BẮC GIANG – Cần cù, chịu khó, không cam chịu đói nghèo, chị Vi Thị Mạnh (SN 1994), dân tộc Nùng, thôn Hợp Thành, xã Phú Nhuận (Lục Ngạn) là điển hình phụ nữ dân tộc thiểu số nỗ lực thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, là tấm gương để chị em phụ nữ học tập.
Năm 2015, khi mới lập gia đình, cuộc sống của hai vợ chồng chị Mạnh gặp không ít khó khăn. Sau nhiều đêm trăn trở nghĩ cách vượt qua đói nghèo, vợ chồng chị vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Từ đó, chị cải tạo chuồng trại và mua 5 con dê giống về nuôi.
Chị Vi Thị Mạnh chăm sóc đàn dê. |
Ban đầu, do chưa có kiến thức, kinh nghiệm nên việc chăm sóc đàn dê không thuận lợi. Chị Mạnh đã lên mạng Internet tìm hiểu thông tin, tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê do các cấp, ngành tại địa phương tổ chức. Có thêm kiến thức, chị cải tạo đất đồi để trồng cỏ, ngô, tận dụng cây cỏ tự nhiên ở rừng làm thức ăn cho dê. Nhờ vậy, đàn dê phát triển tốt. Mấy tháng sau, những con dê giống đã đẻ thêm 5 dê con.
Nhận thấy chăn nuôi dê phù hợp với đồng đất quê nhà, chị Mạnh vay mượn thêm họ hàng để nhân rộng mô hình. Năm 2018, đàn dê của gia đình chị tăng lên 60 con. Vừa gây giống, vừa nuôi dê thương phẩm, sau 1 năm chị thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Có thu nhập ổn định, năm 2019, gia đình chị đã thoát nghèo.
Năm 2021, gia đình chị Mạnh mua xe tải và thu mua nông sản như: Vải thiều, táo, bưởi, cam, ngô, khoai, sắn, bí ngô… mang đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh. Khoảng 2 năm trở lại đây, thu nhập của gia đình chị đạt từ 400 đến 500 triệu đồng/năm.
Chị Mạnh chia sẻ: “Kinh tế gia đình khấm khá lên, nhờ đó mà có điều kiện chăm lo cho con học hành tốt hơn. Gia đình cũng vui vẻ, đầm ấm thêm. Tôi sẽ động viên, giúp đỡ những chị em khác cùng nỗ lực xóa nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
Chị Phan Thị Nhúc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Nhuận nhận xét: “Chị Mạnh là tấm gương tích cực lao động phát triển kinh tế, được bà con trong thôn, xã mến phục. Không chỉ giúp đỡ những hội viên đặc biệt khó khăn cùng vươn lên, chị luôn hăng hái tham gia các hoạt động do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tổ chức và ủng hộ các phong trào từ thiện, xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.
Bài, ảnh: Kim Phượng
Yên Thế: Đưa thông tin đến với đồng bào dân tộc thiểu số
BẮC GIANG – Theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, thiếu hụt thông tin là một trong những chỉ số thuộc tiêu chí thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Bởi vậy huyện Yên Thế xác định việc phổ cập dịch vụ internet, mạng di động, tăng cường chuyển đổi số có vai trò quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
chị Vi Thị Mạnh, dân tộc Nùng, thôn Hợp Thành, xã Phú Nhuận, Lục Ngạn, Bắc Giang, nuôi dê, thoát nghèo