồi tháng 7, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 114 về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, thay thế quy định 205/2019. Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đánh giá, quy định mới có nhiều điều khoản nghiêm khắc hơn nhưng “cần làm sao để quy định đi vào cuộc sống thì cán bộ, đảng viên, nhân dân mới có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ”.
Theo VnExpress
Cấm lợi dụng quan hệ, gây sức ép, thanh tra, kiểm toán, Bộ Chính trị, Quy định 114